📞
Sức mạnh nội lực của văn hóa trong xây dựng Đảng:

TS. Trịnh Lê Anh: Mỗi người Việt trẻ hãy là một 'sứ giả' văn hóa

Hải Nguyệt 20:00 | 27/01/2022
Tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ Việt, TS. Trịnh Lê Anh (Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mỗi người sẽ có những cách khác nhau, thế mạnh riêng để đưa hình ảnh Việt ra thế giới…
Chân dung Trưởng đoàn SSEAYP Việt Nam 2016, TS. MC Trịnh Lê Anh.

Từ những chuyến đi cuộc đời

Là giảng viên đại học, tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ, tham gia và dẫn chương trình không ít sự kiện văn hóa, anh nghĩ gì về câu chuyện giới trẻ Việt mang văn hóa ra thế giới?

Giới trẻ Việt, đặc biệt là Gen Z và thế hệ sinh sau năm 2000 có một năng lực tiếp cận mạnh mẽ với thế giới khi các em sở hữu vốn ngoại ngữ tốt và hành trang công dân toàn cầu từ khi còn nhỏ.

Các em rất tự tin cùng những điều kiện thuận lợi chưa từng có của thời đại 4.0: thế giới phẳng, con người không bị giới hạn bởi khoảng cách, internet và công nghệ đưa các nền văn hoá đến gần hơn với công chúng, đi xa hơn nơi xuất phát…

Đó là cơ sở để tôi đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến và hành động cụ thể của các em nhằm giới thiệu văn hoá Việt ra thế giới.

Nhìn cụ thể, cùng với sự “bung nở” các hoạt động đối ngoại nhân dân, các bạn trẻ phát huy rất tốt các cơ hội xuất hiện trên các diễn đàn, các sinh hoạt chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, các cuộc thi và chương trình giao lưu, liên hoan trao đổi văn hoá trên bình diện khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, các bạn trẻ phát huy rất tốt những cơ hội xuất hiện trên các diễn đàn, sinh hoạt chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, các cuộc thi, chương trình giao lưu, liên hoan trao đổi văn hoá trên bình diện khu vực và quốc tế.

"Có lẽ, phải đi thật xa, vươn ra ngoài thế giới mới hiểu và trân trọng những cơ hội 'về gần'. Tuổi trẻ Việt Nam cần biết được đất nước mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới".

Chính từ cơ hội vàng ấy của thời đại, các bạn trẻ Việt cũng phải chấp nhận những thách thức lớn từ sự cạnh tranh ngầm giữa các nền văn hóa. Có đi ra khu vực và thế giới, tham gia các diễn đàn giao lưu, giới thiệu, trao đổi và thảo luận, mới thấy thanh niên Việt Nam phải quay về học, học thật sự và nghiêm túc từ vốn cổ dân tộc mình, từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Anh từng cùng những bạn trẻ Việt Nam tiêu biểu tham gia SSEAYP, như anh từng nói, là “hành trình mang văn hóa Việt ra thế giới”. Chuyến đi ấy đã để lại những kỷ niệm đặc biệt gì?

Để đến được với hành trình ấy, mỗi bạn trẻ đều có hành trang nhiều năm miệt mài phấn đấu. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi đăng ký ứng tuyển để được một lần làm “sứ giả” Việt Nam tham gia chuyến “du lịch” đặc biệt này.

TS. Trịnh Lê Anh mong tất cả những người Việt trẻ, luôn khát khao được “ra khơi” để cảm nhận rõ một tình yêu nguồn cội trong họ đang lớn lên.

Năm 2008, tôi là một trong 28 thanh niên đại diện Việt Nam tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP). 8 năm sau, cũng trên chuyến tàu ấy, tôi lại một lần đặt chân lên với vai trò khác – trưởng đoàn Việt Nam tham dự SSEAYP 2016.

Hành trình ấy đem lại những trải nghiệm khác biệt, kỷ niệm đẹp, khó quên và cơ hội để hiểu rõ bản thân, để thấy giá trị cuộc sống thật hơn. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là lúc con tàu cập bến đất nước mình - TP. Hồ Chí Minh tươi đẹp, đầy năng động.

"Tôi đã thấy và cũng mong rằng, tất cả những người Việt trẻ, luôn khát khao được 'ra khơi' để cảm nhận rõ một tình yêu nguồn cội trong họ đang lớn lên, để khi trở về, tình yêu ấy biến thành những hành động cụ thể".

Vừa đặt chân xuống đất liền, chúng tôi được nhận mỗi người một chiếc mũ tai bèo và chiếc khăn rằn đặc trưng của miền Nam Bộ. Cùng nụ cười rạng rỡ trên môi, bạn tình nguyện viên trao hai món đồ vào tay tôi, nói: “Mừng anh về nhà!”.

Cảm xúc của tôi như vỡ òa, bởi lúc đó, chữ “nhà” vang lên như nhắc nhở tôi rằng, đây chính là nơi mình thuộc về, là gia đình. Khoảnh khắc được thấy tà áo dài thướt tha, được thấy những tấm khăn rằn, được thấy ánh nắng chiếu lấp lánh trên biển trời Việt Nam, phút giây ấm áp tình yêu đất nước ấy trong trái tim tôi sẽ không bao giờ quên.

“Đi xa là để về gần”

Anh cũng từng chia sẻ “đi xa là để về gần”?

SSEAYP nói riêng và những hoạt động đối ngoại thanh niên tương tự là trường học tự nhiên và lớn lao trong cuộc đời. Dường như tất cả những người từng trải nghiệm hành trình này đều gọi đây là “Trip of Life” - chuyến đi cuộc đời.

Chủ đề chính của hành trình là hướng các bạn trẻ làm theo một câu nói nổi tiếng “We are the one, who creat a better world, a better society” - chúng ta chính là những người tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Các thành viên tham gia chuyến tàu đều thấm nhuần tư tưởng này, muốn trở về cộng đồng và xã hội để làm những công việc có ích, đóng góp cho xã hội phát triển hơn, nhăn văn hơn.

Áo the, khăn xếp Việt Nam trong hải trình quốc tế.

Với vai trò trưởng đoàn, tôi vẫn thường lưu ý thành viên của đoàn rằng “đi xa là để về gần”. Có lẽ phải đi thật xa, vươn ra ngoài thế giới, mới hiểu và trân trọng những cơ hội “về gần”. Tuổi trẻ Việt Nam cần biết được đất nước mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới.

Từ đó, soi vào chính khát vọng của tuổi trẻ, tìm câu trả lời: “Mình là ai? Mình đại diện cho ai? Mình có hiểu văn hoá dân tộc Việt Nam không? Mình có thực sự tự hào về những gì đang có và mang ra thế giới hay không?”.

Tôi đã thấy và cũng mong rằng, tất cả những người Việt trẻ, luôn khát khao được “ra khơi” để cảm nhận rõ một tình yêu nguồn cội trong họ đang lớn lên, để khi trở về, tình yêu ấy biến thành những hành động xây dựng và phát triển đất nước, quê hương.

Ở những chương trình như SSEAYP, các bạn trẻ ưu tú của chúng ta đã thể hiện “văn hóa Việt” như thế nào?

Đây là dịp để các bạn trẻ có cơ hội khám phá và giới thiệu về tiềm năng, vẻ đẹp của những đất nước nơi mình đã tới.

Xuyên suốt hành trình, các bạn trẻ của 11 nước sẽ có rất nhiều ngày tháng lênh đênh trên biển, cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động. Chương trình của toàn đoàn ở trên tàu rất khoa học, liên tục được cải thiện qua các năm nên đạt được tính ưu việt tối đa, tạo cơ hội cho các bạn thanh niên kết nối và chia sẻ với nhau, được chơi, được học, được nói chuyện, được ở cùng nhau.

Tinh thần dân tộc Việt Nam được thể hiện trong chương trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia tham gia hải trình. Các bạn trẻ Việt đã mang những món ăn truyền thống, những bộ trang phục và cả những trò chơi dân gian đến SSEAYP để giao lưu, trao đổi văn hóa với bạn bè quốc tế.

Từng gương mặt trẻ “nhổ neo” để đặt chân lên những chuyến tàu ấy đều đã và đang tham gia tích cực vào công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh mới của đất nước.

Mỗi người Việt trẻ là một “đại sứ”

Theo anh, làm sao để mỗi người Việt trẻ là một đại sứ của quê hương?

Ham học, khiêm nhường, trách nhiệm là những điểm tôi rất ấn tượng khi quan sát các “đại sứ”. Tuy nhiên, với các bạn trẻ Việt Nam, dường như vẫn còn một số thách thức đến từ thái độ, cá tính và tầm tri thức, chứ không phải là sự tự tin hay vốn ngoại ngữ, công nghệ.

Thế giới phẳng, điều kiện đi lại dễ dàng... nhưng khi mọi thứ dễ dàng hơn, các bạn trẻ “quốc tế hóa” hơn thì cũng dễ “phi học hỏi” hơn.

Chẳng hạn, một số bạn thích uống cà phê nhưng dù đến vùng đất nào cũng chỉ muốn rảo bước nhanh đến Starbucks để thể hiện sự sành điệu, không có nhu cầu tìm hiểu cái mới dù nơi đó có nhiều loại cà phê mới lạ khác.

Tôi mong muốn các bạn trẻ chuẩn bị một tâm thế trải nghiệm “more than ready” (hơn cả sự sẵn sàng)! Những ngày đầu trên tàu, với vai trò trưởng đoàn, tôi quyết định niêm phong nhà kho đoàn Việt Nam để các bạn không lấy được mì gói mang theo để dự trữ đồ ăn cho đoàn. Nếu đói thì phải xuống bếp và phải thử nghiệm món mới chứ không chỉ chăm chăm ẩm thực Việt hay mì gói.

Không thử điều mới mẻ thì làm sao biết được mình có thích, phù hợp hay không? SSEAYP cho những trải nghiệm khác, không cho dùng Internet, vào gia đình homestay thì xắn tay áo phụ việc, hái táo, làm vườn... Nhờ những trải nghiệm mới mẻ này mà nhiều bạn cho biết bản thân đã có những kỷ niệm đẹp, khó quên và hiểu rõ bản thân, giá trị cuộc sống thật hơn, bớt chìm đắm trong “thế giới ảo”.

Những bạn trẻ ưu tú của Việt Nam tham gia Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2016 do TS. Trịnh Lê Anh làm trưởng đoàn.

Người nước ngoài có xu hướng muốn tìm hiểu về nền văn hóa khác. Người Nhật thể hiện rất rõ ràng: họ trân quý, thậm chí tôn thờ văn hóa dân tộc, dù trong mắt người khác chỉ là những chi tiết vô cùng nhỏ bé hay phức tạp, khó tiếp thu. Đôi guốc của họ cao lênh khênh, một bộ kimono truyền thống mặc mất cả tiếng đồng hồ... nhưng họ vẫn tươi cười, hào hứng.

"Ham học, khiêm nhường, trách nhiệm là những điểm tôi rất ấn tượng khi quan sát các 'đại sứ'. Tuy nhiên, với các bạn trẻ Việt Nam dường như vẫn còn một số thách thức đến từ thái độ, cá tính và tầm tri thức, chứ không phải là sự tự tin hay vốn ngoại ngữ, công nghệ".

Trong khi đó, nhiều khi tôi cảm thấy hơi bế tắc khi cố gắng thuyết phục các bạn gái Việt bận bộ áo dài trong sự kiện để đón khách trang trọng hơn, đẹp hơn và Việt Nam hơn.

Như thế, hành trang hội nhập quốc tế đâu chỉ là ngoại ngữ, là kỹ năng hay phong cách quốc tế, mà quan trọng là cả những giá trị nguồn cội của dân tộc. Nếu không xác định rõ điều này, bạn trẻ Việt dễ bị “mù màu” trong giao lưu quốc tế.

Về hành động, các “đại sứ của quê hương” hãy cố gắng tự giới thiệu mình như một tấm gương tiêu biểu của văn hóa và con người Việt Nam. Mỗi người sẽ có những cách khác nhau, thế mạnh riêng để đưa hình ảnh Việt ra thế giới, theo tôi cần khuyến khích sự đa dạng hóa các cách thức đó. Có người giới thiệu văn hóa Việt bằng những hình ảnh đời thường, qua ẩm thực, văn hóa địa phương, phong tục, tập quán.

Có người thực hiện những dự án, công ty khởi nghiệp đi ra thị trường thế giới, không ít cái tên của người trẻ Việt được xướng lên tại các cuộc thi, “nhãn hiệu” của thế hệ trẻ Việt Nam được định vị trong “bản đồ” nhận thức của cộng đồng quốc tế…

Trong bối cảnh Covid-19, giới trẻ nên tiếp cận như thế nào để hành trình mang văn hóa Việt ra thế giới không bị gián đoạn?

Hành trình quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè năm châu vẫn luôn được giới trẻ Việt thực hiện đầy nhiệt tâm. Họ thường có những cách nhìn sáng tạo, mới mẻ, độc đáo và dễ thu hút người đồng trang lứa cũng như bạn bè quốc tế.

Hành trình giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới mang ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm giàu sức mạnh nội sinh cho đất nước: giới thiệu văn hóa truyền thống, khắc họa rõ nét hơn các biểu tượng văn hóa Việt hay các thương hiệu sản phẩm quốc gia thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế.

Những việc làm đó hoàn toàn có thể được thực hiện trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, qua những diễn đàn trên internet, bằng những sản phẩm văn hóa. Mỗi một thước phim hay hình ảnh, câu chuyện kể trên mạng xã hội đều sẽ là cầu nối giữa văn hóa Việt với bạn bè thế giới; là sự kết nối tinh tế giữa các nền văn hóa khác nhau.

"Các bạn trẻ Việt phải chấp nhận những thách thức lớn từ sự cạnh tranh ngầm giữa các nền văn hóa. Có đi ra khu vực và thế giới, tham gia các diễn đàn giao lưu, giới thiệu, trao đổi và thảo luận, mới thấy thanh niên Việt Nam phải quay về học, học thật sự và nghiêm túc từ vốn cổ dân tộc mình".

Tôi cho rằng, cần hiểu sức mạnh lan tỏa của văn hóa không phải một hai ngày mà có được. Nó cần một quá trình tích lũy từ những hành động nhỏ, cụ thể nhưng không thể thiếu sự sáng tạo có tính bước ngoặt, đột phá.

Điều này cần đến sự linh hoạt và quyết tâm cao của người Việt trẻ. Những hành trình trên thực tế có thể bị hoãn bởi Covid-19, những đêm văn hoá, những sự kiện giao lưu và trải nghiệm tại các quốc gia, các vùng miền, địa phương có thể không được tổ chức ở thời điểm hiện tại nhưng người Việt trẻ sẽ không dừng lại và chờ đợi.

Chúng ta có công nghệ trợ giúp, có sự nhiệt huyết, sáng tạo sẵn có, chỉ cần giữ sự kết nối với nhau và với bạn bè thế giới. Chúng ta vẫn có thể tạo nên vô vàn sự hiểu biết liên văn hoá, sự chia sẻ và thấu cảm trong đa dạng, sự trải nghiệm và những tiếng cười của tuổi trẻ - những sứ giả xứng đáng của văn hoá Việt.

Xin cảm ơn anh!