Lễ Thượng cờ kỷ niệm ngày thành lập ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020 của Việt Nam là thời điểm tốt để nhìn lại tiến trình gia nhập ASEAN từ năm 1995. Vậy theo ông, ASEAN có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Trong 24 năm qua, ASEAN cũng như Việt Nam, đã thay đổi rất nhiều. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi nhận ra rằng, trong chính sách đối ngoại, ASEAN là đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Có 3 khía cạnh có thể chứng tỏ điều đó. Thứ nhất, ASEAN là cửa ngõ để Việt Nam hội nhập thuận lợi hơn vào cộng đồng quốc tế. Qua ASEAN, Việt Nam có được kinh nghiệm trước khi tham gia các diễn đàn đa phương lớn hơn như Diễn đàn APEC hay Liên hợp quốc.
Thứ hai, ASEAN giúp Việt Nam trong việc đào tạo một số lượng lớn cán bộ học và sử dụng tiếng Anh thông qua các chương trình học bổng. Trên thực tế, các Bộ, ngành, cũng như nhiều tổ chức ở Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc có nhân viên được đào tạo tiếng Anh tại các nước ASEAN, hoặc trong quá trình làm việc với các quan chức ASEAN.
Thứ ba, ASEAN đã mở một cánh cửa lớn cho Việt Nam để thu hút vốn FDI, ODA và các hình thức hỗ trợ phát triển khác. Thông qua các cơ chế như ASEAN + 1, ASEAN +3, các đối tác đối thoại của ASEAN, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong nhóm CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam) thu hút các trợ giúp phát triển và hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người dân. Những điều đó đã làm sáng tỏ sự quan trọng của ASEAN với Việt Nam.
Ông có sự so sánh như thế nào về ASEAN ngày nay và ASEAN ở thời điểm Việt Nam gia nhập?
Nếu so sánh ASEAN ngày nay với 24 năm trước, đặc biệt là năm 1995 khi Việt Nam gia nhập ASEAN, tôi có thể nói rằng ASEAN đã khác 100%. Từ một hiệp hội, ASEAN đã trở thành một cộng đồng, đây là một thay đổi lớn. Trước đó, ASEAN không có Hiến chương. Hiện nay ASEAN đã có một Hiến chương, được mô phỏng như theo Hiến chương của Liên hợp quốc.
Tương tự như vậy, Việt Nam cũng đã thay đổi. Trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam bị cô lập và cấm vận bởi Mỹ và nhiều nước khác. Nhưng ngày nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, hội nhập tích cực vào cộng đồng thế giới và đóng góp ngày càng nhiều cho quá trình toàn cầu hóa. Sự khác biệt lớn nhất là Việt Nam đã trở nên tự tin hơn, cởi mở và hội nhập.
Theo ông, 3 lợi ích hàng đầu của Việt Nam khi trở thành thành viên ASEAN là gì?
Thứ nhất, ASEAN giúp mang lại an ninh và sự ổn định hơn cho Việt Nam. Thứ hai, ASEAN tạo điều kiện cho tiến trình phát triển của Việt Nam. Thông qua ASEAN, chúng tôi có nhiều kênh để hợp tác. Thứ ba, ASEAN giúp Việt Nam tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Nếu có sự thống nhất, ASEAN sẽ được các nước lớn tôn trọng, do vậy, một ASEAN thống nhất là rất quan trọng. Là thành viên ASEAN, Việt Nam sẽ có vị thế tốt hơn trước các cường quốc bên ngoài và vị thế lớn hơn trong quan hệ quốc tế.
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. (Nguồn: TTXVN) |
Vậy Việt Nam mang đến điều gì cho ASEAN và Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020?
Nhìn lại 24 năm qua, đóng góp lớn nhất của Việt Nam cho ASEAN là đưa khu vực Đông Nam Á từ chia rẽ đi đến một thực thể thống nhất. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã khởi đầu cho tiến trình ASEAN đi từ 6 thành viên lên 10 thành viên, do đó không còn sự chia rẽ giữa các nước Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo.
Thứ hai, Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều cơ hội tốt cho khối ASEAN-6. Doanh nghiệp Thái Lan hay Singapore đã có thể kinh doanh rất tốt tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là sự tương tác giữa các nước Đông Nam Á, giữa người dân trong khu vực ngày càng nhiều và khả năng xung đột, xung đột vũ trang giảm. Có thể thấy rõ, một mặt, ASEAN hòa bình, ổn định hơn, quan hệ giữa con người với con người gần gũi hơn. Mặt khác, trong ASEAN có nhiều cơ hội hơn cho kinh doanh, không còn sự chia rẽ.
Sau hơn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, người Việt Nam nhận thức thế nào về ASEAN cũng như về việc Việt Nam là một phần của gia đình ASEAN?
Nhận thức của Việt Nam và nhân dân Việt Nam về ASEAN đã tăng lên rất nhiều nhờ các chương trình của Chính phủ và sự mở cửa kinh tế xã hội của Việt Nam. Nếu so sánh với 20 năm hoặc 24 năm trước, bức tranh ngày nay về nhận thức của người dân Việt Nam đối với ASEAN chắc chắn đã thay đổi 100%. Ngày nay, chúng tôi nhìn ASEAN như gia đình và Việt Nam là thành viên của gia đình này.
ASEAN đã giúp gì cho Việt Nam trong nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông?
ASEAN không phải nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. ASEAN được thành lập để đối thoại và tạo điều kiện cho tiến trình phát triển. Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN có thể cung cấp một diễn đàn, tạo điều kiện xây dựng hoặc tiến trình xây dựng lòng tin trong các bên liên quan. Thông qua đối thoại, thông qua hợp tác, ASEAN có thể quản lý vấn đề để tranh chấp không bùng phát thành xung đột vũ trang. ASEAN giúp là giúp trong hoàn cảnh đó.
Xin cảm ơn Ông!