📞

Tự chủ đại học: Sẽ khó đột phá nếu 'sống chủ yếu nhờ học phí'

14:00 | 30/11/2020
TGVN. Tại diễn đàn 'Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn', nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại về những tác động của việc thực hiện tự chủ đến một số vấn đề, trong đó có học phí.
Tại diễn đàn “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”, vừa phải đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, vừa cân nhắc mức học phí là vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Có ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ nên quy định mức học phí tối thiểu, chưa nên quy định mức tối đa, cho phép các trường tự tính chi phí theo chuẩn đầu ra ngang bằng các đại học tiên tiến thế giới, nhằm thu hút ‘du học nội địa’.

Việc vừa phải đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, vừa cân nhắc mức học phí để đảm bảo khả năng tiếp cận đại học của người học là vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Tăng học phí kịch trần chỉ đủ bù khoản chỉ tiêu tuyển sinh không đạt

Tại Đại học Tài chính – Marketing, ông Hoàng Đức Long cho biết, việc đa dạng hóa các nguồn thu của trường hiện nay còn rất hạn chế vì chủ yếu nguồn thu đến từ học phí và lệ phí.

Đây là khoản thu chủ yếu nhưng thường phụ thuộc vào kết quả tuyển sinh hàng năm (có năm tuyển đạt chỉ tiêu, có năm không đạt). Do đó, học phí có tăng đạt mức trần quy định là 18,5 triệu đồng đối với chương trình đại trà, nhưng cũng chỉ đủ bù đắp khoản chỉ tiêu tuyển sinh không đạt hoặc giảm so với năm trước.

“Riêng khoản thu từ hoạt động dịch vụ rất hạn chế. Nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu, lại phải chia sẻ cho người học như lập các quỹ hỗ trợ sinh viên, vì vậy tổng thu được sử dụng cho hoạt động chuyên môn của trường bị thu hẹp. Khi phải tự chủ cả chi đầu tư, kinh phí hoạt động còn lại sẽ càng khó khăn hơn nữa”, ông Long bày tỏ.

Là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, từ một phần cho đến toàn phần, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, việc học phí phải bù đắp chi phí thường xuyên và chi phí khác cũng là điều tất yếu.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, luật hiện nay quy định học phí phải tính đúng, tính đủ (gồm chi phí vận hành, chi phí phục vụ, xây dựng chương trình, học bổng, phương tiện giảng dạy, hao mòn,…).

Nhưng nếu so sánh giữa trường được đầu tư cơ sở vất chất hiện đại với trường được đầu tư đơn giản thì chi phí vận hành cũng sẽ rất khác nhau. Cùng với một trần học phí, trường càng hiện đại, trang bị càng nhiều phương tiện thì vật tư tiêu hao càng lớn, và ngược lại.

“Ngay như trường chúng tôi hiện nay, nhiều giáo viên kêu rằng, tại sao trường mình được đầu tư như thế, học phí cao như vậy nhưng lương cán bộ giáo viên lại thấp hơn nhiều trường khác?”. Lý do là bởi, trường phải dành một phần chi phí lớn cho việc vận hành”.

Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng, những điều này có thể dẫn tới tác động tiêu cực rõ nét sau khi tự chủ là các trường chỉ chú trọng và quan tâm đến việc phải tăng nguồn thu từ học phí bằng mọi giá.

Sẽ khó đột phá nếu “sống chủ yếu nhờ học phí”.

Ông Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tự chủ đại học sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư cho đào tạo cũng phải tăng lên.

“Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Song để cân đối việc nâng học phí thì cũng cần có những chính sách học bổng để hỗ trợ lại cho sinh viên nghèo, học giỏi, tạo ra sự công bằng trong giáo dục”.

Ông Thắng cho rằng, sẽ rất khó đột phá nếu các trường chỉ dựa vào việc tăng học phí và “sống chủ yếu nhờ học phí”. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa trường đạt đẳng cấp quốc tế, các trường cần phải tìm kiếm các nguồn tài chính khác nhau như hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xin đầu tư từ Chính phủ...

Ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hiện nay nguồn thu từ học phí và lệ phí chiếm khoảng 70% tổng nguồn thu của các trường. Tuy nhiên, để nguồn tài chính của trường không “đặt hết lên vai người học”, cần phải có sự đa dạng hoá trong nguồn thu.

Ông Phong đề xuất, cơ quan quản lý có thể giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho các trường; các trường được quyền khai thác và được miễn giảm các loại thuế liên quan hoạt động này. Bên cạnh đó, trường đại học cũng được sở hữu và khai thác cơ sở vật chất (đất đai, nhà cửa, trang thiết bị,…) cho liên doanh, liên kết, hợp tác, cho thuê nhằm gia tăng nguồn thu.

Cần tính học phí thế nào?

Ông Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng học phí cần phụ thuộc vào 4 yếu tố là chi phí, nhu cầu của người học và xã hội, lạm phát, sự thay đổi theo chính sách của Chính phủ.

Dựa trên câu chuyện của chính trường mình, ông Tuấn lấy dẫn chứng, chi phí đào tạo cao nhất tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là ngành Y khoa với một sinh viên mỗi năm là 71,8 triệu đồng, chưa tính phần bao cấp. Trường thu học phí 68 triệu/ năm, tức khoảng 6,8 triệu/ tháng. Như vậy, trường cũng phải bù lỗ rất nhiều và nhà trường phải chịu gánh nặng rất lớn.

“Con số này nếu so với một trường mẫu giáo thông thường ở TP. Hồ Chí Minh thì đây không phải là mức cao. Đối với ngành Y, chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trường cam kết chất lượng đào tạo tốt nhất trong khối ngành sức khỏe do có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên hùng hậu. Chẳng hạn như về đầu tư trang thiết bị, trường đã xây dựng phòng học thông minh phù hợp cho việc dạy và học theo nhóm nhỏ. Mỗi sinh viên Răng – Hàm - Mặt được thực hành riêng trên các mô hình và trên một ghế nha khoa”, ông Tuấn nói.

Ban đầu, khi thông báo mức tăng học phí, trường gặp sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người học và dư luận. Nhưng sau đó, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vẫn tuyển được hơn 104% so với chỉ tiêu ban đầu. Chỉ 202 sinh viên khó khăn nộp đơn xin học bổng hỗ trợ, trong khi trường có tới 800 suất. Ông Tuấn cho rằng, đây là minh chứng cho thấy dư luận xã hội chấp nhận được mức học phí này.

“So với các trường tư thục trong nước, mức học phí của trường vẫn thấp hơn. Còn so với các trường đại học thế giới, mức thu học phí của trường lại càng không cao. Chẳng hạn ở Đông Nam Á, học phí đào tạo Y khoa các trường công lập từ 8.800 đến 35.000 USD, tư thục là 50.000-60.000 USD”, ông Tuấn nhấn mạnh.

GS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, muốn xác định được học phí của các trường cần phải dựa trên chi phí đào tạo bình quân của từng nhóm ngành trong một khoảng thời gian nhất định (chẳng hạn như 5 năm).

“Do bị khống chế về mức trần học phí, thường là thấp, thu không đủ chi, nên một số trường đã ‘xé rào’, ban hành nhiều khoản thu ‘tự nguyện’ ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu”, GS. Trần Đức Viên cho hay.

Do đó, ông cho rằng, nhà nước chỉ nên quy định mức học phí tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo đạt chuẩn tối thiểu, chưa nên quy định mức tối đa; cho phép các trường tự tính mức chi phí theo các chuẩn đầu ra cao hơn đến mức ngang bằng với các trường đại học tiên tiến trên thế giới nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích thu hút ‘du học nội địa’.

(theo Vietnamnet)