Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 10,1%, là một trong những địa phương đứng top đầu cả nước. Tỉnh đã quyết liệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dồn lực giải ngân vốn đầu tư phát triển, đồng hành cùng doanh nghiệp... hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, tỷ trọng các ngành dịch vụ du lịch chiếm 41,2% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 4.050USD/người/năm, tăng 7,3% so với năm 2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm. (Nguồn: BQN) |
Những mục tiêu mới
Những thành tựu của 2016 là tiền đề vững chắc để Quảng Ninh thực hiện những đột phá trong năm 2017. Đến thời điểm này, các địa phương, các ngành đều có những hoạch định, giải pháp hướng tới mục tiêu giữ vững ổn định phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ. Với những kỳ vọng mới cho phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP trên 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 3%; tổng nguồn vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng trên 10%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 31.800 tỷ đồng.
Làm cơ sở cho những kế hoạch đó, Quảng Ninh đã xây dựng 7 nhóm giải pháp trọng tâm và chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, giải pháp ưu tiên hàng đầu là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bền vững cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp. Hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án lớn, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như dự án Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao.
Thực hiện chủ đề công tác năm 2017 là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đạt hiệu quả cao, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quyết liệt chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh; đồng thời, triển khai đồng bộ giai đoạn 2 chính quyền điện tử và thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ - 100% tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục.
Nơi cần đến của nhà đầu tư
Năm 2016 tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh đạt 22.442,71 tỷ đồng (543,293 triệu USD và 10.485,21 tỷ đồng), tăng 49,62% so với kế hoạch, gấp 2,28 lần tổng vốn thu hút năm 2015; riêng vốn đầu tư FDI gấp 1,55 lần kế hoạch, gấp 6,13 lần năm 2015. Hiện các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh có 235 dự án ngoài ngân sách còn hiệu lực (10 dự án hạ tầng các KCN và 225 dự án đầu tư thứ cấp) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.264,737 triệu USD và 47.941,983 tỷ VND. Tổng số lao động làm việc trong các KCN là 18.609 người, gồm 18.369 lao động Việt Nam và 240 lao động nước ngoài.
Nhằm củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại các KCN, KKT, từ đó xây dựng một kênh thông tin hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư, Ban Quản lý KKT tỉnh đã phối hợp với UBND các địa phương và các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Tiêu biểu như các dự án: Nhà máy dầu thực vật Cái Lân mở rộng; khu xử lý nước thải KCN Cái Lân; hoàn thành GPMB 64ha tại KCN Việt Hưng; GPMB 50ha cho KCN Hải Yên...
Đến nay, UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt hỗ trợ 176,18 tỷ đồng để ứng trước GPMB các KCN và hỗ trợ chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong KCN. Với các nhà đầu tư thứ cấp, khi tiến hành đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án trong KCN được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn trong vòng 2 năm cho người lao động, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các doanh nghiệp, được hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng, nhưng không quá 20 triệu đồng/lần/doanh nghiệp/năm và 50% chi phí đi lại cho chủ doanh nghiệp khi tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại của Tỉnh...
Nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cùng những chính sách ưu đãi hỗ trợ riêng cho các nhà đầu tư, trong năm 2016 đã có khoảng 40 lượt đoàn doanh nghiệp đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn. Trong đó có những doanh nghiệp lớn, tiềm năng như: Tập đoàn CDC International Corporation nghiên cứu Dự án đầu tư phát triển Tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc; Hiệp hội Dệt may Trung Quốc thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN cảng biển Hải Hà; Công ty Grondmet (Đức) tìm hiểu đầu tư Dự án xây dựng nhà máy chế biến vật liệu kim loại phục vụ ngành công nghiệp sản xuất thép công nghệ cao; Công ty UK Favorite Intl Hotels and Resort (Anh) nghiên cứu, khảo sát dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có Casino tại KKT Vân Đồn...