📞

Tunisia 7 năm sau “Mùa xuân Ảrập”

07:20 | 21/01/2018
Một mùa xuân Ảrập là chưa đủ để hồi sinh quốc gia đang ngày càng chìm sâu vào nghèo khó và bất ổn. 

Tài chính eo hẹp, thất nghiệp leo thang càng làm gia tăng sự bất mãn và tức giận trong lòng xã hội Tunisia. Thay vì ăn mừng tự do, người dân Tunsia kỷ niệm 7 năm “mùa xuân Ảrập” bằng các cuộc biểu tình bạo lực rộng khắp đất nước chống Chính phủ trong những ngày qua.

Người dân biểu tình trên đường phố Tunis ngày 14/1. (Nguồn: AP)

Ngày 14/1, hàng trăm người đã đổ xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của Nghiệp đoàn Lao động (UGTT) và một số đảng chính trị khác. Cuộc biểu tình nhằm phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” cùng việc tăng giá lương thực, thuế và các khoản đóng góp xã hội, vốn có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Chính thức bùng phát từ ngày 8/1, các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhỏ đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Nhiều người đã bị thương, trong đó có 97 nhân viên an ninh. Gần 780 phần tử quá khích bị bắt giữ, hàng chục xe cảnh sát hư hỏng nặng, 2 trạm cảnh sát bị đốt cháy… Cuộc biểu đình “xông đất” đầu năm 2018 này là “giọt nước tràn ly” cho những bất mãn và giận dữ âm ỉ suốt 7 năm qua tại Tusinia. 

Ngày 14/1/2011, làn sóng “Mùa xuân Ảrập” đã lật đổ 23 năm thống trị độc tài của Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali, buộc ông phải bỏ trốn ra nước ngoài. Người dân Tunisia bắt đầu hy vọng về giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn của đất nước, khi Chính phủ mới sẽ tạo ra nhiều việc làm, trợ cấp, an sinh xã hội và kéo theo nhiều yếu tố tích cực khác. 

Tuy nhiên, đã trải qua sáu Chính phủ khác nhau, nhưng nền chính trị vá víu của Tunisia vẫn chưa thể tìm được lời giải cho các khoản nợ khổng lồ, ngành du lịch trì trệ và hạ nhiệt cơn giận dữ nơi người dân.

Từ năm 2011, tình trạng kinh tế của Tunisia ngày càng trở nên tồi tệ. Nợ công từ mức tương đương 39,2% GDP trong năm 2010 đã lên tới 60,6% vào năm 2016. Đồng nội tệ dinar giảm 40% giá trị so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao, trong khi giá cả các loại hàng cơ bản liên tục tăng. Người dân Tunisia thuộc mọi tầng lớp đều phàn nàn về điều kiện sinh hoạt ngày càng đi xuống.

Đáng quan ngại hơn, một số chính đảng đã lợi dụng sự tức giận của người dân để giành lấy quyền lực với nhiều hứa hẹn, để rồi thất bại trong giải quyết vấn đề kinh tế. Vòng luẩn quẩn tiếp diễn, đẩy Tunisia tiếp tục lún sâu vào bất ổn. Những khẩu hiệu của năm 2011 về “Việc làm, Tự do và Nhân phẩm” vẫn tiếp tục vang lên trên đường phố Tunis.

Nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của người biểu tình trước đạo luật tài chính mới, ngày 13/1 Tunis đã tuyên bố kế hoạch tăng viện trợ cho người nghèo và cung cấp nhà ở cho những gia đình khó khăn. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng tại quốc gia này sẽ sớm lắng dịu.

Chính phủ nhiều nước châu Âu đã cảnh báo công dân không nên đến Tunisia du lịch vào thời điểm này. Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn ở Tunisia, đồng thời kêu gọi giới chức nước này sớm ổn định tình hình.

Hiện tại, việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Tunisia đã trở nên cực kỳ cấp bách. Chỉ mới đầu năm 2018, nhưng nhiều người dân Tunisia đã hướng về cuộc bầu cử năm 2019, với hy vọng tìm kiếm một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm, đưa quốc gia này thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng.