📞

Tự tin hơn để nắm lấy cơ hội

10:00 | 20/10/2016
Đây chính là thông điệp mà Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Ngô Thị Hòa muốn gửi gắm tới chị em trong Bộ Ngoại giao nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Từng nắm giữ vai trò là Thư ký thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBCPN) và là Trưởng Ban Nữ công (NC) của Bộ, chị nhận thấy công tác nữ năm qua có những tiến triển nổi bật gì?

Có thể nói, trên cơ sở xác định rõ cán bộ nữ là lực lượng quan trọng trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại, công tác nữ đã được Bộ ta quan tâm và quán triệt ở mọi cấp và mọi đơn vị. Năm nay, công tác nữ gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Bộ là hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt đã được Ban VSTBCPN và Ban NC bắt nhịp nhanh bằng cách phát động nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, giúp chị em nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức để phục vụ tốt nhiệm vụ hội nhập quốc tế.

Trong năm 2016, có một nội dung được Ban VSTBCPN và Ban NC rất quan tâm, đó là nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ nữ. Chúng tôi đã thường xuyên tổ chức được những buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về nhiều lĩnh vực như: văn hóa ngoại giao, cân bằng giữa gia đình và công việc, bình đẳng giới... Đáng chú ý, buổi giới thiệu giá trị nghệ thuật Tuồng Việt Nam là hoạt động rất ý nghĩa, giúp nâng cao kiến thức văn hóa cho cán bộ ngoại giao để quảng bá bộ môn nghệ thuật này tới bạn bè quốc tế.

Chị Ngô Thị Hòa phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3/2016.

Đặc biệt, trong dịp 8/3 vừa qua, Ban NC đã phát động quyên góp ủng hộ “Quỹ Tình thương” để phục vụ công tác từ thiện và hỗ trợ cán bộ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền quyên góp đợt này đã được gần 170 triệu và hỗ trợ cho 30 chị em có hoàn cảnh khó khăn tại các đơn vị. Ban cũng đã trao quà từ thiện cho phụ nữ nghèo và trẻ em gặp khó khăn ở tỉnh Thái Bình và Nam Định, các trẻ em bị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương... Đáng mừng hơn, gần đây, số lượng cán bộ nữ tham gia phong trào chung của Bộ đã tăng dần, phản ánh sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của chị em về công tác nữ.

Theo chị, đâu là những tồn tại trong công tác nữ của Bộ hiện nay?

Nhìn vào con số cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý hiện nay (1 Thứ trưởng, 9 Vụ trưởng và tương đương, 63 Phó Vụ trưởng, 27 Trưởng phòng, 45 Phó Trưởng phòng, 13 cán bộ nữ được cử là Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), có thể thấy rõ cán bộ nữ đang được Lãnh đạo Bộ quan tâm đặc biệt.

Về mặt chính sách, tôi không thấy có sự phân biệt đối xử nào, thậm chí còn ưu tiên với chị em. Tuy nhiên, không phải tất cả các đơn vị, các anh lãnh đạo đều thông cảm và hiểu chị em. Vì công tác ngoại giao đặc thù, phải đi nhiều, đi xa với cường độ làm việc cao nên nhiều lãnh đạo có cảm giác e dè khi giao việc cho chị em. Rào cản vô hình này khiến chị em bị thiệt thòi khi không được phân công theo đúng khả năng của mình.

Vì vậy, các cán bộ nữ ngoại giao nên mạnh dạn hơn trong việc đề đạt nguyện vọng và thể hiện khả năng của bản thân để lãnh đạo có thể tin tưởng giao công việc. Tôi thấy nhiều chị em vẫn chưa thực sự chủ động trong công việc.

Là người thường xuyên tiếp xúc và nhận được chia sẻ của chị em, chị thấy những tâm tư gì cần được Lãnh đạo Bộ quan tâm hơn?

Điều tôi nhận thấy rõ nhất là chị em cần được phân công công việc phù hợp với khả năng và mong muốn được giao nhiều trọng trách hơn. Một tâm tư khác là vấn đề đi luân chuyển đối với chị em làm nhân viên phục vụ. Hiện nay, các công việc ở cơ quan đại diện ngoài nước đòi hỏi trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nhất định. Vì vậy, lãnh đạo các đơn vị nên tạo điều kiện để những chị em này tham gia các khóa học của Bộ cũng như đi tìm các khóa học riêng để nâng cao năng lực bản thân, có thể đáp ứng được vị trí đi luân chuyển.

Theo chị, những hình mẫu phụ nữ và tấm gương nổi bật nào trong Bộ mà chị em có thể học tập?

Theo tôi, mỗi chị hiện là Trưởng các đơn vị trong Bộ đều là một tấm gương sáng để các cán bộ trong ngành có thể học tập và noi theo. Bản thân tôi đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. Đại sứ tham gia tích cực các phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như thúc đẩy tinh thần hội nhập quốc tế trong cán bộ nữ làm đối ngoại. Ngoài ra, còn có Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, hay chị Nguyễn Thái Yên Hương, nữ Giáo sư đầu tiên của Bộ... Mới đây, tại Lễ kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, có 5 chị em đến từ các đơn vị đã nhận được Bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mỗi chị là một tấm gương điển hình của phụ nữ ngành Ngoại giao.

Là một phụ nữ thành đạt trong Bộ, chị có kinh nghiệm gì muốn truyền lại cho chị em?

Nhìn lại chặng đường phấn đấu đã qua, tôi thấy những khó khăn mà mình gặp phải cũng giống như hầu hết các chị em hiện nay. Tôi cũng nhận thấy sự tự tin và mạnh dạn của nhiều cán bộ nữ trong Bộ vẫn còn thiếu, nên chị em đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và không được nhìn nhận đúng mức. Khi còn làm chuyên viên, tôi luôn cố gắng làm việc tốt nhất và luôn được các lãnh đạo đánh giá cao nhưng tôi vẫn còn rụt rè trong việc đề đạt nguyện vọng cá nhân. Vì vậy, cán bộ nữ ngoại giao cần tự tin đã nắm lấy các cơ hội cũng như phát huy đầy đủ năng lực của mình.

Là cán bộ nữ đã vất vả, nhưng làm lãnh đạo nữ lại càng khó khăn nhiều hơn. Vậy chị đã cân bằng giữa công việc và gia đình thế nào?

Theo tôi, làm lãnh đạo nữ nếu như không có hậu phương gia đình vững chắc thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể thực hiện trọn vẹn vai trò làm vợ, làm mẹ và làm dâu. Làm lãnh đạo nữ tại một cơ quan cũng không dễ, bởi con mắt của các đồng nghiệp nam dưới cấp sẽ nhìn mình kỹ hơn so với các lãnh đạo nam. Vì vậy, các lãnh đạo nữ phải cố gắng hơn nhiều về mặt chuyên môn và phải có bản lĩnh để không bị bắt nạt (cười). Tuy nhiên, có một thuận lợi là lãnh đạo nữ thì làm việc tâm lý, mềm dẻo và gần gũi hơn. Các chị em cũng cởi mở và dễ bày tỏ tâm nguyện với lãnh đạo nữ hơn.

Bản thân tôi may mắn vì có ông xã hết sức thông cảm cho việc thường xuyên đi về muộn hay đi công tác, dù đôi khi cũng kêu than vui là “lấy vợ làm ngoại giao khổ quá”. Vì công việc cơ quan, tôi cũng luôn cảm thấy mắc lỗi với gia đình nên mỗi khi có thời gian rảnh là tôi tìm cách bù đắp lại.

Được biết, sắp tới chị sẽ đi công tác nhiệm kỳ, điều gì chị vẫn trăn trở đối với công tác nữ của Bộ?

Tham gia vào công tác nữ của Bộ từ năm 2012, điều tôi luôn tâm huyết là muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho phong trào cũng như vì sự tiến bộ của chị em. Suốt thời gian qua, bản thân tôi và các thành viên trong Ban NC và Ban VSTBCPN luôn cố gắng xây dựng phong trào, có những sáng kiến và tham vấn cho Lãnh đạo Bộ và các đơn vị có liên quan đến công tác nữ.

Dù sắp tới không trực tiếp tham gia vào công việc này nhưng tôi vẫn dành sự quan tâm đặc biệt của mình đối với công tác nữ, nhằm nâng cao vai trò của cán bộ nữ trong ngành Ngoại giao. Tôi mong các chị em Ban NC sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và tổ chức thêm nhiều hoạt động sôi nổi để cuốn hút các chị em trong Bộ tham gia nhiệt tình hơn.