Việt Nam hiện có gần 60.000 nghìn ha vải, sản lượng khoảng 300.000 - 350.000 tấn/năm. Nhiều vùng trồng vải tập trung đã được hình thành tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn...
Cây vải đã trở thành một cây ăn quả đặc sản chủ lực, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, làm nhiều vùng quê trở lên trù phú và một số nơi đã giúp giảm nghèo cho người dân, cải thiện môi trường và hình thành các vùng du lịch sinh thái.
Sản phẩm vải quả ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Thuỵ Điển; Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và một số nước Châu Âu...
Tại Hải Dương, với nòng cốt là vùng vải thiều Thanh Hà, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm, mà một trong những sản phẩm chủ lực là vải quả, chú trọng ứng dụng tiến bộ công nghệ, nâng cao chất lượng giống vải, sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, tạo ra những sản phẩm quả vải có giá trị cao; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để quảng bá, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại.
Vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các yêu cầu cho xuất khẩu.
Truy xuất nguồn gốc vài thiều Thanh Hà bằng điện thoại thông minh. (Nguồn: VGP) |
Theo các tài liệu cổ, vải thiều đã được trồng tại huyện Thanh Hà cách đây khoảng 200 năm, từ vùng đất Thanh Hà, vải thiều được nhân giống ra trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước. Tuy nhiên, do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước, nên vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà mang hương vị đặc trưng “hương thơm, vị ngọt”.
Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương khoảng 10.500 ha tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiều khoảng 40.000 tấn). Đặc biệt sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU... đạt khoảng 1.000 tấn.
Riêng diện tích vải thiều của huyện Thanh Hà khoảng 4.000 ha áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trong đó có 1.000 ha là vải chín sớm, ước sản lượng 15.000- 18.000 tấn, còn lại hơn 10.000 tấn là vải chín muộn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái bày tỏ: Năm 2018, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà với nhiều hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi và chào đón các doanh nghiệp, các siêu thị, chợ đầu mối, các thương nhân trong nước và quốc tế về với Hải Dương để tìm hiểu thị trường, tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa đối với các doanh nghiệp các siêu thị, chợ đầu mối, các thương nhân trong nước và quốc tế đến với Hải Dương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ hội. (Nguồn: VGP) |
Phát biểu tại lễ hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại cách đây gần 4 năm khi lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng người dân Thanh Hà đưa cây vải thiều ra cả nước, trước hết vào trong miền Nam. Từ đó đến nay giá trị cây vải thiều, cùng hình ảnh của người dân Thanh Hà, Hải Dương được nhiều nơi biết đến hơn.
Chia sẻ niềm vui khi vải thiều Thanh Hà, vải thiều của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước kể cả những thị trường khó tính nhất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với các kinh nghiệm canh tác, chăm sóc cây vải từ trước đến nay cần nghiên cứu để áp dụng các biện pháp mới trong canh tác, bảo quản chế biến, đáp ứng những yêu cầu thương mại khắt khe như: Sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất nguồn gốc, đổi mới công tác tiếp thị để sao cho sản phẩm này lan tỏa tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn cho người dân, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là tại các vùng thuần nông.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các địa phương, các vùng nông nghiệp đặc sản cần tính tới việc huy lợi thế, tiềm năng du lịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, gắn liền với văn hóa, cải thiện môi trường và hình thành các vùng du lịch sinh thái.
“Đảng, Nhà nước đã quyết định sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy triệt để lợi thế về văn hóa ở Việt Nam từ đó phát triển rất nhiều sản phẩm du lịch. Trong phát triển sản phẩm du lịch có sản phẩm du lịch nông nghiệp liên quan đến ẩm thực, miệt vườn”, Phó Thủ tướng nói.