📞

Từ ngày 1/7/2023, bảng lương giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập được áp dụng thế nào?

09:11 | 20/04/2023
Bảng lương giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập được quy định ra sao từ ngày 1/7/2023?
Bảng lương giáo viên mầm non áp dụng từ ngày 1/7/2023. (Ảnh: Nguyễn Yến)

1. Bảng lương giáo viên mầm non từ ngày 01/7/2023 trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước

1.1. Cách xếp lương giáo viên mầm non công lập

Căn cứ Điều 8 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

- Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc chuyển xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

1.2. Bảng lương giáo viên mầm non công lập từ ngày 01/7/2023

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2023 tiền lương cơ sở tăng lên thành 1.800.000 đồng/tháng (hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng). Do đó, mức lương của giáo viên mầm non công lập cũng được điều chỉnh tăng hơn 20,8% cho phù hợp với quy định mới này.

Ảnh chụp một phần Bảng lương giáo viên mầm non công lập từ ngày 01/7/2023.

2. Bảng lương giáo viên mầm non từ ngày 1/7/2023 với đơn vị ngoài công lập (tư nhân)

Bảng lương giáo viên mầm non từ ngày 1/7/2023 với đơn vị ngoài công lập (tư nhân) do các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu – Nghị định 38/2022/NĐ-CP

1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

2. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

(theo TVPL)