Các đại biểu tham dự phiên họp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 18/9, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ (diễn ra từ ngày 9/9-11/10), ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển, đã có phiên đối thoại với các nước về các hoạt động của mình trong năm vừa qua.
Liên quan đến chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9-15/11/2023, Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã cảm ơn sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan và các tổ chức liên quan trong suốt chuyến thăm; khẳng định đã chứng kiến những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế, triển khai các chương trình an sinh xã hội.
Ông Surya Deva cũng khẳng định, Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển hạ tầng có khả năng chống chịu và tăng cường đổi mới sáng tạo, đồng thời đánh giá cao cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều của Chính phủ Việt Nam.
Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển trình bày tại phiên họp. (Nguồn: TTXVN) |
Phát biểu tại Phiên đối thoại, Đại sứ Mai Phan Dũng,Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ), khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền phát triển. Việt Nam luôn đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển, với tư cách là chủ thể, động lực và người thụ hưởng. Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Đây cũng là điều mà Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã trực tiếp chứng kiến, lắng nghe trong chuyến thăm của mình đến Việt Nam.
Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu tại phiên họp. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam cho rằng chuyến thăm đã diễn ra thành công và đánh giá cao đối thoại mang tính xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin về hiện thực hóa quyền phát triển và các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đánh giá cao quan điểm tích cực của Báo cáo viên đặc biệt về những thành tựu, cam kết và tầm nhìn của Việt Nam trong việc phát triển toàn diện quốc gia, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và đảm bảo sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi của người dân trong quá trình phát triển.
Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng việc tạo điều kiện cho người dân tham gia và đóng góp vào mọi quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi” là những nguyên tắc quan trọng, được thể chế hóa và hiện thực hóa thông qua nhiều khuôn khổ trong nước.
Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu tại phiên họp. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ cũng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững, bao gồm ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phát triển nền kinh tế xanh và tuần hoàn; tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu; hoàn thiện các thể chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính công; thúc đẩy sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương vào quá trình ra quyết định; tiếp tục cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững; cải thiện tính khả dụng của dữ liệu để tăng cường giám sát tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; và huy động tất cả các bên liên quan cũng như hợp tác với các đối tác để đạt được các Mục tiêu cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Cuối cùng, Đại sứ khẳng định sự ủng hộ đối với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển và mong muốn tiếp tục hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển Surya Deva, đã có chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 9-15/11/2023. Kết thúc chuyến thăm, ông đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng bao phủ an sinh xã hội. Ông nhấn mạnh Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng trong giảm nghèo đa chiều dù đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và môi trường quốc tế bất ổn, và đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải để đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững. |
| Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ: Việt Nam khẳng định chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm Việt Nam cho rằng, cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế để giải ... |
| Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, khẳng định biến đổi khí hậu đang gây ra tác ... |
| Nhận diện thách thức, thúc đẩy các giải pháp bảo đảm quyền con người Ngày 15/8, Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ... |
| Amanda Nguyễn: Từ bước chân đi tìm công lý đến đôi cánh rực rỡ giữa những vì sao Nhà hoạt động nhân quyền, nữ phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyễn không chỉ là ngọn lửa đấu tranh kiên trì mà còn là ... |
| Việt Nam luôn là đối tác chiến lược tin cậy và thành viên tích cực của UNESCO Chiều 6/9, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã ... |