📞

Tương lai của Abenomics - di sản kinh tế của cố Thủ tướng Abe Shinzo

Ngọc Duyên 22:39 | 10/07/2022
Di sản kinh tế của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo gắn liền với nhóm chính sách kinh tế đặc trưng mang tên ông "Abenomics".
Ông Abe đã tìm cách vực dậy nền kinh tế Nhật Bản thông qua nhóm chính sách kinh tế đặc trưng mang tên ông 'Abenomics'. (Nguồn: Reuters)

Rất ít nhà lãnh đạo để lại nhiều di sản như ông Abe Shinzo. Vị Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử của Nhật Bản được nhớ đến nhiều nhất với “Abenomics”, một chiến lược kích thích kinh tế gây tranh cãi nhưng cũng được nhiều nhà kinh tế cho rằng đã giúp nền kinh tế Nhật Bản hồi sinh và lấy lại đà tăng trưởng sau hơn hai thập kỷ đình trệ bởi sự sụp đổ của bong bóng tài sản vào đầu những năm 1990.

“Ông ấy đã gieo hy vọng vào nền kinh tế Nhật Bản. Những ngôi làng nghèo đã biến mất, các giáo viên đại học không lo lắng về cơ hội việc làm của sinh viên… tất cả là nhờ Abenomics”, ông Koichi Hamada, một trong những cựu cố vấn kinh tế của Abe, nói với TIME.

Tạo đà khởi sắc cho nền kinh tế

Để hồi sinh nền kinh tế, ông Abe đã triển khai Abenomics – nhóm chính sách kinh tế gồm 3 mũi tên là nới lỏng tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải tổ cấu trúc quy mô lớn.

Du lịch cũng là một trọng tâm khác, khi ông Abe tìm cách khuyến khích các nguồn chi tiêu mới trong bối cảnh dân số trong nước ngày càng giảm. Những cải cách bao gồm các yêu cầu về thị thực được nới lỏng đã giúp tăng gần gấp bốn lần số du khách quốc tế, lên gần 32 triệu lượt trước khi đại dịch xảy ra.

Dù vẫn có một số nhược điểm, nhìn chung, Abenomics đã thành công một phần trong việc xoay chuyển cục diện của nền kinh tế châu Á lớn thứ ba thế giới này.

Trong nhiệm kỳ của ông Abe Shinzo, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã thực sự khởi sắc từ thời kỳ ảm đạm của những năm 1990 và 2000, xuất khẩu tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất (2,6%) trong nhiều thập kỷ.

Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2017, nền kinh tế của Nhật Bản đã ghi nhận 8 quý tăng trưởng dương liên tiếp - chuỗi tăng trưởng dài nhất trong gần 30 năm.

Dù vậy, chuyên gia kinh tế Kaya Keiichi phân tích, trong suốt gần 8 năm thứ hai khi ông Abe chức Thủ tướng Nhật Bản (không bao gồm năm 2020, khi Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới trật đường ray), tăng trưởng GDP thực tế của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chỉ đạt trung bình 0,9%.

Ông Abe Shinzo là một nhân vật chủ chốt trong giới kinh tế, giúp định hướng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vượt qua những thời điểm đầy thách thức, trong khi vẫn duy trì các ngành công nghiệp ô tô và điện tử tiêu dùng phát triển mạnh mẽ.

“Ông ấy có lẽ là Thủ tướng quan trọng nhất mà Nhật Bản có được kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II. Ông Abe đã để lại một di sản phong phú, thực sự phong phú”, ông Robert Ward, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.

Thành công gây tranh cãi

Với tầm nhìn xa sau vài năm, thành công chung của Abenomics vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Những thành phần chỉ trích ông Abe cho rằng, các chính sách kinh tế của ông đã thất bại trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và làm gia tăng sự bất bình đẳng về tiền lương khi số lượng người lao động ở khu vực phi chính thức, được trả lương thấp ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ông Koichi Hamada không đồng tình. Ông cho rằng cách tiếp cận của ông Abe “rất thành công” trong việc tạo việc làm và thúc đẩy bình đẳng giữa người lao động thường xuyên và người lao động tạm thời.

“Có một sự khác biệt rõ ràng giữa hai quan niệm này, nếu trước đẩy chỉ những nhân viên bình thường mới có thể kiếm được việc làm ổn định với mức lương cao hơn thì Abenomics đã mở ra cánh cửa cho những người lao động tạm thời có việc làm, và kết quả là nhiều công ty bắt đầu thuê những người lao động không thường xuyên, tạm thời", ông Hamada dẫn chứng.

Ông Hamada lưu ý tác động của chính sách đó vẫn có thể được cảm nhận cho đến ngày nay. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2021 về cơ cấu tiền lương của Nhật Bản, 47% lao động nước ngoài ở các vị trí toàn thời gian là “nhân viên không thường xuyên” như nhân viên tạm thời hoặc hợp đồng. “Điều này khiến nhiều người làm việc hơn và vì sự thiếu hụt nguồn nhân lực, các công ty bắt đầu đầu tư trong nước thay vì ra nước ngoài", ông Hamada nói.

Tương lai bất định

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc ông Abe đột ngột qua đời có thể ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế đất nước của đảng Dân chủ tự do (LDP) hay không?

Trong khi người kế nhiệm của ông Abe sau đó là ông Suga Yoshihide cam kết tiếp tục Abenomics thì Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida lại tìm cách tách mình khỏi chiến lược này với lời kêu gọi về một “chủ nghĩa tư bản mới” phù hợp hơn để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và các vấn đề xã hội khác mà ít được chú ý trong khuôn khổ Abenomics.

Ông Fumio Kishida từng chỉ trích các chính sách kinh tế của ông Abe vào tháng 1 năm ngoái. Phát biểu tại Hội nghị Davos Agenda trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Kishida nói rằng những kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ không đủ để tạo ra một nền kinh tế bền vững và bao trùm.

Ông Kishida trong những tháng tới cũng sẽ có cơ hội tái định hình ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), khi nhiệm kỳ của Thống đốc Haruhiko Kuroda kết thúc vào mùa Xuân năm 2023. Chính ông Abe đã lựa chọn ông Kuroda và các phụ tá chủ chốt vào năm 2013 khi phát động một đợt kích thích tiền tệ chưa từng có.

Ông Takahiro Sekido, Trưởng chiến lược gia Nhật Bản tại MUFG Bank và là một cựu quan chức của BoJ, nhận định: “Với dự kiến chi tiêu tài chính nhiều hơn, thật khó để tưởng tượng về chính sách thắt chặt của BoJ bằng cách tăng chi phí đi vay. Điều này là rất đáng lo ngại cho các thị trường".

Còn theo chuyên gia kinh tế Yuki Masujima, di sản lâu dài của Abenomics chính là sự phối hợp chính sách chặt chẽ giữa chính phủ và BoJ được nêu trong tuyên bố chính sách chung vào tháng 1/2013.

Thời gian tới, các động thái thị trường liên quan đến Abenomics - đồng Yen yếu hơn và thị trường chứng khoán đang dần hồi sinh - có thể mờ dần khi các nhà hoạch định chính sách đặt ra các mục tiêu mới.

Ông Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities dự báo: “Điều này có thể có tác động trong trung và dài hạn, thị trường sẽ chứng kiến sự tăng giá đáng kể của đồng Yen và sự sụt giảm của giá cổ phiếu".

(theo TIME, Al Jazeera, Bloomberg)