Dù chưa được phê duyệt chính thức, gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Nga đã lại vấp phải sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên.
Có ý kiến cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới nhất này có thể đánh dấu một sự thay đổi chiến lược của EU, vá hết những lỗ hổng" do các vòng trừng phạt trước đây để sót lại.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Zelensky tại Kiev. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, trong giới phê bình có cảnh báo rằng, vòng trừng phạt thứ 12 này vẫn có khả năng "gậy ông lại đập lưng ông", do sẽ tác động trực tiếp tới chính các ngành công nghiệp của EU và người tiêu dùng của khu vực này, nhiều hơn các nhà xuất khẩu Nga.
Chẳng hạn, dây nhôm từ Nga là hàng hóa thiết yếu trong các dự án năng lượng tái tạo, cũng là mặt hàng nhập khẩu đáng kể của EU. Có thể kể tên các nhà nhập khẩu lớn, bao gồm Ba Lan, Tây Ban Nha và Italy.
Lệnh cấm tiềm năng đối với loại hàng nhập khẩu như thế này có thể dẫn đến tăng giá, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất EU so với các đối tác toàn cầu. Thậm chí, thanh dây nhôm của Nga được coi là thân thiện với môi trường hơn và việc loại trừ chúng có thể làm tăng lượng khí thải carbon của EU – việc này, trái với mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Do vậy, thỏa thuận xanh của EU bỗng mở ra thêm cuộc tranh luận mới, rất sôi nổi?
Vậy, có phải tiêu chuẩn cao trong Thỏa thuận xanh của EU là một trở ngại lớn khiến EU chùn bước trong quyết định trừng phạt Nga?
Không… Thỏa thuận Xanh của EU thực sự không phải là vấn đề "nặng ký" trong số hàng tá các vấn đề khiến EU phải lo ngại. Bởi xét cho cùng, những quốc gia phát thải CO2 lớn nhất ở EU vẫn đang được miễn phí phát thải gây tổn hại đến môi trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như công dân EU.
Với lượng khí thải CO2 lý tưởng - được cho là giảm tới 70% từ nhôm của Nga, có khả năng "bị lờ đi". Câu hỏi phản biện được đặt ra với chính EU là - tại sao thế giới lại tiếp tục bị ép phải trả giá cho "tội lỗi" về môi trường do các nhà sản xuất thép, sản xuất xi măng và nhôm ở bên ngoài EU?
CH. Czech - một trung tâm sản xuất ô tô lớn - sở hữu rất nhiều doanh nghiệp có phụ thuộc lớn vào thép để sản xuất sản phẩm chủ lực này. Ngược lại, ngành ô tô cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế Czech, đóng góp tới khoảng 10% vào GDP, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Trong khi đó, Novolipetsk của Nga là một nhà cung cấp thép quan trọng cho các doanh nghiệp Czech. Công ty thép của Nga phát triển phần lớn hoạt động cán thép ở châu Âu, bao gồm Bỉ, Pháp và taly.
Đối mặt với chi phí năng lượng ngày càng tăng và những thách thức trong việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho thép Nga, CH. Czech đang tìm cách kéo dài thời gian chuyển tiếp cấm nhập khẩu thép Nga cho đến năm 2028. Đây là một trong những ví dụ thực tế cho thấy rõ những khó khăn mà các công ty châu Âu gặp phải trong việc thay thế các sản phẩm thép của Nga.
Điều gì đang xảy ra trong quan điểm của các nhà cầm quyền ở châu Âu?
Tại sao liên tục phải có những trường hợp ngoại lệ được đưa ra, đặc biệt là khi ngành thép của EU được cho là có tình trạng dư thừa công suất lớn thứ hai thế giới? Có phải họ thà để lại một cách cửa còn hơn là đóng chặt?
Tại sao thay vì hợp tác với các đối tác, bao gồm cả các đồng minh ở châu Á, họ lại chọn cách bảo vệ thị trường trong nước bằng các lý do không được cho là hợp lý…
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, trong bối cảnh, vòng trừng phạt thứ 11 (kể từ tháng 2/2022) mà EU áp đặt lên Nga từ tháng 6/2023 vẫn để lộ nhiều khe hở,được cho là đã bị Moscow tận dụng để "lách luật", từ giới hạn giá đối với dầu thô của Nga, hay các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của EU đối với việc nhập khẩu vi mạch vào Nga... Và kể cả việc thường xuyên bị đồng minh Ukraine hối thúc ra các biện pháp mới thắt chặt hơn nữa kinh tế Nga.
Theo bình luận của giới quan sát, thêm một gói trừng phạt mới chống lại Moscow, dường như cũng khiến EC bối rối, bởi nó cũng gây áp lực lên chính các nhà lãnh đạo EU, chả kém với đối tượng sắp bị tung thêm đòn trừng phạt, nếu không muốn nói là nhiều hơn.
Ngày 4/11, trong một bài phát biểu tại Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, cho biết, “Tuần tới, chúng tôi sẽ công bố gói trừng phạt thứ 12 chống lại Nga”. Tuy nhiên, gần 2 tuần trôi qua, các giới hạn chống Nga vẫn còn bỏ ngỏ, khi nghiều thành viên EU đều có các ”trường hợp ngoại lệ” giống như bài toán thép nói trên.
Đây là chuyến thăm Ukraine lần thứ sáu của Chủ tịch EC kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Trên mạng xã hội X, bà Ursula von der Leyen đăng một bức ảnh chụp chung với ông Zelensky và thông báo: “Tôi đang ở đây để thảo luận khả năng Ukraine gia nhập EU”.
Tuy nhiên, để chính thức trở thành thành viên EU, Ukraine không chỉ phải vượt qua nhiều cải cách về mặt chính trị và pháp lý sao cho phù hợp những tiêu chuẩn mà khối này đề ra. Đơn xin gia nhập EU còn cần toàn bộ 27 thành viên của khối này thông qua. Trong đó, có những thành viên rất khó thuyết phục, như Hungary – quốc gia theo đuổi đường lối trung lập trong xung đột Nga-Ukraine.
EU hiện đã cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine trong năm qua và cam kết gửi khí tài hạng nặng đến nước này. Tuy nhiên, đây là một gánh nặng tài chính rất lớn của khối mà không phải quốc gia thành viên nào cũng ủng hộ.
Bởi vậy theo giới quan sát, chuyến thăm tới Kiev của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được xem là phục vụ một kế hoạch nước đôi.