Nhỏ Bình thường Lớn

Tủ lạnh, máy giặt của phương Tây 'hỗ trợ' Nga né đòn trừng phạt, Moscow đã có cách tránh bị 'làm phiền'?

Người ta bình luận rằng, chính tủ lạnh, máy giặt của phương Tây đã "hỗ trợ" vũ khí cho Nga, tại sao như vậy?
Các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn việc bán công nghệ phương Tây, Nga bắt đầu sử dụng chip từ tủ lạnh và máy rửa chén để sửa chữa xe tăng, theo Washington Post. (Nguồn: mezha.media)
Các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn việc bán công nghệ phương Tây cho Nga, Moscow bắt đầu sử dụng chip từ tủ lạnh và máy rửa chén để sửa chữa xe tăng, theo Washington Post. (Nguồn: mezha.media)

Cuối năm 2022, EC đã bổ nhiệm cựu Đại sứ EU tại Mỹ David O'Sullivan làm ủy viên phụ trách lĩnh vực trừng phạt để chống lại các hành vi lách lệnh trừng phạt, đồng thời thuyết phục các nước thứ ba thắt chặt kiểm soát trong quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, EU đã không đạt được nhiều thành công trong việc thuyết phục thêm nhiều quốc gia tham gia trừng phạt.

Đến nay chỉ có 34 quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga, trong đó có 27 quốc gia EU. Các quốc gia mới nổi như Ấn Độ và Nam Phi đôi khi chỉ trích gay gắt các biện pháp trừng phạt của phương Tây hơn là chỉ trích xung đột Nga-Ukraine.

Còn Nga vẫn đang tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại để thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các nước này và còn nhiều biện pháp hơn thế nữa.

Bóp nghẹt nền kinh tế Nga?

Tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, quan hệ thương mại của Nga với châu Âu đã giảm mạnh từ sau khi xung đột Nga-Ukraine. Nhưng Nga đã có cách bù đắp cho sự sụt giảm này, bằng cách thiết lập quan hệ kinh tế mới với nhiều quốc gia khác. Điều này khiến các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga khó có thể phát huy hết tác dụng.

Một năm trước, khi Nga tập trung lực lượng quân sự lớn ở biên giới Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gửi tới Moscow lời cảnh báo cứng rắn, nếu Nga phát động chiến dịch quân sự, châu Âu sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ để ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại nghiêm khắc, từ "cắt đứt khả năng tiếp cận vốn nước ngoài đến kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật cao". Những biện pháp trừng phạt này sẽ "bóp nghẹt nền kinh tế Nga".

Từ đó đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành 10 gói trừng phạt Nga với mức độ khắc nghiệt chưa từng có. Nhưng nền kinh tế Nga đã có khả năng phục hồi một cách đáng ngạc nhiên.

Sau khi sụt giảm 2,2% vào năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2023, ở mức 0,3%. Mức tăng trưởng này thậm chí còn cao hơn mức tăng trưởng mà IMF dự báo cho nền kinh tế Đức trong năm 2023 (0,1%).

Nhưng bằng cách nào Nga có thể đạt được điều đó trong bối cảnh các lệnh trừng phạt khắc nghiệt "bủa vây tứ phía"?

Một trong những biện pháp chính mà Moscow áp dụng là thiết lập các liên kết thương mại mới. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis gần đây đã thừa nhận rằng, Nga đang tích cực phá vỡ các biện pháp trừng phạt của EU.

Các dữ liệu kinh tế cho thấy rõ điều này. Giá trị hàng hóa Nga nhập khẩu từ EU đã giảm từ 8 tỷ USD vào tháng 1/2022 xuống còn 5 tỷ USD vào tháng 11/2022.

Xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Nga đã giảm 70% sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng vào cuối tháng Hai. Hơn 30 quốc gia khác cũng đã ngừng xuất khẩu, trong đó có Belarus. Mục tiêu là hạn chế khả năng tiếp tục kéo dài chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Nhưng ngược lại, giá trị hàng hóa Nga nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác tăng rõ rệt. Ví dụ, nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 7,7 tỷ USD lên 10,5 tỷ USD trong thời gian này, nhập khẩu từ Ấn Độ tăng từ 1,1 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

Điều này không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không hiệu quả. Theo một nghiên cứu mới đây của tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP), ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã dừng hoặc giảm sản xuất một số hệ thống vũ khí công nghệ cao do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế khả năng tiếp cận của họ với các công nghệ cần thiết.

Và mức trần giá dầu mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt đang làm giảm nguồn thu từ năng lượng của Nga.

Nhưng kỳ vọng của phương Tây về việc quân đội Nga sẽ cạn nguồn cung cấp đã không thành hiện thực. DGAP cho biết: "Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự và thích ứng với các lệnh trừng phạt".

Cách chuyển hướng dòng chảy thương mại

Một số quốc gia láng giềng đang giúp đỡ người Nga trong việc này. Họ đã phát hiện ra một hướng kinh doanh béo bở mới: các doanh nghiệp của họ mua hàng hóa từ phương Tây và bán chúng cho Nga - quốc gia bị phương Tây cấm vận.

Theo chuyên gia Tobias Gehrke, nghiên cứu viên cấp cao của tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, những giao dịch như vậy có thể thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Armenia. Các quốc gia này đang xuất khẩu sang Nga những thứ mà họ không tự sản xuất được.

Theo ông Peter Piatetsky, Giám đốc công ty cung cấp dữ liệu Castellum.AI của Mỹ, Kazakhstan đã trở thành một trung tâm quan trọng để lách lệnh trừng phạt. Nước này "đã bán số lượng chip vi mạch cho Nga nhiều gấp 18 lần so với một năm trước".

Ông Piatetsky cho rằng, lời giải thích cho điều này là việc giao hàng trực tiếp đến Nga trước đây giờ thay bằng đến Kazakhstan, từ đó hàng hóa được bán lại cho Nga. Biên giới chung trên bộ sẽ rất hữu ích cho hoạt động này vì việc không phải vận chuyển bằng đường hàng không sẽ giúp tránh bị “làm phiền”.

Thậm chí, người ta còn bình luận rằng, chính tủ lạnh, máy giặt của phương Tây đã "hỗ trợ" thêm vũ khí cho Nga.

Các cơ quan tình báo phương Tây cho biết, trong năm 2022, Kazakhstan đã chuyển giao cho Nga số lượng tủ lạnh sản xuất ở EU nhiều hơn mức bình thường.

Kết quả theo dõi của các cơ quan tình báo trùng khớp với số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat). Từ tháng 1-8/2022, Kazakhstan đã nhập khẩu lượng tủ lạnh trị giá 21,4 triệu USD từ châu Âu, nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình tương tự ở Armenia, từ tháng 1-8/2022, Armenia đã nhập khẩu lượng máy giặt từ EU nhiều hơn cả hai năm trước đó cộng lại. Đích đến cuối cùng của số lượng lớn các thiết bị này dường như là Nga. Điều này được chứng minh qua dữ liệu ngoại thương từ chính phủ Kazakhstan.

Theo số liệu hồi tháng 10/2022 của Bloomberg, giá trị xuất khẩu tủ lạnh, máy giặt và máy hút sữa chạy điện từ Kazakhstan sang Nga đã tăng vọt.

EU không bất ngờ về việc Nga sử dụng chip từ các thiết bị gia dụng đơn giản như vậy cho thiết bị quân sự của nước này. Chủ tịch EC von der Leyen từng khẳng định, quân đội Nga lấy chip từ máy rửa bát và tủ lạnh để sửa chữa các thiết bị quân sự của họ.

Tuy nhiên, vấn đề chính trong việc kiểm soát các biện pháp trừng phạt là tính lưỡng dụng của sản phẩm, hàng hóa mà Nga nhập khẩu, tức là khả năng sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự. Chất bán dẫn, thứ rất cần thiết cho công nghệ quân sự hiện đại, cũng có thể được tìm thấy trong các thiết bị gia dụng. Một nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) kết luận, Nga đã thành công trong việc "chuyển hướng dòng thương mại qua Trung Quốc và các nước khác".

Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có thể tăng cường nhập khẩu chất bán dẫn và vi mạch điện tử. Các chuyên gia của Viện IIF cho biết từ tháng 1-9/2022, Nga đã nhập khẩu lượng chip trị giá 2,45 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,8 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị chip nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng gấp đôi, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của Nga.

EU hiện muốn thắt chặt hơn nữa kiểm soát xuất khẩu vào Nga. Gói trừng phạt thứ 10, đánh dấu 1 năm Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, dự kiến ban hành vào ngày 24/2, chủ yếu nhắm vào hàng hóa lưỡng dụng, cụ thể là các linh kiện điện tử cho máy bay không người lái, máy bay trực thăng và tên lửa dẫn đường... Nhưng vấn đề cơ bản là khả năng Nga chuyển hướng dòng chảy thương mại qua các nước khác, thì vẫn còn đó.

Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ-thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng bị nghi ngờ bán hàng cho các công ty bị trừng phạt của Nga, nhưng không phải vũ khí.

Giới chuyên gia cho rằng, để có thể phát hiện hoạt động buôn bán bất hợp pháp hàng hóa lưỡng dụng là việc khó. Ngoài ra, cần phải có đủ ý chí chính trị để ngăn chặn hoạt động thương mại thông qua các trung gian của Nga. Mà trong vấn đề này, cả Mỹ và EU đều do dự vì không muốn đẩy các quốc gia như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ vào "vòng tay" Nga.

Giá cà phê hôm nay 20/2/2023: Giá cà phê giữ đà tăng, dự báo giá tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ trở lại?

Giá cà phê hôm nay 20/2/2023: Giá cà phê giữ đà tăng, dự báo giá tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ trở lại?

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê toàn cầu ước tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ ...

Tỷ phú Elon Musk sắp cấy chip vào não người: Từ phim khoa học viễn tưởng đến ngành công nghiệp tỷ USD?

Tỷ phú Elon Musk sắp cấy chip vào não người: Từ phim khoa học viễn tưởng đến ngành công nghiệp tỷ USD?

Tại sao tỷ phú Elon Musk muốn đặt một con chip máy tính vào não của bạn?

Nga 'quay xe' loại bỏ hoàn toàn USD trong kho dự trữ - Hồi kết của đồng bạc xanh?

Nga 'quay xe' loại bỏ hoàn toàn USD trong kho dự trữ - Hồi kết của đồng bạc xanh?

Thế giới sẽ dần từ bỏ USD, đồng bạc xanh sẽ đánh mất vị thế là đồng tiền tệ dự trữ trong vòng 1 thập ...

Xung đột Nga-Ukraine: Chuyên gia châu Âu đánh giá về cơ hội tái sinh kinh tế Ukraine từ ‘đống tro tàn'?

Xung đột Nga-Ukraine: Chuyên gia châu Âu đánh giá về cơ hội tái sinh kinh tế Ukraine từ ‘đống tro tàn'?

Hậu xung đột quân sự, không biết kinh tế Ukraine sẽ trượt đến đâu? Việc tái thiết kinh tế có thể tạo cơ hội để ...

Sợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)?

Sợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)?

Bài học đầu tiên từ lịch sử là ngay cả công nghệ mới mạnh mẽ nhất cũng cần có thời gian để thay đổi nền ...

(theo Handelsblatt, TTXVN)

Tin cũ hơn