Sau tuyến phố đi bộ đầu tiên gồm trục Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường lên đến chợ Đồng Xuân vào năm 2004, rồi 6 tuyến phố đi bộ gồm Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ vào năm 2014, UBND thành phố Hà Nội hôm 24/8 đã họp thống nhất từ 1/9 sẽ tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận.
Theo đó, không gian đi bộ mới sẽ bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường), Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ), một phần Bảo Khánh, Tràng Thi, Hàng Trống, Hồ Hoàn Kiếm.
Như vậy, cộng cả các tuyến phố đi bộ cũ và mới, Hà Nội sẽ có tổng cộng khoảng 6,5 km đường dành cho việc đi bộ.
Một tuyến phố đi bộ ở Hà Nội (Ảnh: TTXVN) |
Thời gian thực hiện phố đi bộ từ 19 giờ ngày thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật, thí điểm từ 1/9 đến hết năm 2016. Kinh phí do ngân sách TP. Hà Nội và nguồn tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp.
Thành phố cũng giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở liên quan lắp đặt và khai thác wifi miễn phí quanh khu vực hồ Gươm. Sở TT-TT đã lên kế hoạch triển khai cung cấp hệ thống wifi công cộng tại 21 điểm quanh khu vực hồ Gươm để bắt đầu triển khai từ 1/9. Sở GTVT Hà Nội bố trí 78 điểm trông xe với diện tích lên tới 17.000 m2, có thể đỗ 87 xe khách; 607 ô tô con; 2.751 xe đạp, xe máy…
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết, dự kiến Sở sẽ có nhiều hoạt động ở phố đi bộ.
“Sẽ có các hoạt động nổi bật ở 3 điểm. Điểm thứ nhất ở Nhà Kèn, vườn hoa Lý Thái Tổ tổ chức biểu diễn các nhạc cụ dân tộc. Thứ hai, bên cạnh đền Ngọc Sơn, đối diện đền Bà Kiệu sẽ tổ chức hát xẩm, hát xoan, hát ca trù. Thứ ba là xung quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với biểu xiếc đường phố. Nhóm xiếc ở Nhà hát xiếc tạp kỹ Hà Nội. Trong tương lai ở quảng trường này sẽ có biểu diễn nghệ thuật ánh sáng”, ông Động nói.