Câu chuyện bé gái 5 tuổi bị xâm hại và bị giết ở Vũng Tàu khiến dư luận phẫn nộ thời gian vừa qua đủ để thức tỉnh các bậc cha mẹ, thêm một lần cảnh báo về nguy cơ bị xâm hại trẻ em. |
Thực tế, giáo dục về kỹ năng cũng như giới tính cho trẻ nhỏ ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Vấn đề xâm hại trẻ em luôn nhức nhối nhưng nhận được rất ít sự quan tâm của phụ huynh.
Khi có một sự vụ ầm ĩ xảy ra, các bậc cha mẹ thường giật mình và lo lắng cho sự an toàn của con em mình. Tuy nhiên, khi sự vụ lắng xuống, sự lo lắng đó cũng dần biến mất. Và rồi, đâu đó vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Trong các mối quan tâm thường trực, không mấy người dành cho sự an toàn của con trẻ, đặc biệt vấn đề xâm hại. Có thể nói, đây cũng là vấn đề vô cùng lớn, hết sức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lâu dài và khủng khiếp đến trẻ. Tâm lý các bậc cha mẹ sẽ có xu hướng chối bỏ thay vì đối mặt. Chính điều này đã khiến cho trẻ em Việt Nam trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng không bao giờ có một môi trường tuyệt đối an toàn cho trẻ dù đó là ở nhà, ở trường hay ngoài xã hội. Cũng không có gì chắc chắn tuyệt đối là các con sẽ được an toàn với những người xung quanh. Hoàn toàn có khả năng những người xung quanh các con sẽ là đối tượng gây nguy hại cho chính các con.
Vì thế, cha mẹ không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào bất kể người nào. Chúng ta không nên dễ dàng giao con cho những người xung quanh. Khi có công việc, cha mẹ không nên giao con một cách dễ dãi cho ai đó mà cha mẹ cảm thấy tin tưởng.
Nơi mà mức độ an toàn cao nhất chính là nhà trường. Ở trường, các thầy cô giáo có trách nhiệm trông coi, chăm sóc và giáo dục các con. Vì thế, nếu cần người chăm sóc con, hãy cho con tới trường, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non.
Thay vì phê phán, chê bai cô giáo, cha mẹ hãy nên hợp tác với các cô để giúp con trưởng thành. Giáo viên có trách nhiệm chăm sóc các con, họ luôn phải đối mặt với trách nhiệm này hơn tất cả những người thân thiết khác của con. Do vậy, nếu bắt buộc phải tìm một nơi trông con để đi làm, tốt nhất cha mẹ nên đưa con tới trường mầm non thay vì giao con cho những người thân hoặc quen biết trong gia đình.
Ở khía cạnh kỹ năng, thực tế đây luôn là nội dung còn thiếu trong giáo dục tại các gia đình Việt Nam. Nhiều gia đình lơ là dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, chăm sóc bản thân, quản lý cảm xúc. Đặc biệt với kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm như kỹ năng ứng phó với xâm hại thì trẻ ngày xưa hay ngày nay đều chưa được quan tâm đúng mức.
Dường như cha mẹ thường có suy nghĩ trẻ nhỏ quá, biết gì, lớn lên sẽ dạy sau. Nhưng thực tế đã chứng minh, trẻ được học về kỹ năng ứng phó với xâm hại đã biết cách bảo vệ bản thân tốt hơn nhiều so với trẻ không được học. Các cháu dễ dàng thoát ra khỏi các tình huống nguy hiểm nếu được trang bị.
Đặc biệt, không ít người lớn cũng còn chưa có đủ kỹ năng sống. Rất nhiều người trong chúng ta bối rối và hoảng loạn trong các tình huống bất ngờ. Vì thế, việc coi thường giáo dục kỹ năng sống là điều dễ hiểu. Khi xảy ra các tình huống, ta không dự phòng trước, phần lớn chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác, thậm chí đổ tại số phận. Điều này đã khiến trẻ em gặp vô vàn hiểm nguy vì các con quá thiếu kỹ năng sống.
Trong khi đó, đứa trẻ cần được dạy biết yêu thương mình cũng như biết gìn giữ giá trị của mình và nhận diện những nguy cơ, đặc biệt từ câu chuyện đau lòng vừa qua. Phương án tối ưu để trẻ có thể giao tiếp an toàn mà vẫn lịch sự, lễ phép với người lớn chính là dạy trẻ nguyên tắc ứng xử phù hợp. Chúng tôi gọi đó là Quy tắc 4 vòng tròn.
Bên trong vòng màu xanh ở chính giữa có bố mẹ đẻ. Đó là những người chăm sóc dạy dỗ con, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của con, trừ khu vực đồ lót.
Phần giữa vòng màu xanh và vàng là khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh chị em… Những người đó chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.
Giữa vòng vàng và hồng là những người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ…) con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu, tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác của cơ thể. Vòng đỏ sẫm bên ngoài vòng màu hồng là người lạ, dạy trẻ tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần, nếu cần thì chạy trốn.
Cha mẹ cần phối hợp với thầy cô giáo để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Các nhà trường và gia đình cần tạo điều kiện tối đa để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Các cơ quan bảo vệ trẻ em cần nhanh chóng xử lý mọi vụ việc được báo, xây dựng các chương trình bảo vệ trẻ em, tự vấn phụ huynh, đào tạo kỹ năng ứng phó cho các con để đảm bảo trẻ được tiếp nhận đào tạo nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Rất tiếc, phần lớn các bậc phụ huynh hiện nay vẫn luôn và đang dạy con, hướng con đến cái đích là trở thành những đứa trẻ ngoan, thành tích học tập tốt, "chạy marathon" thành tích thay vì đầu tư, trang bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ.