📞

Từ biểu tượng văn hóa tới 'ngoại giao hoa anh đào' Nhật Bản

Nguyễn Thành Trung* 19:10 | 02/10/2024
Với vẻ đẹp mê hoặc lòng người, hoa anh đào không chỉ là biểu tượng của đất nước Nhật Bản mà còn trở thành một công cụ quan trọng trong chiến lược ngoại giao văn hóa của xứ sở Mặt trời mọc
Lễ hội Hanami là một lễ hội truyền thống của người Nhật Bản được tổ chức mỗi khi hoa anh đào nở rộ. (Nguồn: vietravel)

Hoa anh đào (Sakura) không chỉ tượng trưng cho sức sống, vẻ đẹp, biểu tượng của tính khiêm nhường, nhẫn nại của người Nhật Bản, mà còn trở thành một công cụ quan trọng trong chiến lược ngoại giao văn hóa của Nhật Bản mang tên “ngoại giao hoa anh đào”.

Từ biểu tượng được yêu thích

Thuật ngữ “biểu tượng văn hóa” (cultural icon) chỉ một vật phẩm tự nhiên hay nhân tạo, mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống, giá trị lịch sử của một đất nước hay địa phương, hoặc tiếp thu từ bên ngoài nhưng biến nó thành của mình; thu nhỏ, tập trung thành một hình ảnh, logo, cá thể hóa, dễ nhận diện và tương tác. Nhật Bản đã xây dựng thành công một số biểu tượng văn hóa mang tính toàn cầu như: Hoa anh đào, núi Phú Sỹ, mèo máy Doraemon, mèo Hello Kitty, Godzila, Pikachu, Anpanman, Super Mario…, trong đó hoa anh đào là một trong những biểu tượng lâu đời và được yêu thích, công nhận rộng rãi nhất.

Hoa anh đào có hàng trăm loài khác nhau và dù còn tranh cãi về nguồn gốc song mỗi khi nhắc đến loài hoa này, người ta thường nhớ ngay đến Nhật Bản với danh xưng “xứ sở hoa anh đào”. Tính biểu tượng văn hóa của hoa anh đào rất cao, hàm chứa một triết lý nhân sinh sâu sắc. Loài hoa tuy mỏng manh nhưng mang trong mình một vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế và ẩn chứa quan niệm về tính vô thường của cuộc sống.

Nó thâm nhập vào tâm hồn cũng như đời sống hằng ngày, trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa Nhật Bản. Lễ hội ngắm hoa (Hanami) trở thành sự kiện văn hóa, giao lưu cộng đồng và gần gũi thiên nhiên thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên toàn thế giới. Hoa anh đào cũng xuất hiện nhiều trong văn học, điện ảnh, truyền hình, hội họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác của Nhật Bản.

Đến "Ngoại giao hoa anh đào"

Khái niệm “ngoại giao hoa anh đào” không phổ biến như một số khái niệm “ngoại giao bóng bàn”, “ngoại giao gấu trúc”… nhưng có thể hiểu đây là việc Nhật Bản khéo léo sử dụng hoa anh đào như một công cụ ngoại giao văn hóa và phát triển “sức mạnh mềm” quốc gia để quảng bá hình ảnh, bản sắc ra thế giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước và mở rộng ảnh hưởng, tạo thiện cảm của các nước với Nhật Bản. Một số hình thức "ngoại giao hoa anh đào" tiêu biểu của Nhật Bản có thể kể đến như sau:

Một là, tặng cây anh đào cho các nước trên thế giới để tăng cường quan hệ và quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã sử dụng hoa anh đào như một công cụ ngoại giao. Năm 1912, chính phủ Nhật Bản tặng thủ đô Washington, Mỹ hơn 3.000 cây, năm 1956 tặng thêm 3.800 cây, khởi đầu cho mối quan hệ thân thiện giữa hai nước. Năm 2012, để kỷ niệm 100 năm sự kiện này, các dự án trồng anh đào được phát động tại 14 tiểu bang của Mỹ.

Những cây hoa anh đào được chính phủ Nhật Bản tặng cho nước Mỹ nở rộ tại thủ đô Washington DC. (Nguồn: vigotour)

Ngày 11/4/2024, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản sẽ tặng 250 cây anh đào cho Washington để kỷ niệm 250 năm ngày Quốc khánh Mỹ. Lễ hội hoa anh đào tại Washington đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Mùa thu năm 1972, để kỷ niệm sự kiện Nhật Bản và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã tặng Trung Quốc 1.000 cây anh đào và để đáp lại, Trung Quốc đã tặng Nhật Bản 2 con gấu trúc.

Nhật Bản còn tặng cây anh đào cho các nước khác từ rất sớm như Đức, Italy, Canada (những năm 1930) và rất nhiều nước trong giai đoạn gần đây, góp phần tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước và xây dựng hình ảnh quốc gia giàu bản sắc văn hóa, thân thiện, gần gũi thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được tăng cường, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân Nhật Bản đã tặng Việt Nam rất nhiều cây anh đào. Những cây anh đào này được trồng trên khắp cả nước, từ Hà Nội (công viên Hòa Bình), Hải Phòng, Sa Pa, đến Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh…

Hai là, tổ chức các lễ hội hoa anh đào và mời các quan chức ngoại giao, khách nước ngoài tham dự.

Vào những dịp đặc biệt, Nhật hoàng (hoặc Hoàng thái tử), Thủ tướng, chính quyền địa phương (Tokyo, Osaka, Fukuoka…), thường tổ chức tiệc chiêu đãi hoặc gặp mặt vào đúng dịp hoa anh đào nở tại Hoàng cung hoặc Nhà khách chính phủ, vườn thượng uyển Akasaka, Shinjuku, mời quan khách, trong đó có đoàn ngoại giao (ra mắt sau khi nhậm chức hoặc gặp mặt công chúng sau thời gian vắng lâu ngày).

Nhật Bản còn tổ chức vô số lễ hội hoa anh đào (Sakura Matsuri) ở trong và ngoài nước hàng năm nhằm quảng bá văn hóa, thu hút du lịch, kích thích tiêu dùng, phục vụ phát triển kinh tế và triển khai sức mạnh mềm của quốc gia.

Tại Việt Nam, có hàng chục lễ hội hoa anh đào có quy mô lớn và chuyên nghiệp tổ chức tại nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh...

Ba là, tăng cường sử dụng bộ nhận diện là biểu tượng hoa anh đào.

Nhật Bản lồng ghép logo, hình ảnh hoa anh đào tại các sự kiện văn hóa trên khắp thế giới như lễ hội thời trang, cosplay, ẩm thực, hội chợ, trưng bày, triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim… tại Nhật Bản cũng như ở các nước trên thế giới. Nhật Bản còn đưa hình ảnh hoa anh đào vào manga, anime, điện ảnh, âm nhạc J-pop…, thậm chí cả trên hộ chiếu, tiền xu và tiền giấy.

Ngoại giao hoa anh đào giúp Nhật Bản sử dụng một biểu tượng nhỏ như hoa anh đào, tôn vinh và đưa vẻ đẹp của loài hoa này ra thế giới, khai thác đúng cách để biến nó thành công cụ mạnh mẽ để củng cố quan hệ ngoại giao và nâng vị thế quốc gia, tạo ấn tượng về văn hóa, con người Nhật Bản và hình ảnh một đất nước thân thiện, yêu chuộng hòa bình. Đây là minh chứng cho việc triển khai sức mạnh mềm hiệu quả mà Nhật Bản đã thành công trong nhiều thập kỷ qua.

Lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật - Việt vùng Chukyo, Nhật Bản tặng Thủ đô Hà Nội 110 cây hoa anh đào nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. (Nguồn: kinhtedothi)

Và những gợi ý cho Việt Nam

Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, giao lưu lâu đời và quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ, được đánh giá đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, hoạt động, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa hai nước được đẩy mạnh.

Việt Nam có nhiều biểu tượng văn hóa đặc sắc như hoa sen, quốc hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, sức sống mạnh mẽ, cùng với nhiều biểu tượng văn hóa nổi bật khác như áo dài, nón lá, cây tre, đàn bầu, thậm chí Vovinam. Tuy nhiên, Việt Nam dường như vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của những biểu tượng văn hóa này. Ngoài ra hoa sen cũng là quốc hoa của một số nước khác, Việt Nam cần có chiến lược sử dụng hình ảnh này sao cho có sự khác biệt mà vẫn đặc sắc.

Để thực hiện tốt ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, truyền tải thông điệp hòa bình, thân thiện, hữu nghị, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế thông qua các biểu tượng văn hóa Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo bài học thành công của Nhật Bản và áp dụng những điểm phù hợp như:

Thứ nhất, xây dựng thương hiệu và bộ nhận diện quốc gia từ các biểu tượng văn hóa mang tính toàn cầu; xây dựng và triển khai chiến lược dài hạn và bền vững về phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo, nội dung số, xuất khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa ra thế giới trong chiến lược tổng thể về nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.

Thứ hai, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, niềm tự hào về bản sắc văn hóa; mỗi người dân cần là một đại sứ về văn hóa; nâng cao quy mô, tính chuyên nghiệp, tạo dựng các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế ở trong và ngoài nước, lồng ghép các biểu tượng văn hóa nổi bật.

Thứ ba, tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội và đầu tư quảng bá mạnh trên truyền thông, điện ảnh quốc tế (CNN, Holywood, Netflix…) về các biểu tượng văn hóa Việt Nam nói riêng và hình ảnh đất nước, con người, sự phát triển kinh tế năng động… của Việt Nam nói chung, tạo hiệu ứng lan tỏa toàn cầu.

Thứ tư, thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam, trường dạy tiếng Việt, các khoa nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh… tại Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác, thiết lập và vận hành hiệu quả các quỹ giao lưu văn hóa quốc tế theo mô hình Quỹ Japan Foundation, Cool Japan, học bổng Bộ Văn hóa, Giáo dục, Khoa học Công nghệ (MEXT), giao lưu thanh niên JENESYS… của Nhật Bản để tăng cường quảng bá Việt Nam ra Nhật Bản và thế giới.


*Cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản (Tokyo) và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản.