Airbnb tuy đã có sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng vẫn chưa có gì là chắc chắn. (Nguồn: Airbnb) |
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của thế giới, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là ngành du lịch và lưu trú. Trong đó, nền tảng kết nối chủ thuê nhà với khách hàng Airbnb cũng không phải là ngoại lệ.
“Hấp hối” hoạt động
Airbnb là một trong những công ty cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới. Theo Reuters, Airbnb được thành lập vào năm 2008 và đến nay huy động được tổng cộng 4,4 tỷ USD vốn đầu tư. Thống kê gần đây nhất cho thấy, công ty hiện có hơn 2 triệu chỗ nghỉ ở hơn 190 quốc gia và 34.000 thành phố trên khắp thế giới. Ước tính, doanh thu từ phí đặt phòng của startup này trong năm 2019 đã vượt 4,8 tỷ USD.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, người dân không thể đi du lịch, hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do lượng khách giảm mạnh. Theo số liệu của trang phân tích thị trường cho thuê phòng ngắn hạn AirDNA, lượng đặt qua Airbnb giảm khoảng 33-36% (trong khi các khách sạn giảm 17,5%).
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng Năm, Airbnb thông báo lỗ hàng trăm triệu USD, dự kiến doanh thu năm nay sẽ thấp hơn một nửa so với năm 2019.
Tình hình tồi tệ đến mức, hồi tháng Năm vừa qua, startup này đã cắt giảm 25% nhân sự, tương đương gần 1.900 người. Gần đây, CEO Brian Chesky đã thông báo với các nhân viên công ty rằng Airbnb đã hạ giá trị công ty xuống 26 tỷ USD, thấp hơn cả mức 31 tỷ USD được định giá khi Airbnb huy động vốn từ các nhà đầu tư vào tháng 9/2017, theo Financial Times.
Tuy vậy, so với các dịch vụ lưu trú truyền thống, Airbnb hoạt động trong tình trạng chới với nhưng có nhịp độ ổn định, khi thị trường thuê nhà ngắn hạn trở thành thú vui nhất định của những người “thèm thuồng du lịch”, như một cách trốn tránh với thực tại của các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Bất chấp nhiều khó khăn, ngày 19/8, Airbnb đã âm thầm nộp hồ sơ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), vừa giúp cổ phần hóa công ty và giảm trách nhiệm đang đè nặng trên vai CEO Chesky, vừa giúp các nhân viên có thêm thu nhập từ quyền mua cổ phiếu.
Thích ứng với đại dịch
Hoạt động kinh doanh của Airbnb đã phục hồi từ đầu tháng 5. Đến cuối tháng, lượng đặt phòng đã tăng 127%. Đến ngày 8/7, công ty tiết lộ họ đã đạt một triệu đêm đặt phòng. Đây là lần đầu tiên công ty đạt mức trên kể từ đầu tháng Ba.
Theo NYTimes, phần lớn các khách hàng của Airbnb tại Mỹ không muốn đi ra nước ngoài và cũng không muốn tới các khu đô thị đông đúc. Vào lễ Lao động Mỹ vừa qua (thứ Hai đầu tiên của tháng 9), 30% lượng khách chọn lựa thuê các căn nhà ở những khu vực này, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng thuê nhà ở các khu vực thành thị vẫn giảm.
Airbnb vẫn được hưởng lợi từ sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng: Ít người đi du lịch hơn nhưng nhiều người đặt chỗ ở với thời gian dài hơn, từ 1 tuần đến 2 tháng. Với việc hạn chế các hoạt động ăn uống, giải trí cũng như nhiều yếu tố khác của cuộc sống đô thị, rất nhiều cư dân thành phố đã tạm chuyển đến những nơi hẻo lánh hơn để trải nghiệm một cuộc sống khác.
Nhận định về xu hướng mới này, CEO Chesky cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cách mọi người làm việc, du lịch và sống cuộc sống hàng ngày.
Giờ đây, khi đa phần người dân đang học tập và làm việc trực tuyến, họ không còn bị gò bó với văn phòng nữa và có thể đi bất cứ đâu mà vẫn hoàn thành được công việc của mình. “Mọi người đang sống theo phong cách khác và họ có thể chọn sống ở bất cứ đâu”, ông Chesky nói thêm.
Ngoài ra, công ty cũng đã cho ra mắt các chính sách mới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn chưa có chiều hướng giảm. Tháng 8 vừa qua, Airbnb đã yêu cầu các chủ nhà phải lau dọn sạch sẽ và khử khuẩn phòng cho thuê theo hướng dẫn vệ sinh chi tiết của công ty.
Thậm chí, có những chủ nhà phải cam kết không nhận khách mới trong khoảng thời gian 72 giờ sau khi khách cũ đã rời đi. Các chính sách này, theo công ty, nhằm đảm bảo an toàn cho các khách hàng của mình.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Airbnb đã vấp phải không ít điều tiếng, bao gồm: phụ phí vệ sinh quá cao (có trường hợp gấp 2-3 lần tiền thuê phòng), khách hàng bị phân biệt chủng tộc hay người dân xung quanh phàn nàn vì các khách thuê nhà vi phạm các lệnh giãn cách xã hội, cho đến giới truyền thông phàn nàn về hoạt động có phần “mờ ám” của công ty…
Những điều đó khiến cho start-up này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông lớn, gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên các hoạt động trong tương lai.
Không những vậy, Richard Holway, Chủ tịch công ty phân tích TechMarketView, cho rằng Airbnb đang ở trong tình huống vô cùng tồi tệ. Airbnb đơn thuần là một công ty cho thuê nhà ở và khó có thể đa dạng hóa sản phẩm của mình như Uber hay các start-up công nghệ khác.
Như vậy, nếu không có phương án nào thiết thực và khôi phục lại hoạt động sớm, Airbnb không thể làm gì để kiếm ra tiền trong bối cảnh này.
| Trở thành vị khách đặc biệt của bảo tàng Louvre nhờ cuộc thi viết thư Lần đầu tiên có một cặp đôi trẻ tuổi may mắn được biến không gian bảo tàng Louvre trở thành nơi hẹn hò lãng mạn ... |
| Pháp: Airbnb bị kiện vì những quảng cáo chia sẻ nhà Chính quyền thành phố Paris đang kiện công ty chia sẻ dịch vụ thuê nhà Airbnb vì đã không gỡ quảng cáo từ những người ... |
| Website đặt phòng Airbnb “ăn nên làm ra” tại Pháp Trang web Airbnb chuyên cung cấp dịch vụ đặt phòng qua mạng vẫn "thắng lớn" trong năm ngoái bất chấp ngành du lịch khủng hoảng. |