Đồng Quang Vinh quan niệm âm nhạc không có biên giới nên không ngại bất cứ sự kết nối nào cả...
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. |
Theo đuổi dòng âm nhạc cổ điển và dân tộc, đâu là lý do anh lựa chọn con đường sự nghiệp với nhiều khó khăn và kén người nghe này?
Đây không phải là lựa chọn mà là con đường tôi đã được vạch sẵn và quyết định có tiếp tục đi theo hay không.
Tôi sinh ra trong gia đình chuyên về âm nhạc dân tộc. Ngay từ nhỏ, trong nhà tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng đàn T’rưng, đàn Tranh của mẹ, tiếng cắt gọt và chế tác nhạc cụ bằng tre nứa của bố.
Lớn lên, tôi càng yêu âm nhạc dân tộc và học thêm cả về âm nhạc giao hưởng – những thể loại với khán giả không nghiên cứu về nó thì có thể cho là khó tiếp cận và kén người nghe. Tuy nhiên, tôi thì không thấy thế, bởi khi hiểu về nó, tôi cảm thấy rất hay. Những người bạn, đồng nghiệp và khán giả của tôi đều rất yêu thích nó.
Tôi luôn có một niềm tin là khi bạn hiểu về nó thì bạn sẽ không thấy khó khăn. Giống như khi thầm yêu trộm nhớ một người phụ nữ chẳng hạn (cười), chúng ta sẽ tìm mọi cách để vượt nghìn dặm đường xa, thậm chí có thể trèo tường… để chinh phục trái tim của cô ấy.
Với tôi, âm nhạc dân tộc hay nhạc hàn lâm cũng như một “người phụ nữ” mà tôi thầm yêu, như “người vợ thứ hai” của tôi… Bên cạnh việc bố mẹ đã định hướng, là người Việt Nam, tôi rất tự hào về dòng máu dân tộc cùng lịch sử, văn hóa của mình. Tôi thấy rất tuyệt vời vì với 54 dân tộc anh em, nền văn hóa của chúng ta rất đa dạng và cần cho thế giới biết đến nhiều hơn. Âm nhạc Việt Nam đáng lẽ phải có trên bản đồ thế giới từ lâu cùng với Nhật, Hàn Quốc, Scotland, Mỹ… nhưng rất tiếc chúng ta chưa có thương hiệu về âm nhạc.
Cho nên, đây là công việc chúng ta cần phải làm thường xuyên, làm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, dù có nhỏ thế nào cũng phải làm để nâng cao tầm hiểu biết, suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam và lòng tự hào của các bạn về âm nhạc dân tộc. Để mỗi khi bước chân ra thế giới, họ phải tự hào khi hát những câu ca dân gian hay chơi nhạc cụ Việt Nam, mới có thể khiến khán giả thế giới ngưỡng mộ và yêu thích âm nhạc của chúng ta.
Các nghệ sĩ trẻ thường lựa chọn những loại nhạc thịnh hành để phát triển sự nghiệp vì cho rằng sẽ dễ nổi tiếng và đông khán giả hâm mộ. Động lực nào khiến anh kiên trì với con đường riêng của mình?
Cá nhân tôi không nghĩ là các bạn chọn nhạc thịnh hành sẽ dễ phát triển sự nghiệp hay nổi tiếng. Dù các bạn chọn con đường nào thì bạn cũng phải xuất sắc mới có thể thành công, lựa chọn nhạc thịnh hành thì càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Bản thân tôi lựa chọn con đường để trở thành độc đáo. Tuy nhiên, tôi luôn mong có nhiều đồng nghiệp cùng bước với mình.
Theo tôi, không chỉ riêng nghệ sĩ mà bất kỳ ngành nghề gì cũng luôn cần bắt tay nhau, cùng đoàn kết và vượt qua mọi khó khăn. Với âm nhạc, giữa nghệ sĩ trường phái này và trường phái khác có thể kết hợp để cùng tôn nhau lên. Đây cũng là điều mà chúng tôi thường xuyên làm bởi mỗi lần như vậy thì khán giả được nhân đôi, lượng người hâm mộ cũng được nhân đôi.
Khi chúng tôi kết hợp với nhạc giao hưởng, những khán giả của dòng nhạc này sẽ đến nghe. Khi chúng tôi kết hợp với các nghệ sĩ như Tân Nhàn, Quang Thọ, Đen Vâu... những người hâm mộ của họ cũng đến xem và bắt đầu tìm hiểu về nhạc dân tộc. Đây chính là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục chinh phục những khó khăn ở phía trước.
Có một minh chứng là người hâm mộ của chúng tôi hiện nay đã tăng lên rất nhiều. Dù lao động nghệ thuật vất vả nhưng sự cổ vũ và yêu thích của khán giả là những phần thưởng vô giá mà chúng tôi không thể từ bỏ.
Tháng 10 vừa qua, dàn nhạc của anh đã có buổi biểu diễn thú vị cùng ban nhạc truyền thống Ryoma Quarte của Nhật Bản trong chương trình “Đêm nhạc vì trẻ em Việt Nam”. Sự kiện này đã mang lại cho nhóm những trải nghiệm gì?
Khi làm việc vói các nhóm nhạc nước ngoài, chúng tôi luôn học hỏi các bạn và ngược lại các bạn học hỏi mình. Tôi đã làm công việc này thường xuyên, bởi ngay từ khi còn bé, tôi đã theo dàn nhạc gia đình đi biểu diễn ở nhiều nước cũng như mời các nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam.
Việc kết hợp cùng các nghệ sĩ Nhật Bản là một cơ hội làm dày thêm kinh nghiệm phối hợp biểu diễn và ngày càng hoàn thiện, đồng thời giúp chúng tôi yêu thêm âm nhạc dân tộc mình cũng như âm nhạc truyền thống của các bạn.
Không chỉ có nghệ sĩ Việt Nam, dàn nhạc của anh còn có sự tham gia của các nghệ sĩ nước ngoài phải không?
Dàn nhạc chúng tôi hiện cố định có hai người nước ngoài là vợ tôi (người Trung Quốc) và một bè trưởng bộ gõ (người Mỹ). Thi thoảng, chúng tôi lại có những khách mời quốc tế biểu diễn cùng, từng có rất nhiều thành viên của Nhật Bản và Trung Quốc vì yêu thích nhạc cụ Việt Nam mà xin vào nhóm.
Trước đây, tôi còn lập cả một ban nhạc Nhật Bản chơi nhạc cụ Việt Nam vì họ rất yêu nhạc cụ tre nứa của chúng ta. Bởi vậy, dàn nhạc của chúng tôi linh hoạt theo thời gian, tuỳ thuộc vào lịch làm việc của các bạn tại Việt Nam và mong muốn được chơi nhạc cụ Việt Nam.
Dàn nhạc Sức Sống Mới biểu diễn giao lưu với ban nhạc truyền thống Nhật Bản Ryoma Quarte. (Ảnh: Trọng Vũ) |
Anh có kế hoạch phát triển dàn nhạc của mình trong tương lai?
Điểm mạnh của chúng tôi là hướng ra thế giới. Chúng tôi luôn quan niệm, âm nhạc không có biên giới nên không ngại bất cứ sự kết nối nào cả. Rất nhiều nghệ sĩ chỉ chơi trong một lĩnh vực của mình nhưng bên cạnh chơi tốt chuyên môn, chúng tôi còn rất mong được chơi các thể loại âm nhạc khác cũng như được kết nối nhiều hơn với các nghệ sĩ quốc tế. Bản thân tôi đã đi rất nhiều nước và học tập nhiều năm ở nước ngoài nên tôi luôn ngẩng cao đầu và tự hào về những yếu tố Việt Nam trong mình.
Có thể nói, Sức Sống Mới có thế mạnh về giao lưu quốc tế. Chúng tôi thường xuyên làm việc với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Việt Nam tại các nước và sẽ tiếp tục mời các đồng nghiệp cùng biểu diễn nhằm đưa khán giả quốc tế đến với âm nhạc Việt Nam.
Chúng tôi sẽ biểu diễn thường xuyên hơn ở những nhà hát lớn, sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ ra các video clip thu âm những bản nhạc kinh điển thế giới được phối lại bằng âm nhạc dân tộc để phục vụ khán giả.
Đồng Quang Vinh sinh trưởng trong gia đình có truyền thống biểu diễn nhạc cụ dân tộc: bố là NSƯT Đồng Văn Minh - người chuyên chế tác nhạc cụ dân tộc từ tre nứa, mẹ là NSƯT Mai Lai - chủ nhiệm môn đàn tranh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Theo học sáo trúc từ năm chín tuổi (1993) tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, anh được cử đi học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (2004) và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc với thành tích xuất sắc (2013). Đồng Quang Vinh vừa là người dàn dựng, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc dân tộc, đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện các loại nhạc cụ dân tộc, đại diện Việt Nam diễn tấu tại Festival Âm nhạc dân tộc quốc tế tại Trung Quốc, Pháp, cùng các nghệ sĩ tên tuổi của nền âm nhạc hàn lâm như Yosuke Yamashita (Nhật Bản)... Sức Sống Mới tiền thân là dàn nhạc dân tộc Tre Việt do các thành viên gia đình NSƯT Đồng Văn Minh sáng lập từ năm 1993, từng biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Dàn nhạc dược vinh danh là dàn nhạc truyền cảm hứng nghệ thuật truyền thống tới công chúng Việt Nam và thế giới, đã kết hợp với Dàn nhạc dân tộc Thượng Hải và Dàn nhạc giao hưởng Thâm Quyến của Trung Quốc, dàn nhạc Ding Yi của Singapore, Dàn nhạc ngũ tấu kèn đồng Erd Socks của Đức, ca sĩ Anna Pardo của Bỉ... |