Việt Nam có nhiều lợi thế trong cuộc đua thu hút FDI. (Nguồn: VGP) |
Những lợi thế
Với môi trường ổn định, nền kinh tế năng động và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào, Việt Nam sở hữu những lợi thế nổi trội trong thu hút FDI.
Tình hình chính trị ổn định, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam còn là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)...
Đây là cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Lực lượng lao động của Việt Nam trẻ, dồi dào và được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ và trình độ học vấn cao.
Vị trí địa lý thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng biển nước sâu, là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ
Việt Nam xem thành công của các doanh nghiệp FDI là thành công của chính mình.
Vì vậy, Chính phủ cam kết đảm bảo môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI trong nước.
Cụ thể, chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư.
Điển hình là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư.
Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia và lao động nước ngoài.
Các chuyên gia nước ngoài khó quay trở lại Việt Nam đã tác động tới doanh thu của doanh nghiệp do đơn hàng giảm, thanh toán muộn, chậm trễ trong ra quyết định…
Nhằm giải quyết những khó khăn trên của doanh nghiệp, khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội và nỗ lực để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP đưa ra một số ưu đãi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nghị quyết bao gồm việc cắt giảm một số loại phí, cũng như nới lỏng các quy định khác nhau liên quan đến thương mại, công nghiệp và nhân viên nước ngoài.
FDI là nguồn vốn rất quan trọng của nền kinh tế, là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển. (Nguồn: TTXVN) |
Triển vọng từ ổn định lên tích cực
Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, lượng đơn hàng FDI tại Việt Nam sụt giảm vào giữa tháng 9/2021 không đồng nghĩa với doanh nghiệp rời khỏi Việt Nam.
Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, còn "hơi sớm" để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thay đổi, gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác.
Còn theo Ngân hàng HSBC, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI vào Việt Nam cũng “phục hồi phong độ” với các chính sách nhất quán, các lợi thế về nguồn nhân lực, một loạt hiệp định tự do thương mại và cam kết của Chính phủ đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Đánh giá từ ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.
Ông Evans nhận định, các điều kiện nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh và Việt Nam đã tự tạo cho mình một vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây thông qua một loạt hiệp định tự do thương mại.
Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai.
Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký mới từ đầu năm đến nay đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. |