Nhỏ Bình thường Lớn

Tự do tôn giáo ở Việt Nam: Bác bỏ những nhận định sai lệch

Không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà Việt Nam đã và đang nỗ lực bảo đảm các quyền con người cho người dân trên tất cả các lĩnh vực.

Trong tháng 5/2023, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng công bố Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo năm 2023. Mặc dù có một số đánh giá tích cực về nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, hai báo cáo này vẫn sử dụng chung luận điệu chỉ trích tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, thể hiện rõ sự cố chấp, định kiến bất chấp thực tiến và những nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam

Đoàn phóng viên nước ngoài thăm nơi giáo dân Đắk Lắk sinh hoạt tôn giáo
Đoàn phóng viên nước ngoài thăm nơi giáo dân Đắk Lắk sinh hoạt tôn giáo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam

Nguyên tắc cấm can thiệp công việc nội bộ của quốc gia khác được nêu tại Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945. Sau đó tại Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng LHQ, nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác tiếp tục được ghi nhận cụ thể và rõ ràng hơn.

Theo đó, không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Theo khoản 7, Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc: “Tổ chức Liên hợp quốc không có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”. Nghĩa vụ không can thiệp vào công việc của quốc gia khác cũng đặt ra cho tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế.

Như vậy, việc pháp luật Việt Nam xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để có các hành vi chống phá đất nước là công việc nội bộ, thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam, không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp. Hơn nữa, tôn vinh, cổ xuý, hậu thuẫn cho những hành vi vi phạm pháp luật số này lại càng không chấp nhận được.

USCIRF là cơ quan tham vấn độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập nhằm phục vụ cho việc “cải thiện nhân quyền” ở các nước mà Mỹ cho là “cần quan tâm đặc biệt”. USCIRF thường xuyên có những đánh giá tiêu cực về Việt Nam, thậm chí kể cả khi đã được tạo điều kiện vào Việt Nam để chứng kiến tình hình thực tế.

Từ năm 2012 đến nay, USCIRF liên tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC” nhằm tạo cơ sở áp đặt chế tài với Việt Nam về kinh tế, chính trị, giáo dục. Trong các báo cáo hằng năm về tự do tôn giáo tại Việt Nam, USCIRF cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước”; chỉ trích chính quyền và công an Việt Nam; USCIRF đặc biệt quan tâm đến số đối tượng vi phạm pháp luật bị xét xử được họ gọi là “tù nhân lương tâm”.

Đánh giá sai lệch, thiếu thiện chí

Thông tin USCIRF sử dụng trong Báo cáo chủ yếu từ những nguồn thiếu kiểm chứng, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng cực đoan, thù hận móc nối với số chống đối trong nước nên luôn thiếu khách quan, thiếu xác thực, thậm chí xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Có nhiều cách tiếp cận về tôn giáo, với góc độ là một tổ chức xã hội, ở Việt Nam có thể phân chia làm hai loại: các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được và chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; tổ chức giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước ta có quan điểm, chính sách, pháp luật cụ thể.

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cả việc Đạo và việc Đời.

Theo Điều 21, Mục 1, Chương V, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016: “Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện như: Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật này; Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Dù vậy, các tổ chức bị số cực đoan, thiếu thiện chí vẫn cố tình xuyên tạc, gọi một số tổ chức tôn giáo là “tôn giáo quốc doanh” hay “làm tay sai” cho Đảng, Nhà nước ta.

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Chính quyền các cấp đã hướng dẫn họ hoạt động theo quy định của pháp luật, địa phương, hỗ trợ về mọi mặt, nhất là mặt pháp lý để sớm được xét, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

Đồng thời, chúng ta có các quy định nhằm chấn chỉnh, xử lý khi họ có những sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật. Đây cũng là điều mà các thế lực thù địch, phản động vu cáo Đảng, Nhà nước “kiểm soát”, “sách nhiễu” các tôn giáo.

Với các tổ chức đội lốt, giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh, nghiêm trị.

Những tổ chức này thường có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, cấu kết chặt chẽ với các thế lực phản động ở nước ngoài tán phát các tài liệu phản động; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, lôi kéo lực lượng chống đối gây rối, gây phức tạp an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, gây nhiều hệ lụy xã hội trong thời gian qua.

Ở Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, công dân phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước đều phải bị nghiêm trị. Không thể dùng lý do tôn giáo để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật bởi mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, dù theo hay không theo tôn giáo nào.

Đây là nguyên tắc thuọng tôn pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền, đồng thời là cơ sở khẳng định thái độ rõ ràng, dứt khoát của chúng ta trong đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác trong xã hội, tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo bình thường, lành mạnh cho đồng bào theo tôn giáo, đồng thời cũng là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng muốn lợi dụng tôn giáo để có ý đồ, hoạt động chống phá đất nước.

Các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân ngày càng nhiều và tiếp tục gia tăng. Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự.

Thực tiễn bác bỏ mọi sự xuyên tạc

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được pháp luật bảo hộ và luôn được bảo đảm, thực thi trong thực tế.

Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật liên quan đến tự do tôn giáo tương đối hoàn chỉnh, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Việt Nam cơ bản đã xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp về tôn giáo làm công cụ pháp lý cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới (20 quốc gia) ban hành luật riêng về tự do tôn giáo. Việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách và luật pháp về tôn giáo được quan tâm coi trọng.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được thực hiện trong thực tiễn, được pháp luật bảo hộ và được chính quyền tạo điều kiện.

Số lượng tín đồ các tôn giáo không ngừng gia tăng, sinh hoạt đời sống tâm linh, tôn giáo diễn ra sôi động. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo không ngừng tăng lên. Năm 1997, cả nước có trên 15 triệu tín đồ, chiếm hơn 20% dân số; đến năm 2022, có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự”.

Bên cạnh đó có hơn 200 nghìn người thuộc 70 nhóm Tin lành tư gia và trên 30 nghìn người thuộc hơn 60 hiện tượng tôn giáo mới (“đạo lạ”), chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Ngoài ra, đại đa số người Việt Nam có đời sống tâm linh, theo tín ngưỡng đa thần truyền thống.

Ngoài 27% dân số theo tôn giáo, trên 75% người Việt Nam nói chung và trên 80% người dân tộc thiểu số nói riêng theo tín ngưỡng đa thần truyền thống. Đó là điểm khác biệt so với các quốc gia phương Tây hay quốc gia theo tôn giáo độc thần (Kitô giáo, Islam giáo).

Vì thế, dù không theo tôn giáo, song người Việt Nam lại có đời sống tâm linh sâu đậm, tham gia sinh hoạt tín ngưỡng sôi nổi. Điều này thể hiện khá rõ với 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hằng năm. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, với 300 trường mầm non...

Công tác xây dựng cơ sở thờ tự được các tôn giáo quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 1990 đến nay, cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khá mạnh mẽ ở khắp nơi trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân.

Năm 2000, cả nước có 18.474 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đến năm 2021 tăng lên 30.047 cơ sở, tăng 11.573 cơ sở trong 20 năm, bình quân mỗi năm có thêm 579 cơ sở thờ tự. Hầu hết các cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khang trang to lớn, có công trình lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, cấp đất cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở tôn giáo.

Quan hệ quốc tế của các tôn giáo ngày càng mở rộng; việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.

Từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng gần 2.000 lượt cá nhân tôn giáo xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo, gần 500 đoàn nước ngoài, với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu hướng dẫn tại cơ sở thờ tự ở Việt Nam, các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức.

Hiện thực trên là minh chứng rõ ràng nhất bác bỏ mọi thông tin sai lệch của trong Báo cáo của USCIRF. Không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà Việt Nam đã và đang nỗ lực bảo đảm các quyền con người cho người dân trên tất cả các lĩnh vực, cũng như tích cực, tham gia có trách nhiệm trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới khi đã được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023-2025).


TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2018.

(2) - Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập 1.

(3) - Ban Tôn giáo Chính phủ (2022), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội


(*) Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Hoa Kỳ ghi nhận tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo, song vẫn thiếu khách quan

Hoa Kỳ ghi nhận tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo, song vẫn thiếu khách quan

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận một số tiến bộ của ...

Bác bỏ những thông tin không có cơ sở, sai sự thật về tình hình người Khmer ở Việt Nam

Bác bỏ những thông tin không có cơ sở, sai sự thật về tình hình người Khmer ở Việt Nam

Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc tổ chức Khmer Kampuchea Krom vu cáo bịa ...

Bộ Nội vụ: Kiên quyết xóa bỏ tổ chức 'Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ' tại Việt Nam

Bộ Nội vụ: Kiên quyết xóa bỏ tổ chức 'Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ' tại Việt Nam

Bộ Nội vụ đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội và người ...

Tỉnh Sóc Trăng phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường

Tỉnh Sóc Trăng phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường

Nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường được triển khai, từ đó xuất hiện mô hình bảo vệ môi trường ...

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028

Hòa thượng Thạch Sok Xane tiếp tục được suy cử giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh ...