📞

Tương lai của BRICS?

Minh Anh 08:00 | 20/08/2023
Đáp ứng mối quan tâm và nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, BRICS đang có cơ hội thuận lợi để tập hợp lực lượng, cuốn hút các quốc gia trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) diễn ra tại thành phố Johannesburg.

Từ 22-24/8, Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, diễn ra tại thành phố Johannesburg.

Trong lần thứ ba đăng cai Hội nghị thượng đỉnh BRICSkể từ khi gia nhập nhóm vào năm 2010, Nam Phi lựa chọn chủ đề Hội nghị “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”.

Mô hình hội nhập mới?

BRICS hiện chiếm 42% dân số và gần 30% diện tích lãnh thổ toàn cầu. Nhóm này cũng chiếm khoảng 27% GDP thế giới và 20% thương mại toàn cầu. Nam Phi thông báo có hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó, 22 nước chính thức đặt yêu cầu. Một số nước như Iran đánh giá cao cơ hội tăng cường quan hệ đối tác, đồng thời bày tỏ rõ mong muốn trở thành thành viên của nhóm.

Không giống như các kỳ hội nghị trước, năm nay, nước chủ nhà Nam Phi mời đông đảo lãnh đạo và đại diện khoảng 70 nước đang phát triển, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Phi tham dự. Theo truyền thông Ấn Độ, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 có thể là lần đầu tiên BRICS xem xét nguyện vọng gia nhập của một số nước, như Argentina, Ai Cập, Indonesia, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Trên thực tế, từ hội nghị năm 2017, nước chủ nhà Trung Quốc khi đó đã đưa ra chủ trương kết nạp thành viên mới (BRICS+).

Phía Nga nhìn nhận việc kết nạp thêm thành viên sẽ giúp BRICS phát triển và lớn mạnh hơn dù theo bất kỳ hình thức nào.

Nhà kinh tế trưởng Yaroslav Lissovolik của Ngân hàng Phát triển Á - Âu (EADB) cho rằng, một khối BRICS mở rộng sẽ trở thành mô hình hội nhập mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Bình luận về một BRICS+, giới quan sát cho rằng, hệ thống quốc tế hiện nay do Mỹ và các nước phương Tây thống trị, còn quan điểm của các nước đang phát triển chưa được phản ánh đầy đủ, do vậy các nền kinh tế mới nổi hy vọng bày tỏ ý kiến của mình và chế hợp tác BRICS sẽ mang đến cơ hội đó.

Phác thảo trật tự thế giới mới

Theo Deutsche Welle (Đức), cho đến nay những dự đoán ban đầu về BRICS – trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới chưa hoàn toàn chính xác. Nhưng thay vào đó, khối này hiện đang cung cấp một diễn đàn ngoại giao và tài chính phát triển bên ngoài phương Tây.

Trên thực tế, trong thập niên đầu mới hình thành (2010), cả năm thành viên BRICS đều phát triển rất tốt, nuôi tham vọng thúc đẩy các nền kinh tế thị trường mới nổi. Tuy vậy, hiệu quả kinh tế của các thành viên bắt đầu sa sút khi sang thập niên thứ hai (2020), mỗi nước trong khối đều đối mặt với các khó khăn riêng.

Hiện tại, động lực để các nền kinh tế mới nổi mong muốn tham gia cơ chế hợp tác BRICS, “không chỉ là câu lạc bộ kinh tế của các cường quốc đang lên tìm cách gây ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển toàn cầu, mà trở thành câu lạc bộ chính trị được xác định bởi chủ nghĩa dân tộc”, như nhà khoa học chính trị Matthew Bishop của Đại học Sheffield nhận định.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các nước BRICS ngày càng “xa rời” phương Tây. Moscow và châu Âu dấn sâu vào thế đối đầu, khó tìm được lối thoát. Trong khi cả Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay Trung Quốc đều không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Theo chuyên gia Matthew Bishop, cuộc xung đột “dường như đã vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa một nước Nga được phương Đông hậu thuẫn và phương Tây”.

Đối với các quốc gia ở phía Nam bán cầu, cuộc xung đột ở Ukraine như một sự cảnh tỉnh. Một mặt, khiến các nước Nam bán cầu nhận ra Mỹ và các nước phương Tây làm mọi cách để đạt được các mục tiêu chiến lược của riêng họ. Mặt khác, các nước này nhận thức rõ là để thay đổi trật tự kinh tế - chính trị quốc tế bất hợp lý với họ không thể trông chờ vào Mỹ và các nước phát triển chủ động thay đổi lập trường, mà cần đoàn kết để tìm giải pháp.

Ở phía bên kia, cách mà Bắc Kinh xử lý quan hệ Mỹ - Trung Quốc chứng minh đầy đủ rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với các nền kinh tế thị trường mới nổi và không tuân theo sự chỉ đạo của Mỹ.

Nói một cách khác, như Tổng thống Nga Putin không ít lần nói trên các phương tiện truyền thông đại chúng về mục đích lật đổ trật tự thế giới đơn cực. Hay như thông điệp của người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS gần đây - muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: “Thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những cách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới”.

Xem xét về thực lực, cuối tháng 4/2023, Bloomberg công bố dự báo dựa trên dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, đóng góp của các nước BRICS và G7 (bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức và Nhật Bản) vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ngang nhau. Kể từ sau thời điểm này, thành tích của khối do phương Tây lãnh đạo ngày càng giảm sút. Đến năm 2028, dự báo đóng góp của G7 vào nền kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 27,8%, trong khi BRICS sẽ chiếm 35%.

Rõ ràng, trên phương diện kinh tế - thương mại thuần túy, BRICS đã thật sự trở thành đối trọng của G7. Tất nhiên, để sẵn sàng cho “một thế giới đa cực” mới đích thực, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ còn cả một chặng đường dài đầy thử thách phải vượt qua, với hàng tá khó khăn đan xen.

Tuy nhiên, với mục tiêu đôi khi chỉ đơn giản như Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor hé lộ, là bảo đảm rằng “chúng ta không trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt”. Do đó, việc càng ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến khả năng gia nhập BRICS là hoàn toàn dễ hiểu.

Chuyện BRICS “rục rịch” mở rộng số lượng thành viên không phải là thông tin mới mẻ và bất ngờ. Theo cách này hay cách khác, BRICS đã sẵn sàng hướng đến một thế giới đa cực tương lai. Như vậy, dù muốn hay không, một bức tranh tổng thể toàn cầu mới đã được phác họa. Một tiến trình mới của quỹ đạo trật tự thế giới xem như đã được kích hoạt.