📞

Từ cán bộ dự án trở thành “Vua sáng chế”

08:00 | 08/01/2017
Ai gặp “Vua sáng chế” Nguyễn Hải Châu ở ngoài đời đều có cảm giác anh gần gũi, chân chất như củ khoai, củ sắn quê nhà...

Nói đến lĩnh vực sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp, không ai là không biết đến Nguyễn Hải Châu. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống ở miền Trung, ngay từ nhỏ, anh đã suy tư nhiều về những công việc nặng nhọc của nhà nông và trăn trở về một ngày máy móc sẽ trợ giúp con người.

Toàn tâm, toàn ý

Nguyễn Hải Châu cho biết, anh từng là cán bộ phát triển nông nghiệp-nông thôn của tổ chức phi chính phủ - Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng cao (CERDA). Công việc của anh là chuyển giao khoa học kỹ thuật trên cơ sở nghiên cứu phù hợp với sinh kế của bà con nông dân.

Nhà sáng chế Nguyễn Hải Châu đang hướng dẫn cho công nhân kiểm tra công đoạn cuối trước khi sản phẩm hoàn thiện. (Ảnh: Giao Linh)

Trong thời gian này, anh thấy có thể thay đổi phương thức canh tác, sản xuất, chăn nuôi. “Bà con có thể lấy cây cỏ từ mùa Hè về ủ theo công nghệ của dự án để làm thức ăn cho trâu bò trong mùa lạnh. Nhưng vì không có nông cụ để thu hái được nhiều cỏ, mà băm bằng tay thì không được bao nhiêu, nên tôi nảy ra ý nghĩ phải chế tạo một chiếc máy phù hợp với lưới điện cho bà con địa phương…”, Nguyễn Hải Châu chia sẻ.

Một lý do khác nữa khiến Hải Châu trăn trở là tính an toàn. Anh cho biết, ở địa phương cũng có những máy băm nhỏ của Trung Quốc, nhưng người ta cắt bỏ những tính năng an toàn để hạ giá thành tối đa. Điều này khiến nhiều người bị thương khi vận hành. Đó cũng là lý do quá trình chuyển giao công nghệ của dự án bị đình trệ nếu như không có một chiếc máy vừa phù hợp, vừa an toàn.

Nghĩ ý tưởng đã khó, biến ý tưởng thành hiện thực còn khó hơn. Vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, Nguyễn Hải Châu gần như không biết gì về chế tạo máy. Các cán bộ khác của dự án đều chỉ có chuyên môn nông nghiệp. Khi mang bản vẽ của nhóm đi gặp các nhà sản xuất, họ hỏi: Sản xuất 5-7 cái xong thì sẽ đặt bao nhiêu sản phẩm? Nguyễn Hải Châu không trả lời được vì dự án chỉ chuyển giao công nghệ thôi. Thuyết phục các nhà sản xuất không xong, anh quay ra đặt thợ làm từng chi tiết để tự lắp ráp. Nhưng bản vẽ thô, với công nghệ sản xuất thô sơ, sẽ chỉ ra đời những chi tiết thô và khi lắp ráp không khớp được với nhau. Lo chuyện dự án phải ngừng, Nguyễn Hải Châu xin nghỉ 15 ngày để chế tạo lại cỗ máy. Nhưng khoảng thời gian ngắn như vậy chẳng nghĩa lý gì đối với một “nhà sáng chế” tay ngang. Thế là anh quyết định nghỉ hẳn, toàn tâm, toàn ý chế tạo chiếc máy.

Đứa con tinh thần

Có thời gian và bình tĩnh hơn, Châu tận dụng toàn bộ những kỹ năng mình có để mày mò chế tạo. Với lòng đam mê, anh học rất nhanh. Nếu các bạn sinh viên chế tạo máy phải học mất 4 năm mới tốt nghiệp, anh “đốt cháy giai đoạn” bằng cách chỉ học những gì cần thiết để làm ra được chiếc máy. Kết quả, anh “tốt nghiệp” chỉ sau vài tháng, với các kỹ năng vẽ kỹ thuật, vẽ chế tạo chi tiết.

“Có kiến thức rồi, mình vẽ máy chính xác hơn, lắp ráp xong máy đã chạy được nhưng chưa hoàn hảo. Mình lại tiếp tục cải tiến cho phù hợp hoàn toàn với bà con” - Nguyễn Hải Châu chia sẻ.

Khi thấy chiếc máy “đã chạy ổn ổn”, anh mới mang đến cho bà con ở vùng dự án sử dụng thử. Kết quả, đây đúng là thứ bà con cần. Ngoảnh đi ngoảnh lại, anh đã mất tròn một năm cho “đứa con tinh thần” đầu tiên.

Giải bài toán khó

Khi sản phẩm đã vận hành tốt rồi, câu chuyện làm sao để có thật nhiều người sử dụng máy lại là bài toán khó tiếp theo. Vậy là, anh Châu từ một kỹ sư công nghệ thông tin thành nhà sáng chế, rồi nhà sáng chế sẽ phải học kinh doanh, làm thương mại để phổ biến chiếc máy tới nông dân.

Anh bảo: “Trước đây mong muốn làm ra sản phẩm để đưa vào Dự án, nhưng làm xong máy thì Dự án cũng xong rồi. Những chiếc máy thành phẩm mới đưa bà con dùng thử thôi chứ chưa ai trả tiền. Máy bán được ít mà chi phí phát sinh cao”.

Sau khi tìm hiểu về marketing, Nguyễn Hải Châu quay trở lại làm cán bộ dự án để làm sao vừa chuyển giao được công nghệ cho dự án, vừa cải tiến để bán được máy cho mình. Làm sao để bà con hiểu, thay vì phải mua 3 cái máy khác, bà con chỉ cần mua 1 và cho họ thấy nó rất an toàn, hiệu quả. Thế là từ đó, công ty anh có thêm slogan: “Bán công cụ, tặng giải pháp” (tức là mua máy mà được hỗ trợ cả phương thức chăn nuôi).

Sau khi xây dựng hệ thống làm việc cho công ty tương đối quy củ, Nguyễn Hải Châu được các bạn trẻ khuyết tật mà anh từng hướng dẫn trước đây giúp anh phụ trách mảng marketting trực tuyến. Sức lan tỏa không ngờ của cách thức bán hàng online khiến sản phẩm của anh nhanh chóng được người nông dân biết đến. Nhiều cuộc gọi trên cả nước tới tấp đến công ty của Nguyễn Hải Châu. Rồi sau đó, sản phẩm được truyền thông biết đến. Những “đứa con tinh thần” của nhà sáng chế tay ngang đã có bước tiếp cận người nông dân với tốc độ không ngờ.

Chìa khóa là sự đam mê

Nguyễn Hải Châu bộc bạch: “Chìa khóa để mình thành công chính là đam mê. Đam mê khiến mình có động lực để học hỏi, tìm kiếm. Khi đã biết đến Nguyễn Hải Châu, gặp khó khăn gì, bà con có thể trực tiếp gọi điện tham vấn. Chẳng hạn như có người nói đang làm về tinh bột nghệ nhưng phải làm tất cả các công đoạn bằng tay. Liệu có máy móc nào thay thế được không? Đấy là những đặt hàng hay ý tưởng sáng tạo mà chính bà con đưa ra. Còn mình sẽ biến những yêu cầu đó thành sản phẩm, nông cụ thực tế”. Đến nay, công ty của Nguyễn Hải Châu đã sản xuất được hơn 100 loại máy, với doanh số khoảng 4 tỷ đồng/tháng. Anh có 3 cơ sở sản xuất ở Hà Nội, 1 cơ sở tại Ninh Bình và 6 công ty vệ tinh. 

Hai năm trở lại đây, Nguyễn Hải Châu còn thành lập cơ sở sản xuất mới với định hướng xa hơn cho việc hội nhập và phát triển thị trường. Anh cho biết trong lĩnh vực chế tạo máy móc, người Nhật đã làm nên những thương hiệu mang tính toàn cầu và luôn là những doanh nghiệp có uy tín. Anh muốn công ty có được văn hóa cũng như cách làm việc của người Nhật và là một doanh nghiệp có uy tín cả trên thị trường và với bà con nông dân. Anh cũng muốn kêu gọi đầu tư từ những doanh nghiệp Nhật Bản.

“Ngành này lợi nhuận không cao vì phục vụ người nghèo thì chỉ góp nhặt từng tý một. Nhưng mình rất vui vì những việc mình làm nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Đây chính là động lực để mình nuôi dưỡng đam mê và không hạnh phúc gì sánh được khi đi đến đâu cũng thấy bà con sử dụng sản phẩm do mình chế tạo ra”, nhà sáng chế Nguyễn Hải Châu tâm sự.