📞

Từng bất chấp trừng phạt mua khí đốt Nga, một nước châu Âu đang quyết tâm rời xa Gazprom

Linh Chi 14:20 | 14/02/2024
Áo đang tìm cách đẩy nhanh việc chấm dứt quan hệ khí đốt với Nga - một động thái có thể làm giảm bớt sự phụ thuộc của Vienna vào Moscow về nguồn cung cấp năng lượng.
Áo vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. (Nguồn: TASS)

Ngày 12/2, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler đã công bố kế hoạch buộc các công ty năng lượng trong nước từ từ loại bỏ khí đốt của Nga và tìm kiếm các phương án chấm dứt sớm hợp đồng khí đốt dài hạn của nước này với Moscow.

Hợp đồng của Áo với Gazprom sẽ kéo dài tới 2040.

Bất chấp xung đột, Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt cho trung tâm khí đốt Baumgarten của OMV thông qua các đường ống dẫn khí chạy khắp Ukraine.

Bà Leonore Gewessler nói trong một tuyên bố: “Sự phụ thuộc của chúng tôi vào khí đốt tự nhiên của Nga đe dọa sự thịnh vượng, an ninh và tương lai của đất nước. Sự phụ thuộc của đất nước vào Moscow là 'một thất bại thị trường rõ ràng' và giờ đây nhà nước phải vào cuộc".

Liên minh châu Âu (EU) muốn loại bỏ dần việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, Áo vẫn là một trong những quốc gia trong khối phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Moscow.

Áo là quốc gia Trung Âu đầu tiên ký hợp đồng khí đốt với Liên Xô vào năm 1968 và trong nhiều thập niên đã phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt từ Nga.

Năm 2022, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cảnh báo, việc cắt đứt ngay lập tức khí đốt Nga sẽ dẫn đến sự hủy hoại kinh tế và thất nghiệp hàng loạt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cũng từng thừa nhận nước này chưa thể cấm nhập khẩu khí đốt từ Moscow bởi “Áo phụ thuộc 80% vào khí đốt của Nga".

Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu, 80% lượng dầu khí của Áo có nguồn gốc từ Nga. Tính đến tháng 5/2023, khoảng 50% lượng khí đốt ở Áo vẫn được nhập khẩu từ Nga. Và đến tháng 12/2023, mức độ phụ thuộc khí đốt của nước này vào Nga đã tăng lên 98% - mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.

Áo đã phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi hơn vì duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga.

Tháng 12/2023, Vienna đe dọa sẽ hủy bỏ gói trừng phạt thứ 12 của Brussels. Nguyên nhân khiến Áo không đồng ý là do Ukraine đã đưa Ngân hàng quốc tế Raiffeisen của Áo vào danh sách các "nhà tài trợ chiến tranh quốc tế".

Theo đề xuất mới của Bộ trưởng Gewessler, các công ty khí đốt của Áo sẽ phải chứng tỏ rằng, họ đang dần tăng tỷ trọng của các dòng khí đốt không phải của Nga.

Chính phủ cũng sẽ tiến hành một nghiên cứu độc lập đánh giá chi phí chấm dứt hợp đồng dài hạn giữa tập đoàn xuất khẩu khí đốt khổng lồ Gazprom (Nga) và công ty năng lượng một phần thuộc sở hữu nhà nước OMV (Áo).

Florian Stangl, luật sư năng lượng người Áo tại NHP Rechtsanwälte nhận thấy, vấn đề còn khúc mắc là việc chấm dứt hợp đồng dài hạn có thể sẽ gây ra khoản phí bồi thường hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ Euro.

Ông nói: "Khả năng duy nhất để tránh điều này là thông qua luật cấm nhập khẩu khí đốt của Nga và điều này có thể dẫn đến việc Gazprom khởi kiện OMV".

"Áo có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước trong năm 2025, dù không có nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, việc ổn định giá khí đốt về lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua các đường ống dẫn khí mới", Walter Boltz - cựu quan chức quản lý người Áo, hiện là cố vấn năng lượng cấp cao cho Baker & Mckenzie LLP.

Cùng quan điểm, người phát ngôn của OMV thông tin, để chấm dứt hợp đồng dài hạn với Gazprom, trước tiên phải tạo ra một khuôn khổ chính sách để loại bỏ khí đốt của Moscow.

“Nếu cần, OMV có thể cung cấp cho khách hàng của mình ở Áo 100% khí đốt không phải khí đốt của Nga", người phát ngôn của OMV nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, Bloomberg tiết lộ, Gas Connect Austria GmbH - công ty sở hữu và vận hành mạng lưới đường ống dẫn khí nội địa đông - tây của Áo đã bắt đầu tăng công suất sang Đức.

Hệ thống đường ống dẫn khí WAG LOOP 1 có thể cung cấp 27 terawatt giờ khí đốt - tương đương khoảng 1/3 nhu cầu hàng năm. Tuy nhiên, đường ống này phải đến năm 2027 mới sẵn sàng hoạt động.

Walter Boltz - cựu quan chức quản lý người Áo, hiện là cố vấn năng lượng cấp cao cho Baker & Mckenzie LLP cho rằng, Áo có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước trong năm 2025, dù không có nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, việc ổn định giá khí đốt về lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua các đường ống dẫn khí mới.

Ông nhấn mạnh: "Rủi ro trong năm 2025 và 2026 là không tới mức không có khí đốt nhưng giá có thể lại khá cao. Vienna cần tránh một cuộc khủng hoảng giá khác".

(theo Politico)