Nhỏ Bình thường Lớn

Từ chuyện học sinh dồn cô giáo vào góc lớp: Nhân cách con người không thể giáo dục trong một vài giờ học

Nhìn từ câu chuyện buồn cô giáo bị học sinh xúc phạm, ném dép, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng, nhân cách của một con người không phải thứ có thể giáo dục bằng một vài giờ học mà phải được bồi đắp trong cả cuộc đời.
GD
Nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng giáo dục nhân cách cho học sinh phải được chú trọng hơn nữa. (Ảnh: NVCC)

Bạo lực học đường không phải là câu chuyện mới nhưng dư luận nổi sóng khi sự việc một cô giáo bị học sinh nhốt, xúc phạm và ném dép. Là một phụ huynh, cảm xúc của ông thế nào?

Cảm xúc của tôi chắc cũng giống như đa số đó là sự đau lòng. Bởi tôi vẫn luôn cho rằng tình cảm thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của con người.

Tôi thấy đau lòng cho cô giáo ấy, bởi vì nỗi tủi nhục khi bị học trò của mình - những đứa trẻ mà mình dạy dỗ, chà đạp là điều đau đớn nhất.

Tôi đau lòng cho những đứa trẻ ấy, bởi vì chúng đã phải lớn lên trong một môi trường tồi để có thể hành động bất trí và bất lương đến như thế.

Và tôi đau lòng cho tôi khi phải chứng kiến và phải nói về chuyện này, phải nghĩ về việc con cái mình sẽ lớn lên trong một xã hội mà đạo nghĩa có thể bị chà đạp một cách dễ dàng và hồn nhiên như vậy.

Từ câu chuyện này, ông nghĩ gì về tầm quan trọng của việc đề cao giáo dục nhân cách cho học sinh?

Nhân cách học sinh, hay nhân cách con người nói chung luôn là thứ quan trọng hàng đầu trong giáo dục. Nhân nghĩa lễ trí tín - thì chữ nhân, lòng người luôn là thứ đầu tiên được nhắc đến. Nhưng lòng nhân không phải thứ có thể giáo dục bằng một vài giờ học. Nó phải được bồi đắp trong cả cuộc đời.

Nếu những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà luôn có sự hiện diện của lòng nhân ái, lòng nhân của chúng sẽ được bồi đắp nhiều hơn, sớm hơn. Còn ngược lại, chúng sẽ giống như một con sông không có phù sa.

Xây dựng một môi trường không bạo lực không thể chỉ dựa vào trừng phạt, mà phải đồng thời thay đổi từ mỗi cá nhân, đặc biệt là người lớn. Theo ông, cần làm gì để giảm bạo lực học đường, để thầy ra thầy, trò ra trò?

Câu hỏi này có hai ý. Về việc tạo ra một môi trường không có bạo lực thì không đơn giản vì bạo lực vốn dĩ là thuộc tính của con người. Nó là cách dễ nhất để bộc lộ cảm xúc với những đối tượng mà chúng ta thù ghét. Vì thế, một môi trường không bạo lực chỉ xuất hiện khi nó không còn động lực và cơ hội để thù ghét nhau.

"Nếu những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà luôn có sự hiện diện của lòng nhân ái, lòng nhân của chúng sẽ được bồi đắp nhiều hơn, sớm hơn. Còn ngược lại, chúng sẽ giống như một con sông không có phù sa".

Còn về ý thứ hai, làm thế nào để thầy ra thầy, trò ra trò ư? Câu trả lời vốn luôn nằm ở đó. Thầy là thầy khi họ làm thầy, tức là người lấy việc truyền thụ kiến thức cho người khác làm sự nghiệp, sứ mệnh của mình, chứ không chỉ đơn giản là một công việc mưu sinh. Điều đó chỉ có thể tồn tại khi mà xã hội đủ tôn trọng người thầy để xây dựng chính sách khiến cho những người coi việc làm thầy là một sứ mệnh đáng tự hào. Khi những người thầy thực sự là những người thầy thì học trò sẽ thực sự là học trò thôi.

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của giáo dục gia đình trong “chân kiềng” gia đình – nhà trường – xã hội?

Tôi cho rằng, không nên tách bạch vai trò của các yếu tố trên. Trách nhiệm của gia đình nhà trường xã hội đều có trách nhiệm như nhau trong việc tạo nên những thế hệ tốt hơn. Bất cứ yếu tố nào tròn ba yếu tố kể trên mà không tốt cũng sẽ có thể tác động xấu đến những đứa trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Tại họp báo Chính phủ chiều 6/12 vừa qua, liên quan vụ việc nhóm học sinh dồn cô giáo vào tường để chửi bới, có hành vi xúc phạm ở Tuyên Quang, báo chí đã đặt câu hỏi với Bộ GD&ĐT về phương hướng xử lý để tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã có văn bản gửi tỉnh Tuyên Quang yêu cầu tỉnh chỉ đạo xác minh, làm rõ sự việc. “Vụ việc rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được... Cần xác định trách nhiệm liên quan giáo viên, nhà trường hoặc liên quan học sinh hay tập thể để có giải pháp xử lý trước mắt, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sâu sắc việc này”, Thứ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.

Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan. "Sự việc chúng ta đều bức xúc nhưng vẫn phải làm rõ nguyên nhân và tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, thấu đáo, đầy đủ. Trên cơ sở đó phải có các biện pháp xử lý nghiêm", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trước mắt, ngành Giáo dục phải có biện pháp xử lý kỷ luật học sinh với vụ việc cụ thể, còn lâu dài phải giáo dục, quản lý; trong đó, liên quan giáo dục, cần phải xem lại đội ngũ giáo viên.

“Chúng tôi rất tôn trọng các nhà giáo nhưng phải nhìn nhận, đánh giá lại đội ngũ giáo viên từ quy trình đào tạo bồi dưỡng, chuyên môn, phẩm chất đến kỹ năng trong quá trình giảng dạy. Việc nhìn nhận đánh giá không chỉ giáo viên bộ môn, mà còn với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trong nhà trường”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, cần đánh giá hiệu quả việc dạy và học, tăng cường giáo dục đạo đức… Với nhà trường, phải thường xuyên theo dõi đánh giá học sinh để phát hiện, ngăn chặn sớm các vụ việc.

Đồng thời, ngành Giáo dục cũng cần quan tâm đến quan hệ thầy trò, quan hệ học trò trong lớp, diễn biến tâm lý học sinh... Về phía phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em bởi giáo dục không chỉ ở trong nhà trường.

Để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội

Để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội

Chính sách an sinh xã hội phải ngày càng phát triển, mở rộng để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn từ sự ...

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã tiệm cận với các phương án tổ chức thi của các quốc gia

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã tiệm cận với các phương án tổ chức thi của các quốc gia

Phương án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 về cơ bản cũng đã tiếp thu và tiệm cận đến với các phương án ...

'Chất' thanh lịch của Hà Nội mang hơi thở thời đại

'Chất' thanh lịch của Hà Nội mang hơi thở thời đại

Theo GS. NGND Nguyễn Lân Dũng, chất thanh lịch theo người xưa, nếp cũ của Hà Nội cần hòa hợp với quá trình đô thị ...

TS. Cù Văn Trung: Việt Nam chú trọng các chính sách an sinh xã hội

TS. Cù Văn Trung: Việt Nam chú trọng các chính sách an sinh xã hội

TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục, cho rằng, chính sách ...

Đưa di sản Việt Nam ra thế giới

Đưa di sản Việt Nam ra thế giới

Những di sản văn hóa đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, ...