Nông dân thu hoạch lúa mì tại Nga. (Nguồn: AFP) |
Bất chấp tuyên bố của Moscow rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã "bóp nghẹt" hoạt động xuất khẩu lương thực, thị phần của Nga trên thị trường lúa mì toàn cầu vẫn tăng lên đáng kể kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Lúa mì là sức mạnh mềm
Năm nay, Nga dự kiến sẽ có vụ thu hoạch lúa mì bội thu với sản lượng kỷ lục. Đây là năm thứ hai liên tiếp quốc gia này đạt được thành công như vậy.
Theo dữ liệu từ S&P Global, Nga sẽ xuất khẩu 47,2 triệu tấn lúa mì trong niên vụ hiện tại, bắt đầu vào mùa Hè. Con số này sẽ chiếm tới 22,5% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu - một thị phần dẫn đầu thị trường. Hai năm trước, Nga xuất khẩu 32,6 triệu tấn, chiếm 16% thị trường.
Trong cùng thời kỳ, tỷ trọng xuất khẩu lúa mì toàn cầu của Ukraine đã giảm từ 9% xuống mức dự kiến là hơn 6%.
Hãng tin Bloomberg nhận thấy, số liệu trên tiếp tục củng cố vị thế của Nga trên thị trường toàn cầu với tư cách là nhà xuất khẩu số một.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) diễn ra vào cuối tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng: “Đất nước của chúng tôi có khả năng thay thế ngũ cốc của Ukraine, cả về mặt thương mại lẫn viện trợ miễn phí cho các nước nghèo”.
Bà Caitlin Welsh, Giám đốc chương trình an ninh nước và lương thực toàn cầu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đánh giá: "Nga đang nhắm đến việc 'xóa sổ' ngành nông nghiệp của Ukraine.
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine. Trước chiến dịch quân sự, lĩnh vực này chiếm 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đất nước của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Đây sẽ là một phần thưởng lớn đối với Moscow".
Theo các chuyên gia, cam kết “viện trợ miễn phí ngũ cốc cho các nước nghèo” được Tổng thống Putin nhấn mạnh, phản ánh mong muốn của Moscow trong việc tiếp tục xây dựng liên minh với các nước đang phát triển - đặc biệt là với các quốc gia châu Phi.
Những bình luận đó được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (ngày 17/7) - vốn nhằm đảm bảo việc đi lại an toàn của các tàu chở ngũ cốc từ các cảng Ukraine.
Một số nhà phân tích cho biết, việc Moscow rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc là một thử thách lớn mới đối với "mặt trận" thống nhất của châu Âu trong việc hỗ trợ Kiev.
Tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hướng dương của Ukraine sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Romania. Các nước này cho biết, ngũ cốc giá rẻ, được miễn thuế từ Ukraine "đổ bộ" đang khiến sản phẩm sản xuất trong nước mất giá, gây ảnh hưởng tới nông dân địa phương và nền kinh tế.
Nông dân ở 5 quốc gia láng giềng Ukraine cũng đã nhiều lần biểu tình phản đối về tình trạng dư thừa sản phẩm ngũ cốc ở thị trường trong nước, gây ảnh hưởng đến giá cả nông sản, đẩy người dân và doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Lệnh cấm này đã hết hạn ngày 15/9 vừa qua và EC đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế tạm thời áp đặt đối với ngũ cốc của Ukraine. Mặc dù vậy, Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn quyết quyết đưa ra các hạn chế đơn phương đối với việc nhập khẩu ngũ cốc từ đất nước này.
Khi EU từ chối gia hạn các biện pháp hạn chế, một số quốc gia đã đơn phương ban hành lệnh cấm nhập khẩu, điều này đã khiến Kiev xích mích với đồng minh trung thành - Ba Lan.
Bà Caitlin Welsh nhận định: “Nga được hưởng lợi từ sự mất đoàn kết tiềm ẩn của các nước EU".
Đến thời điểm hiện tại, căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan đã giảm bớt. Hai bên đã nhất trí đẩy nhanh quá trình quá cảnh ngũ cốc của Kiev sang các nước thứ ba.
Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa mì ở vùng Novosibirsk thuộc Siberia vào tháng 9. (Nguồn: AFP) |
Giá lúa mì giảm nhờ "vựa ngũ cốc đầy tràn"
Xuất khẩu lúa mì của Nga đang đạt mức cao nhất mọi thời đại. Vào tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán, Moscow sẽ xuất khẩu kỷ lục 46 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2022-2023.
Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra, giá lúa mì đã tăng đột biến và giảm dần sau đó. Cuối tháng trước, giá mặt hàng này chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm. Các chuyên gia nhận định, chính việc xuất khẩu kỷ lục lúa mì của Nga đã giúp giá giảm.
Bloomberg cho hay, "vựa ngũ cốc đầy tràn” của Nga là điều may mắn cho những người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt. Khối lượng giao hàng kỷ lục đã khiến giá giảm kỷ lục trong gần 3 năm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu kỷ lục có thể không đảm bảo rằng, Nga giữ được doanh thu kỷ lục.
Ông Andrey Sizov, người điều hành SovEcon - một công ty tư vấn cho ngành công nghiệp lúa mì và ngô - lưu ý, Moscow đã cố gắng thực thi một mức giá sàn không chính thức đối với lúa mì xuất khẩu. Reuters trích dẫn hai nguồn tin cho hay, chính phủ Nga muốn các nhà xuất khẩu đảm bảo, giá trả cho nông dân đủ cao để trang trải chi phí sản xuất trung bình.
Nhưng những "người chơi" khác đang tham gia vào thị trường và cạnh tranh với Nga. Theo ông Sizov, một cuộc đấu thầu bán lúa mì sang Ai Cập được theo dõi chặt chẽ gần đây đã thuộc về Romania, nước đưa ra mức giá 256 USD/tấn, trong khi người bán ở Nga đưa ra mức giá 270 USD/tấn.
Ông Paul Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp tại S&P Global tin rằng, thách thức lớn nhất của Nga sẽ đến nếu người bán ở EU - một nhà xuất khẩu lúa mì lớn khác - hạ giá mặt hàng này.
Ông khẳng định: "Khi đó, Nga sẽ có lựa chọn. Một là duy trì mức sàn giá xuất khẩu và từ bỏ thị phần xuất khẩu sang EU. Hai là từ bỏ mức sàn, giảm giá và duy trì tốc độ xuất khẩu".
Hiện tại, không thể phủ nhận, Ukraine đã rơi vào tình thế khó khăn. S&P Global dự kiến, xuất khẩu lúa mì của họ sẽ giảm 3,7 triệu tấn xuống còn 13,4 triệu tấn trong năm 2023-2024, mức thấp nhất trong 9 năm.
"Việc nguồn cung lúa mì toàn cầu giảm đáng kể, giá vẫn có thể được nâng lên. Và nếu giá lúa mì tăng, Nga sẽ có đủ điều kiện để hưởng lợi", bà Welsh bình luận.