Ashwath Hedge, 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình nông dân ở ven biển thành phố Mangalore. Anh đã rất sốc khi chứng kiến những núi rác do ngành công nghiệp hiện đại của đất nước thải ra. Anh nói: “Ở Ấn Độ, chúng tôi tôn thờ Mặt Trời, Trái Đất và nước như những vị thần. Với người theo đạo Hindu nên những vị thần này chính là một phần tạo nên văn hóa, bản sắc của đất nước. Chúng tôi phải bảo vệ các di sản này cho thế hệ tương lai”.
Chính vì vậy, đến năm 2012, Hedge quyết định tự bỏ tiền đầu tư phát triển sản phẩm nhựa mới do anh tạo ra.
Ashwath Hegde và sản phẩm túi nhựa làm từ tinh bột thiên nhiên do anh phát triển. (Nguồn: The Guardian) |
Điều kỳ diệu ở Bengaluru
Văn phòng công ty của Hegde thành phố Bengaluru, miền Nam Ấn Độ. Tại đây, công ty của anh đang phát triển sản phẩm túi nhựa 100% hữu cơ. Anh xé chiếc túi nhựa thành từng mảnh nhỏ, đốt nó và nói: “Hãy xem nhé. Không hề có khói. Nếu là túi nhựa bình thường thì nó sẽ mùi khét bốc lên khi bị đốt”. Tiếp đến, nhân viên của Hegde mang đến cho anh một cốc nước nóng. Anh bỏ túi nhựa hữu cơ vào rồi dùng muỗng khuấy đều, nó từ từ co lại và phân hủy, hòa tan hoàn toàn trong nước. Cuối cùng, anh bỏ một miếng nhựa vào miệng mình nhai rồi nuốt. Anh nói: “Nó hoàn toàn có thể ăn được. Chúng tôi không có ý định khuyến khích bạn dùng túi nhựa làm thức ăn nhưng nếu bạn thử, nó sẽ không gây hại cho cơ thể bạn. Loại túi này hoàn toàn an toàn.”
Loại túi này được làm từ bột báng và các loại tinh bột thực vật khác. Hedge cho biết anh tạo ra nó với mong muốn giúp cắt giảm 14,8 triệu tấn nhựa tiêu thụ hằng năm ở Ấn Độ -quốc gia sử dụng nhựa nhiều nhất trên thế giới. Số lượng tiêu thụ này dự kiến sẽ còn tăng đến 20 triệu tấn vào năm 2020 khi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh.
Được biết, Hedge là một trong những doanh nhân tham gia chương trình nghiên cứu tìm ra các giải pháp để giảm thiểu lượng chất thải nhựa. Ngoài sản phẩm túi nhựa hữu cơ của Hedge, một công ty khác cũng đã sản xuất dao kéo làm từ bánh quy.
Hơn cả bảo vệ môi trường
Swati Singh Sambyal, quản lý chương trình mà Hedge tham gia tại Trung tâm Khoa học và Môi trường (Centre for Science and Environment) còn cho biết, các loài động vật thường tưởng nhầm túi nhựa là thức ăn: “Theo ước tính, trung bình có khoảng 30kg túi nilon được tìm thấy trong bụng của những con bò ở vùng nông thôn. Người dân thường bỏ đồ ăn thừa vào túi nhựa để vứt đi. Các loài động vật lại tìm thấy và ăn cả túi lẫn thức ăn. Nhựa không thể tiêu hóa được tích tụ lại trong bụng con vật khiến dạ dày của nó không còn chỗ chứa thức ăn. Nhìn bên ngoài, những con vật này có vẻ khỏe mạnh, nhưng sự thật là chúng đang từ từ chết đi trong chậm rãi và đau đớn vì đói”.
Ở các thành phố khác, tình hình còn tệ hơn, bà Sambyal nói: “Mỗi ngày, có đến 15.000 tấn nhựa thải ra trên cả nước. Nhưng chỉ có 9.000 tấn được đem về các bãi rác để tiêu hủy".
Rác thải trên một cái hồ ở Bangalore, nơi dân số ngày càng đông hơn từ những năm 1990 kéo theo sự gia tăng rác thải. (Nguồn: The Guardian) |
Năm ngoái, công ty của Hedge, Envigreen đã chính thức giới thiệu dòng sản phẩm nhựa bao gồm túi, khăn y tế và các sản phẩm bao bì. Anh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các nhãn hàng lớn như L’Oréal, Metro Cash & Carry và Reliance. Mặc dù quy trình sản xuất túi nhựa hữu cơ của Hedge không được tiết lộ, nhưng nó hoàn toàn đảm bảo tính an toàn. Ban Kiểm Soát Ô Nhiễm (Pollution Control Board) và Viện Công Nghệ Và Kỹ Thuật Sản Xuất Nhựa (Central Institute of Plastics Engineering and Technology) đã cấp chứng nhận sản phẩm này dễ phân hủy và an toàn cho các động vật nếu ăn phải.
Hiện nay, Hedge đã phải mở rộng quy mô nhà máy của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Anh hy vọng sản phẩm túi nhựa của mình có thể vươn xa hơn cả Bengaluru: “Ước mơ của tôi là đưa sản phẩm của mình có mặt trên toàn thế giới”.