Nhóm G7 là diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, gồm Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp và Italy. G7 tổ chức Thượng đỉnh hằng năm để các nhà lãnh đạo G7 “gặp gỡ và thảo luận về những giá trị và mục tiêu chung". Liên minh châu Âu (EU) tham gia các cuộc gặp với tư cách khách mời. |
Thượng đỉnh G7 năm nay là lần ra mắt đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phu nhân. (Nguồn: Fox News) |
Những gương mặt mới
Thượng đỉnh G7 năm nay là lần ra mắt đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Italy Mario Draghi. Và đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 trong gần 2 năm qua. Năm ngoái, Thượng đỉnh G7 do nước Mỹ chủ nhà đã bị huỷ bỏ do đại dịch Covid-19.
Chủ tịch G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã mời các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi tham dự với tư cách khách mời. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng ở quốc gia Nam Á.
Tổng thống Joe Biden đã đến Cornwall, dự kiến hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà vào ngày 10/6. Còn các nhà lãnh đạo G7 khác sẽ đến Cornwall vào ngày 11/6.
Các cuộc họp đầu tiên dự kiến tổ chức vào sáng ngày 12/6 và các quốc gia khách mời sẽ dự họp vào buổi chiều cùng ngày. Theo chương trình, Hội nghị thượng đỉnh sẽ kết thúc vào ngày 13/6.
Ưu tiên chính sách
Những ưu tiên chính sách của Anh trên cương vị Chủ tịch G7 dự kiến sẽ là nội dung thảo luận tại Thượng đỉnh sắp tới, bao gồm dẫn dắt sự khôi phục toàn cầu hậu Covid-19 và củng cố khả năng phục hồi chống lại đại dịch tương lai; thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua bảo hộ thương mại tự do và công bằng; ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học; và bảo vệ những giá trị chung.
Thủ tướng Johnson đặt mục tiêu cho Thượng đỉnh lần này là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia dân chủ và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Ưu tiên của hội nghị lần này là lan tỏa sự thịnh vượng đến tất cả các quốc gia thông qua công nghệ, thương mại toàn cầu, phục hồi xanh và việc làm dài hạn.
Hội nghị thượng đỉnh G7 được coi là bước khởi đầu cho Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.
Việc Anh lựa chọn Cornwall làm điểm diễn ra Thượng đỉnh G7 nhằm tạo ấn tượng với thế giới về một điểm du lịch đẹp và hiếu khách của xứ sở sương mù. (Nguồn: The Times) |
Cornawll - vì sao?
Địa điểm họp của Thượng đỉnh G7 năm nay là Carbis Bay, khách sạn - khu nghỉ dưỡng ven biển với lịch sử 125 năm ở Cornwall. Lựa chọn địa danh này được xem là ý đồ của Anh, nhằm tạo ấn tượng với các nhà lãnh đạo thế giới về một "khu vực xinh đẹp, lịch sử và đổi mới" của xứ sở sương mù.
Cornwall được đánh giá là nơi lý tưởng để Anh tập trung khôi phục hậu đại dịch, do khu vực này là trung tâm cách mạng xanh của xứ sở sương mù, sở hữu nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên của Anh và là địa điểm khai thác lithium.
Văn hóa độc đáo, cảnh quan ngoạn mục và khí hậu ôn hòa khiến cho Cornwall trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng. Cornwall đón trung bình gần 20 triệu lượt khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Chính phủ nước này tuyên bố Cornwall sẽ “gặt hái được nhiều lợi ích từ việc tổ chức G7”, trong đó có “thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương".
Công tác an ninh được thắt chặt tại Cornwall trước thềm Thượng đỉnh G7. (Nguồn: Reuters) |
Hiện các công tác an ninh tại Cornwall đã và đang được bố trí ở cả đất liền, trên không và trên biển. Lực lượng cảnh sát dựng nhiều hàng rào thép và các biện pháp hạn chế khác nhằm phong tỏa nhiều tuyến đường và những con phố ven biển dẫn đến Carbis Bay.
Tổng số nhân viên an ninh được huy động để bảo đảm an toàn cho sự kiện này có thể lên tới hơn 10.000 người. Anh đang ban hành mức cảnh báo nguy cơ khủng bố ở cấp độ 3, có nghĩa là không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công.