Loài vật của thánh thần
Tại châu Á, nhắc tới loài khỉ trong văn học là người ta nhớ ngay đến nhân vật Tôn Ngộ Không trong bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân ở thế kỷ XV. Trong bộ truyện, Tôn Ngộ Không được gọi là Mỹ Hầu Vương. Nó là con khỉ đá được trời và đất sinh ra, có sức mạnh vô song và trở thành đồ đệ của Đường Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh. Tôn Ngộ Không với 72 phép biến hóa là đại diện của trí tuệ, sáng suốt nhận rõ bản chất của những loài ma quái đội lốt người. Bởi thế mà sau khi tu thành chính quả, Ngộ Không đã trở thành Phật và được người đời thờ phụng với pháp danh: Đấu chiến thắng Phật.
Một số học giả cho rằng, nhân vật Tôn Ngộ Không được nhà văn Ngô Thừa Ân lấy cảm hứng sáng tạo từ khỉ vương Hanuman của Ấn Độ. Trong bộ sử thi Ramayana, Hanuman là tướng tiên phong của hoàng tử Rama, cầm đầu đạo quân khỉ tấn công vào kinh thành Lanka để giết quỷ vương. Không chỉ bởi cái tài dời non lấp biển, Hanuman được người ta nhớ đến với bản tính hồn nhiên và được xem là biểu tượng của lòng trung thành và sự tận tụy. Cũng chính vì thế mà quân đội Campuchia thời Hoàng thân Sihanouk và tướng Lon Nol đã từng lấy hình ảnh của Hanuman làm biểu tượng.
Một số ngôi chùa Phật giáo ở châu Á có bày bức tượng ba con khỉ đang tự bịt miệng, bịt mắt và bịt tai. Hình tượng này có nguồn gốc từ Ấn Độ hàng nghìn năm về trước. Nguyên tác của nó là tượng thần Vajrakilaya có sáu tay. Thần dùng những đôi tay này để bịt mắt, tai và miệng để răn dạy người đời không nói điều xấu, không nhìn điều xấu và không nghe điều xấu. Từ đó, tâm trí con người sẽ được thanh tịnh, yên bình, không u sầu, phiền não.
Tư tưởng “ba không” này được truyền bá sang nhiều quốc gia khác thông qua Phật giáo. Tại Trung Quốc, tư tưởng ấy có nét tương đồng với quan điểm sống của Khổng Tử: “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.
Quái thú nhân ái
So với các con vật thần thoại như kỳ lân, nhân mã, bằng mã, phượng hoàng, tiên cá..., khỉ có vẻ như “lép vế” trong văn hóa phương Tây. Mãi cho đến năm 1933, các khán giả ở đây mới có ấn tượng đặc biệt với một nhân vật khỉ. Đó là con khỉ đột khổng lồ King Kong trong bộ phim cùng tên của hai đạo diễn Merian C. Cooper và Ernest B. Schoedsack.
King Kong đã đi vào lịch sử với tư cách là một trong những tác phẩm điện ảnh sử dụng kỹ xảo thành công nhất. Cho dù trong nhiều năm trở lại đây, sự phát triển vượt bậc của kỹ xảo điện ảnh đã tạo ra nhiều hình tượng nhân vật khổng lồ như khủng long T-Rex, Hulk... nhưng đến nay, King Kong vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng các khán giả yêu điện ảnh thế giới và bằng chứng là bộ phim này đã được làm lại hai lần vào các năm 1976 và 2005.
Nhiều năm về sau, một nhân vật khác của họ nhà khỉ mới lại gây được dấu ấn trong lòng các khán giả phương Tây. Đó là những con khỉ đột trong nhiều phiên bản phim Tarzan. Khác với King Kong, những con khỉ sống cùng “cậu bé rừng xanh” đều hiền lành, giàu lòng trắc ẩn. Chính nhờ bàn tay nuôi nấng của chúng mà cậu bé sơ sinh Tarzan mới thoát khỏi cảnh bị bỏ đói (bố mẹ đẻ đột ngột qua đời) và trưởng thành.
“Kém tiếng” trong văn hóa Việt
Khỉ là “họ hàng gần” với loài người, có hình dáng và điệu bộ giống con người. Nhưng trong khi hai nền văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ đều chấp nhận cái " khỉ " trong mình và nhìn nhận đó là thành phần lanh lợi, sáng tạo thì văn hóa Việt Nam lại nhắc tới con khỉ để phê phán những thói xấu của người đời (Nuôi ong tay áo/ nuôi khỉ dòm nhà; làm trò khỉ...). Chúng cũng được xem như đặc trưng của chốn thâm sơn cùng cốc (Má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu...).
Có lẽ, vì hình dáng xấu xí cùng tính cách nghịch ngợm, phá phách nên con khỉ không được xuất hiện nhiều trong văn thơ. Trong thiên Truyện Kiều dài 3.254 câu thơ lục bát, loài vật này chỉ được nhắc tới đúng một lần trong đoạn Thúy Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến.
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tầy
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Trong thơ ca hiện đại Việt Nam, nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) từng tự nhận mình là “thi sĩ đười ươi”. Theo ông quan niệm, “đười ươi” chính là hiện thân của con người tiền sử với tâm hồn trong sạch, chưa bị tiêm nhiễm tập tục, lề luật và thành kiến. Nhà thơ này từng viết trong bài thơ Ta về:
Ta về rũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau.
Trong 12 con giáp, người đời vẫn thường quan niệm rằng những người tuổi Thân thường thông minh, nhanh nhẹn nhưng lại có cuộc đời vất vả, truân chuyên. Chả thế mà dân gian có câu:
Tuổi Thân con khỉ lao đao
Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương.
Có lẽ, đó chỉ là câu nói vui của các cụ nhà ta. Vì trên thực tế, những người tuổi Thân "ăn nên làm ra" xưa nay chẳng phải là ít. Cụ Nguyễn Du từng nói: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Vì thế, tin vào số mệnh chắc chắn chẳng phải là điều nên làm.