📞

Tự nguyện hy sinh thị phần nhằm đẩy giá dầu, Saudi Arabia có thể vẫn ‘thiệt đơn thiệt kép’

HT. 11:53 | 07/06/2023
Việc cắt giảm sản lượng dầu thô có thể khiến Saudi Arabia phải trả giá đắt, khi đà tăng của giá dầu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể bù đắp được khoản hụt doanh thu do thu hẹp sản lượng.
Saudi Arabia có thể đối mặt viễn cảnh mất thị phần tại những thị trường chủ chốt như Trung Quốc vào tay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). (Nguồn: Getty)

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 5/6 có bài bình luận về những hệ quả liên quan đến quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô của Saudi Arabia.

Giá không tăng như kỳ vọng

Sau khi cảnh báo giới đầu cơ về việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi là OPEC+) có thể sẽ lại tiếp tục cắt giảm sản lượng, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman ngày 4/6 ra tuyên bố khẳng định, nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Bảy, sau khi các nước OPEC+ từ chối gia nhập nỗ lực của Riyadh.

OPEC+ hiện chiếm gần 50% sản lượng dầu thô của thế giới, vì thế, cắt giảm sản lượng dự báo sẽ đẩy giá dầu đi lên, vào thời điểm xuất hiện quan ngại kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ làm giảm cầu tiêu thụ dầu thô. Riyadh cũng chuyển đi tín hiệu “sẽ làm mọi việc có thể để tạo lập ổn định trên thị trường”. Ở giai đoạn hiện nay, mức cắt giảm chỉ bó gọn trong một tháng, nhưng cũng có thể sẽ được kéo dài thêm.

Ngay sau khi thị trường mở cửa phiên đầu tuần ngày 5/6, giá dầu tăng mạnh, nhưng sau đó mức tăng không còn vững. Đến đầu giờ chiều phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu Brent Biển Bắc đạt 77,32 USD/thùng, tăng 1,6% so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6.

Hiện giá dầu vẫn thấp hơn 17% so với tháng 10/2022, khi OPEC+ lần đầu tiên khiến thị trường rúng động bằng quyết định giảm sản lượng, một quyết định sau đó được một số thành viên, trong đó có Saudi Arabia và Nga, kéo dài đến tháng 4/2023.

Giới quan chức Saudi Arabia tham gia vào tiến trình này thừa nhận, mức tăng của giá dầu trong ngày 5/6 không như kỳ vọng của Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman, người lên tiếng bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng và muốn đánh bật giới đầu tư bán khống tại phiên họp căng thẳng của OPEC+ cuối tuần qua.

Trong vài tháng gần đây, ông Abdulaziz không ngừng nhắm vào giới đầu cơ phố Wall mà hành động đặt cược của họ có thể làm giá dầu suy yếu. Tháng trước, ông đưa ra lời cảnh báo giới đầu cơ, một thông điệp được nhiều nhà phân tích coi là chỉ dấu cho việc OPEC+ có thể giảm sản lượng tại phiên họp ngày 4/6.

Mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày sẽ đưa sản lượng dầu thô khai thác của Saudi Arabia xuống mức 9 triệu thùng/ngày, ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 6/2021 và hiếm khi xuất hiện trong vòng 10 năm trở lại đây. Động thái này cho thấy Riyadh sẵn sàng “hy sinh” thị phần để đẩy giá dầu tăng.

Saudi Arabia phải trả giá đắt?

Theo giới chức thạo tin, điều này có thể sẽ khiến Saudi Arabia phải trả giá đắt, khi mà đà tăng của giá dầu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể bù đắp được khoản hụt doanh thu do thu hẹp sản lượng.

Saudi Arabia cũng có thể đối mặt viễn cảnh mất thị phần tại những thị trường chủ chốt như Trung Quốc vào tay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), quốc gia vẫn tiếp tục bơm một lượng lớn dầu thô giá rẻ hơn ra thị trường bất chấp cam kết không hành động như vậy. Các phái đoàn tham dự phiên họp ngày 4/6 cho biết, UAE và Nga phản đối cắt giảm thêm sản lượng, cho rằng họ hài lòng với mức giá hiện tại trên thị trường.

Trong một động thái gây bất ngờ, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco ngày 5/6 tăng giá dầu thô xuất khẩu trong tháng Bảy. Giới phân tích và giao dịch trước đó từng kỳ vọng “ông lớn” này sẽ hạ giá bán chính thức để cạnh tranh với các lựa chọn khác như dầu thô của Nga trên thị trường tại thời điểm triển vọng cầu tiêu thụ không thực sự sáng sủa.

Nỗ lực neo giá dầu ở mức cao hơn cho thấy sức ép Bộ trưởng Abdulaziz phải đối mặt. Hoàng tử kế vị Mohammed bin Salman là người theo đuổi tham vọng tái định hình lại nền kinh tế của Saudi Arabia vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Ông Abdulaziz sẽ phải giữ giá dầu ở ngưỡng có thể giúp những nỗ lực chuyển dịch đó có tính khả thi về kinh tế.

Theo ngân hàng Commonwealth Bank (Australia), Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng nếu dầu Brent Biển Bắc mắc kẹt trong tầm giá 70-75 USD/thùng và thậm chí sẽ cắt giảm mạnh hơn nữa nếu giá xuống dưới 70 USD/thùng. Tập đoàn Goldman Sachs nhận định, nếu mức cắt giảm sản lượng được duy trì, giá dầu tăng thêm khoảng 1 USD/thùng.

Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng sẽ làm tăng đáng kể kỳ vọng về thị trường thâm hụt. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) từng dự báo, chênh lệch cung cầu trên thị trường dầu mỏ có thể ở ngưỡng 1,9 triệu thùng/ngày vào quý III năm nay. Theo hãng tư vấn Rystad Energy, mức thiếu hụt đó giờ đây có thể lên mức 3 triệu thùng/ngày sau quyết định của Saudi Arabia.

Giới phân tích nhận định, lệch pha cung cầu đó có thể sẽ khiến đà lao dốc của giá dầu thô chậm lại. Nhưng việc giá dầu liệu sẽ tăng hay không còn chưa đạt đồng thuận.

Ông Richard Bronze, Trưởng bộ phận nghiên cứu địa chính trị tại công ty tư vấn Energy Aspects, bình luận: “Đây là thách thức thị trường đối với OPEC+ và Saudi Arabia phải cố gắng điều chỉnh. Nhiều thứ thuộc về các nhân tố nằm ngoài quyền kiểm soát của họ, ví dụ như triển vọng kinh tế vĩ mô.

Vì thế, tôi tin chắc rằng quyết định cắt giảm sản lượng sẽ không mang lại thành công cũng như ảnh hưởng như những gì OPEC+ từng làm trong năm 2021 và đầu năm 2022”.

(theo The Wall Street Journal)