Bắc Kinh không nên tiếp tục những sai lầm ở Biển Đông. (Nguồn: Internet) |
Tục ngữ có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” và từ lâu đã góp phần hình thành nên chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Tuy vậy, câu tục ngữ cơ bản ấy liệu có bị phá vỡ hay không?
Trang Eurasia Review lấy Biển Đông là một ví dụ điển hình. Bất cứ điều gì đang thúc đẩy động thái gần đây của Trung Quốc trong không gian hàng hải chiến lược này, sự phản ứng ngày càng gia tăng của các nước và thái độ răn đe của các đối thủ cho thấy rõ sự cấp bách của việc cần phải đánh giá chính sách Biển Đông của Trung Quốc.
Bốn năm sau phán quyết lịch sử của tòa trọng tài quốc tế phản bác yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này, vấn đề Biển Đông tiếp tục gây trở ngại cho mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng ven biển ở Đông Nam Á. Nó cũng đang nổi lên như một đấu trường lớn với đối thủ cạnh tranh địa chính trị của Trung Quốc là Mỹ. Đầu tháng 7 vừa qua, hải quân hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chồng chéo tại vùng biển này. Tuy nhiên, Mỹ đang tăng “tiền đặt cược”. Tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mike Pompeo mở ra một chiều hướng mới cho các nỗ lực của Washington nhằm đẩy lùi các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố ảnh hưởng của họ đối với vùng biển này.
Cùng với việc Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách “bất hợp pháp” của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng trước, tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Pompeo thể hiện quan điểm mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay trong việc phản đối các yêu sách biển và tài nguyên của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lần này, Washington sẽ bỏ qua lợi ích lâu nay của mình để thúc đẩy các vùng biển tự do và rộng mở. Bằng cách phản bác các yêu sách tài nguyên sai trái và tố cáo các nỗ lực của Trung Quốc phá vỡ các hoạt động kinh tế biển của các nước có yêu sách khác, Mỹ giảm bớt áp lực cho các quốc gia ven biển nhỏ hơn không thể tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng biển của mình do sự can thiệp của Trung Quốc. Tài sản quốc gia đối với các nguồn tài nguyên trong quyền lợi hàng hải được quốc tế công nhận của một quốc gia là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Nếu sai lầm của Mỹ ở Trung Đông tạo ra cơ hội địa chính trị cho Trung Quốc, thì sai lầm của Bắc Kinh trong cách hành xử ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể tác động đến Trung Quốc ở nhiều cấp độ:
Thứ nhất, nó làm suy yếu chính sách “thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt” của Bắc Kinh. Một loạt công hàm ngoại giao từ các nước láng giềng phản đối yêu sách mở rộng của Trung Quốc tại Biển Đông trong những tháng gần đây làm phức tạp thêm mối quan hệ của Trung Quốc với một số nước trong khu vực.
Thứ hai, việc Bắc Kinh bám chặt vào các yêu sách dựa trên các quyền lịch sử và khăng khăng vẽ các vùng lãnh hải mở rộng từ các hòn đá hay các thực thể nổi khi thủy triều thấp trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) khiến cho Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục phản đối các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ. Nhưng với tư cách là một cường quốc biển đang trỗi dậy, các lợi ích của Trung Quốc sẽ được gia tăng tốt nhất bằng cách tuân thủ và củng cố một trật tự ổn định trên biển. Điều này sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải từ bỏ các yêu sách biển bất hợp pháp của mình.