📞

“Từng người tài trí chưa đủ cho trí tuệ Việt”

13:43 | 14/01/2013
Với kiến thức, kinh nghiệm về ngành giáo dục của Pháp, PGS.TS Nguyễn Đức Khương - Giảng viên tài chính, Học viện thương mại Paris đã đưa ra suy nghĩ về vai trò của các trí thức Việt Nam nói chung, và người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) nói riêng trong công cuộc cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục - vấn đề cấp bách ở nước ta.
Nguồn lực tri thức của nước ta, kể cả NVNONN là rất lớn.

Rất nhiều người cho rằng nguồn lực tri thức của nước ta, kể cả NVNONN là rất lớn, trong khi đó hệ thống giáo dục của Việt Nam lại có nhiều bất cập, đặc biệt là ở giáo dục đại học. Nguồn lực tri thức là một trong nhiều yếu tố cấu thành nên chất lượng của một hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, nguồn lực có thể tốt nhưng sử dụng nguồn lực không đúng nơi đúng chỗ cũng không phát huy được tác dụng.

Trước hết, câu hỏi lớn là phải cải cách, những gì, như thế nào?

Để xây dựng được một hệ thống giáo dục – đào tạo hiện đại, phù hợp với Việt Nam và tương xứng với hệ thống giáo dục của các nước phát triển mà sản phẩm là những con người của xã hội, có trách nhiệm với xã hội, khỏe về thể chất và giàu về trí tuệ. Đây vừa là yêu cầu từ hội nhập và giao thoa giữa các hệ thống giáo dục khác nhau, vừa là cơ sở của phát triển bền vững.

Để làm được điều này chắc chắn chúng ta sẽ phải quyết tâm cải cách triệt để, đồng bộ, nhưng không tràn lan, có điểm nhấn, kết hợp tăng cường thể chất và tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên của mỗi người. Cụ thể, thế nào là cải cách triệt để? Tức là phải quan tâm đến mọi khía cạnh của cải cách, chủ yếu bao gồm triết lý giáo dục (giáo dục để làm gì, phục vụ vấn đề gì, làm thế nào để đánh giá được chất lượng giáo dục và đào tạo), giáo trình, chất lượng giáo viên, điều kiện giảng dạy và nghiên cứu theo chuẩn quốc tế (hoặc chí ít hướng phát triển theo những tiêu chuẩn quốc tế). Trong lĩnh vực khoa học kinh tế mà tôi biết, phần nhiều các giáo trình rất yếu và lạc hậu so với thế giới, trong khi sinh viên của chúng ta có đầy đủ các phẩm chất để học tập các kiến thức hiện đại nhất. Nhiều GS khác trong ngành cũng chia sẻ nhận định này. Thiếu hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học chính là một sự cản trở lớn cho việc cập nhật giáo trình.

Vậy thì trí thức NVONN có thể đóng vai trò gì trong công cuộc cải cách và đổi mới hệ thống giáo dục ?

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không ngừng lớn mạnh trong những năm qua, với đội ngũ trí thức trẻ trưởng thành từ những du học sinh. Một lực lượng không nhỏ trong cộng đồng là những nhà khoa học công tác tại các trường ĐH, cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu hoặc là các kỹ sư, chuyên gia công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến và làm việc cọ sát với đồng nghiệp quốc tế là hai điểm mạnh giúp họ có thể đóng góp nhiều và trực tiếp vào công cuộc cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục của nước ta.

Cụ thể hơn, chuyên gia và trí thức người Việt ở nước ngoài có thể tham gia vào các khâu tư vấn chiến lược, đóng góp ý kiến, cộng tác viên cho các dự án cải cách, giới thiệu chuyên gia nước ngoài, và đặc biệt là tham gia vào các dự án xây dựng và phát triển các Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nghiên cứu chính là một trong số ít những chỉ tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng đánh giá chất lượng các đại học trên thế giới. Tôi nghĩ là nếu sử dụng đúng, hợp lý thì nước ta có thể tiết kiệm được nhiều kinh phí gửi các đoàn đi công tác nước ngoài, đôi khi vì ngắn ngày quá mà cũng chỉ nắm bắt, tìm hiểu được qua loa đại khái các vấn đề quan tâm.

Làm thế nào để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức NVONN?

Tôi nghĩ việc thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài là không khó. Đại bộ phận là quan tâm đến sự phát triển của nước nhà và luôn đặt câu hỏi mình có thể làm gì để đóng góp, xây dựng đất nước. Trước hết và quan trọng nhất là thiết lập được một môi trường trọng dụng trí thức, người có năng lực, đưa họ vào những dự án và chương trình cụ thể, ví dụ tham gia xây dựng mô hình, soạn thảo chương trình, cộng tác nghiên cứu, tham gia giảng dạy. Đó phải là một môi trường cho phép một cơ chế tuyển dụng dựa trên năng lực và tài năng, có nhiều hình thức hợp tác giữa trí thức trong và ngoài nước, và đảm bảo phát huy được tính sáng tạo và năng lực chuyên môn. Tất nhiên, các cơ quan được Nhà nước và Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện công tác vận động, thu hút và sử dụng trí thức người Việt ở nước ngoài phải hoàn thành tốt các chức năng của mình.

Nếu để tóm lược những suy nghĩ trên, tôi nghĩ rằng yêu cầu cơ bản đối với một hệ thống giáo dục tốt là phải cho ra được những “sản phẩm đào tạo” phục vụ cho nhu cầu phát triển và tiến bộ xã hội ở nước ta. Đặc tính cơ bản của “sản phẩm” này là năng lực chuyên môn vững vàng, thể chất – sức khỏe tốt, cộng với ý thức trách nhiệm và chỉ số năng lực hoạt động xã hội cao. Chúng ta không nên sa đà vào việc phát triển nóng vội, không cân đối bởi vì những hệ lụy của nó rất lớn. Tôi tin rằng tài năng thôi thì sẽ không đủ và rất tâm niệm với ý kiến của GS Hoàng Tụy, đó là “Từng người tài trí chưa đủ cho trí tuệ Việt”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khương