Theo TS. Trịnh Lê Anh (giữa), tiềm năng của du lịch MICE rất lớn nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của TS. Trịnh Lê Anh, Phó Chủ tịch VMC - CLB MICE Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam); Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, xung quanh việc phát triển du lịch MICE tại Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về thế mạnh, tiềm năng phát triển loại hình du lịch MICE?
Những năm gần đây, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Thành công của ngành du lịch đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Qua đó, thúc đẩy các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, thể thao và phát triển loại hình du lịch MICE (Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm hoặc tổ chức sự kiện (Meeting – Incentives – Conventions – Exhibitions/Event)). Việt Nam có nhiều thuận lợi đối với sự phát triển du lịch MICE.
Về chính sách phát triển du lịch MICE, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”.
Chiến lược chú trọng phát triển loại hình du lịch MICE, thể thao, chăm sóc sức khỏe để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE được nêu rõ, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2020, Việt Nam xây dựng và công bố Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch MICE – Yêu cầu về địa điểm tổ chức đối với khách sạn.
Về cơ sở lưu trú du lịch, năm 2019, hệ thống cơ sở lưu trú của chúng ta đã tham gia phục vụ chu đáo các sự kiện lớn của ngành và đất nước như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội, Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long, Đại Lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 và nhiều sự kiện quan trọng khác. Qua đó, thể hiện vai trò, vị thế, khả năng của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.
Năm 2020, tại Lễ trao giải của ASEAN Tourism Forum 2020 (ATF) được tổ chức tại Brunei (ngày 16/1), trong khuôn khổ tuần lễ Diễn đàn du lịch Đông Nam Á, nhiều cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam đã được trao giải thưởng ASEAN MICE Venue Award - Giải thưởng dành cho khách sạn có địa điểm tổ chức hội nghị tốt nhất. Trong đó, gồm các khách sạn: Furama Resort (Đà Nẵng), Vạn Phát Riverside (Cần Thơ), Mường Thanh Luxury (Quảng Ninh), Diamond Bay (Khánh Hòa), Novotel Phú Quốc (Kiên Giang).
Du lịch toàn cầu dự báo đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE sẽ thu được trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung vào hai “điểm sáng” là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, ngay trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực. Theo tính toán của những người làm nghề, lượng khách MICE ở các công ty lữ hành trung bình 15-20%, thậm chí ở các đơn vị lớn những tháng cao điểm có thể cán mốc 60%.
Điều đáng nói, khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20%, được xác định là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu 700-1.000 USD/ngày, trong khi đó khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD/ngày.
Hậu Covid-19, theo nhiều nhận định, du lịch MICE được xem là “mảnh đất màu mỡ” của du lịch Việt Nam khi còn rất nhiều dư địa phát triển. Có thể thấy, MICE là dòng khách chất lượng cao giàu tiềm năng cho du lịch nước nhà tập trung khai thác thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát – giai đoạn được đánh giá sẽ bùng nổ về du lịch. Đặc biệt là MICE - loại hình du lịch kết hợp hữu hiệu giữa công vụ và nhu cầu xê dịch đang như chiếc lò xo bị nén lâu ngày.
TS. Trịnh Lê Anh trong một chuyến công tác tại châu Phi. (Ảnh: NVCC) |
Du khách tham gia du lịch MICE có đặc thù là đối tượng cao cấp hơn so với các đoàn khách du lịch thông thường. Vì vậy, việc quảng bá cũng như khai thác hình thức du lịch này cũng phải thay đổi?
Rõ ràng, nhu cầu và tiềm năng của du lịch MICE rất lớn nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau, với chính quyền địa phương để phát huy thế mạnh từ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến phục vụ lượng khách MICE quy mô lớn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.
Tại Việt Nam, khi đại dịch được kiểm soát, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, xúc tiến đầu tư, tổ chức hội nghị kết hợp tham quan, khám phá phong cảnh, trải nghiệm văn hóa đặc trưng… sau hai năm bị kìm nén.
Từ đó, du lịch MICE đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ để “bù” sự thiếu hụt trước đó. Tuy nhiên, đây là loại hình du lịch đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc khắt khe các điểm đến và sản phẩm. Việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm này tại Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức.
Việt Nam hiện có nhiều khách sạn 5 sao, song số phòng, công suất phòng họp còn ít, không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài nghìn người.
Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quảng bá loại hình du lịch này ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.
Có thể thấy, khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân sự, dù các công ty liên tục tuyển dụng mới. Nhiều doanh nghiệp chuyên doanh MICE đã phải trả thu nhập cao để thu hút nhân sự du lịch đã chuyển ngành trở lại làm việc và đào tạo cấp tốc cho sinh viên các trường du lịch.
Cùng với vấn đề nhân sự, việc thiếu nguồn vốn lưu động cũng khiến các doanh nghiệp chuyên dòng MICE phải căng thẳng lo liệu vì các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển đều yêu cầu bảo lãnh tạm ứng nguồn tiền. Chưa hết, trong mùa cao điểm, khi các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa mở lại hoàn toàn, thì dù có khách, có nguồn tiền, song vẫn không thể đáp ứng được dịch vụ.
Bởi vậy, muốn du lịch MICE thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam, các địa phương, từng doanh nghiệp, từng điểm đến cần tiếp tục đầu tư hạ tầng xứng tầm, triển khai các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ sẽ giúp cho loại hình du lịch này bứt tốc trong thời gian tới.
TS. Trịnh Lê Anh cùng các lãnh đạo chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản tham gia Hội nghị tại Nhật Bản năm 2016. (Ảnh: NVCC) |
Các quốc gia thuộc ASEAN đã và đang phát triển hình thức du lịch này ra sao và Việt Nam có thể học hỏi được gì?
Tôi xin đề cập đến Singapore - đất nước có tầm phát triển du lịch MICE ở đẳng cấp thế giới, rất đáng học hỏi. Singapore xây dựng chiến lược phát triển du lịch MICE, xác định đưa quốc gia này trở thành cường quốc dẫn đầu trong khu vực châu Á về du lịch hội nghị, hội thảo.
Đồng thời, Singapore sẽ phát triển trở thành trung tâm dịch vụ và nghỉ dưỡng của khu vực. Chiến lược này xác định ra các dự án du lịch lớn cần phải thực hiện như Giải đua công thức 1 (Formula OneTM Singapore Grand Prix), Khu phức hợp nghỉ dưỡng (Integrated Resorts) và Vòng đu quay khổng lồ (Singapore Flyer)…
Với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, là trung tâm của các hoạt động giao thương lớn trong khu vực, Singapore xác định phát triển du lịch MICE là trọng tâm của chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.
Từ năm 1971, quốc gia này đã xúc tiến hình ảnh “Trung tâm hội nghị của phía Đông”, cùng với việc thành lập Cục phát triển Hội nghị Singapore năm 1974 (Singapore Convention Bureau – SCB) với nhiệm vụ xây dựng nhận thức cho cả thế giới về châu Á – một điểm đến tổ chức hội nghị hội thảo và nghĩ đến Singapore – điểm đến MICE tốt nhất ở Châu Á.
Xác định được mục tiêu, Singapore bắt tay với các khách sạn lớn hàng đầu thế giới phát triển các trung tâm hội nghị, các nhà đầu tư tư nhân để phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Đến cuối những năm 1990, Singapore đã có đủ các cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết để tổ chức các sự kiện MICE tầm cỡ thế giới như Suntec Singapore International Convention, Exhibition Centre và the Singapore Expo.
Đến năm 1996, SCB đổi tên thành Cục phát triển Hội nghị và Triển lãm Singapore (SECB) để mở rộng sang lĩnh vực tổ chức triển lãm. Cùng với đó là sự hợp tác với các bên đối tác là doanh nghiệp trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, lữ hành để nâng cao chất lượng trải nghiệm du lịch MICE cho khách hàng là người đi du lịch công vụ.
Hiện nay, Singapore đã trở thành điểm đến dẫn đầu thế giới về du lịch MICE, lĩnh vực này đóng góp hơn 30% vào tổng thu từ du lịch của quốc gia. Dù vậy, quốc gia này vẫn nỗ lực để thay đổi, phát triển không ngừng, để duy trì vị trí dẫn đầu.
19 năm trước, người Thái chưa biết gì về MICE. Nay họ tự hào là nước "khai sinh" cho tên gọi đó và định hình rõ ràng lộ trình phát triển ngành công nghiệp này với tham vọng là trung tâm MICE tại Đông Nam Á.
Nói một cách đơn giản hơn, ngoài việc tiếp tục thu hút nhóm du khách tới Thái Lan với nhu cầu trải nghiệm du lịch cá nhân (có thể họ chỉ đến một lần trong đời), Thái Lan tập trung nhiều hơn cho mục tiêu thu hút những khách đoàn tới nước họ tham gia các sự kiện, hội thảo và du lịch chỉ là một phần kết hợp trong những chuyến công tác đó.
MICE Industry là tên gọi do Thái Lan đặt ra trong quá trình phát triển dịch vụ du lịch này suốt 22 năm qua. Họ đặt như vậy để phân biệt với các ngành có những điểm tương đồng như Event Industry (công nghiệp sự kiện) của Mỹ hay Meeting Industry (công nghiệp hội họp) của châu Âu.
Với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho du khách từ lúc đặt chân tới đến lúc rời khỏi Thái Lan, "hệ sinh thái MICE" quần tụ quanh nó các trung tâm tổ chức sự kiện lớn, các khách sạn, resort 5 sao tại Bangkok, Pattaya và những vùng ngoại vi cách thủ đô trong bán kính 2-3 giờ di chuyển xe hơi.
Tham gia MICE còn có các hãng bay lớn như Thai Airways, Bangkok Airways. Không chỉ được tận hưởng những ưu đãi về giá vé, cân nặng hành lý, ngay từ lúc bước xuống sân bay của Thái Lan, các du khách MICE sẽ được trải nghiệm ngay những dịch vụ riêng, như lối đi làm thủ tục rút ngắn cho họ.
Thái Lan cũng tổ chức các chiến dịch thu hút khách MICE lớn khác như "MICE Thailand Signature" (Dấu ấn MICE Thái Lan) với 262 cửa hàng dành mức chiết khấu tới 30% cho du khách MICE. 262 cửa hàng này thuộc 6 nhóm ngành kinh doanh: sức khỏe; ẩm thực; cà phê và bar; mua sắm; chương trình biểu diễn văn hóa giải trí và các lớp học (muay Thái, ẩm thực Thái).
Rõ ràng, người Thái đã tích hợp nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp, nhiều hạng mục kinh doanh, trải nghiệm trong một ngành công nghiệp MICE. Mọi đơn vị tham gia hợp tác đều gắn liền với các hoạt động đi lại, ăn, ngủ, trải nghiệm, làm việc và vui chơi, giải trí của khách nước ngoài.
Xin cảm ơn TS.!
| Bạo lực học đường, bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về ... |
| Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Vừa qua, nghệ sĩ có nhiều ứng xử không đẹp, phản văn hóa Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bạo lực học đường hiện nay rất nhức nhối; ... |
| Phong phú sắc màu văn hóa ASEAN tại Hà Nội Sáng 8/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ ... |
| MICE - mảnh đất màu mỡ của du lịch Việt Nam Du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng) được xem là “mảnh ... |
| Chuyên gia Lê Quốc Vinh: Cần thay đổi trải nghiệm của khách du lịch Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Le Bros, nêu quan điểm, mở cửa du lịch càng sớm càng tốt có ... |