Những bữa tiệc với khách hàng dần trở thành một phần trong công việc - Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Với cánh nam giới trong một số ngành đặc thù, có lẽ khi đi phỏng vấn, câu hỏi “Em có biết nhậu không?” đã trở nên quen thuộc, giống như các câu hỏi về kỹ năng khác như “Em có biết ngoại ngữ không?” hay “Em có giỏi tin học không?”. Chẳng biết tự bao giờ, nhậu nhẹt đã trở thành một kỹ năng vô cùng quan trọng trong con đường thăng tiến của một cá nhân và là chiếc chìa khóa vạn năng để mở ra những cánh cửa quan hệ. Những bữa tiệc với khách hàng dần trở thành một phần trong công việc. Trưa tiếp khách bàn công việc, nhậu. Tối chốt giá để ký hợp đồng, nhậu. Sáng hôm sau, "mơ màng" đến công ty và lại bắt đầu một ngày mới như ngày hôm qua.
Môi trường cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có khuynh hướng tập thể. Khi một cá nhân từ chối tham gia cuộc ăn nhậu cùng mọi người, ngay lập tức, bao nhiêu mỹ từ sẽ được ưu ái gán lên họ như “Không có tinh thần tập thể, đoàn kết”, “Không hết mình với anh em”, hay tệ hơn là “Chú không nể anh!”. Để thăng tiến trong công việc và không mất lòng đồng nghiệp, họ lại nâng ly, dù một ngày làm việc đã đủ bao áp lực và mệt mỏi...
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát, năm 2018, ước tính người Việt đã tiêu thụ hơn 4,67 tỷ lít bia. Một con số quá lớn khi tương quan với số dân Việt Nam. Số liệu này chứng tỏ rằng, thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam đang là một mỏ vàng vô tận và sẽ còn tiếp tục bánh trướng. Và cái giá phải trả khi trở thành một “cường quốc rượu bia” là không hề nhỏ.
Mối liên hệ giữa rượu bia và ảnh hưởng xã hội đã được công bố trong nhiều nghiên cứu và ảnh hưởng tiêu cực của rượu bia đến đời sống của mỗi cá nhân nói riêng và của cả xã hội nói chung là không thể phủ nhận. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), rượu bia – hay chất có cồn nói chung được xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư.
Độ tuổi mắc các bệnh liên quan đến bia rượu ở nước ta (như bệnh về gan, dạ dày, viêm tụy, nhồi máu cơ tim...) ngày càng trẻ hóa. Tại các bệnh viện, việc thanh niên, trí thức trẻ điều trị các bệnh xuất phát từ rượu bia không còn lạ lẫm, thậm chí phổ biến trong nhịp sống hiện tại.
Không chỉ dừng ở hệ quả về sức khỏe, những cuộc nhậu núp bóng dưới tên gọi khác nhau và như một cử chỉ “thiện ý” với đối tác, hoạt động mại dâm cao cấp trở thành một “nét văn hóa” phổ biến trong giới kinh doanh.
Bên cạnh đó, tai nạn giao thông cũng như hành vi bạo lực mất kiểm soát xuất phát từ bia rượu cũng là những vấn đề nhức nhối của xã hội trong thời gian qua. Có lẽ dòng nhắn “Đêm nay anh tiếp khách, về muộn!” là nỗi sợ hãi của rất nhiều gia đình khi cả đêm lo lắng về sự an toàn của chồng, của con mình trên đường.
Hội họp ăn uống từ lâu đã là một nét văn hóa của Việt Nam. Bản thân rượu, bia không xấu. Những buổi liên hoan, gặp gỡ là cơ hội tốt để thể hiện lòng hiếu khách, thiện chí làm việc với đối tác, khách hàng. Một cách khách quan, sự thoải mái, vui vẻ trên bàn tiệc sẽ tạo nên không khí dễ chịu và từ đó tạo đà thuận lợi cho thương vụ kinh doanh.
Tuy nhiên, nét văn hóa này đang bị biến tướng một cách nghiêm trọng. Chính cách người ta sử dụng rượu, bia mới mang lại cái nhìn tiêu cực cho những loại đồ uống này.
Để chấm dứt vấn nạn này, điều tiên quyết là phải thay đổi nhận thức của khối quản lý doanh nghiệp nói riêng và ý thức mỗi cá nhân nói chung trong sử dụng bia rượu. Mối quan hệ kinh doanh bền vững sẽ được xây dựng trên cơ sở năng lực, sự tin tưởng cũng như thái độ hợp tác của các bên.
Ngoài ra, trong những buổi tiệc của doanh nghiệp, mọi người cần tham gia với tinh thần vui vẻ, xem đây là cơ hội giải tỏa tâm lý và tái tạo sức lao động. Tránh lạm dụng bia rượu vô tổ chức, ép rượu dẫn đến những tình huống khó xử cho người khác cũng như những hậu quá đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội.