Gọi là con ngựa trạm, vì nhiệm vụ của nó là thông tin, là hỏa tốc, phải chạy ngày chạy đêm cùng những người lính nhỏ bé, rắn như sắt, nhanh như ngựa… Và dù phải vượt qua đồng cỏ, sông suối, đèo dốc, bản làng… nhưng bao giờ khi chạy về với tôi, nó cũng đèo thêm một cành hoa đào, loại đào bích, bông to, đỏ sẫm thắm, cành đào còn rất nhiều nụ… Hãy tưởng tượng xem, trong đêm (thường là đêm), cái rét khi khí xuân về, tê tái, con ngựa rũ bụi đường trường, dẫm chân hí vang, cành đào buộc cạnh túi công văn lúc lắc theo gió, xuân về rồi? Xuân và Ngựa cùng về trong vất vả, niềm vui chẳng bao giờ đến trong yên hàn thảnh thơi, ngựa trạm thì có lúc nào được yên?
Cách đây 12 năm, năm 2002, năm Nhâm Ngọ, anh Lương Hoài Nam, lãnh đạo bên Hàng không Việt Nam có xem tập tranh Ngựa của tôi và lập tức cho in bộ lịch 12 con ngựa, nhưng anh lại cho đề từ và trong mỗi tháng lại có một câu thơ cổ về ngựa. Kỷ niệm đẹp đó thiết nghĩ không thể không nhắc lại nhân tiết xuân về.
Lời đề từ do Tiến sĩ sử học Tạ Ngọc Liễn viết như sau: “Trong tâm thức dân gian người Việt cổ, ngựa là hiện thân cho vị thần có sức mạnh siêu nhiên. Ngựa là bạn tri kỷ, là kẻ tâm giao với người dân nước. Thời loạn lạc, thần Bạch Mã tung vó rũ bờm, xông pha nơi trận mạc. Thời bình yên, thần Bạch Mã hiên ngang trấn giữ một góc trời, chở che miền tâm linh thần thánh. Ngựa không phải là khát vọng tung hoành, mà đã trở thành biểu tượng của tài năng và lòng trung nghĩa. Từ muôn vàn mây trắng, ngựa thần hóa thân vào bia đá, vào trang sách và huyền sử để đi cùng nước Việt trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Từ xa xưa, hình ảnh ngựa luôn được ca ngợi trong tục ngữ ca dao và cũng luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thi nhân, văn sĩ. Ngòi bút tả ngựa của họ, mỗi người một vẻ, một sắc thái riêng nhưng chứa đựng một chất men say đầy cuốn hút. Ngựa trong Thiên Nam Ngữ Lục hừng hực sức mạnh lay động đất trời. Còn ngựa trong Chinh Phụ Ngâm và Truyện Kiều lại như đang nhẹ bước trong khói thu nửa hư nửa thực đầy quyến rũ…”
Mười hai năm đã trôi qua, nhanh thật!
Không nhanh sao được, người Trung Hoa đã ví thời gian đi nhanh như “Ngựa Ký, ngựa Kỳ chạy qua cửa sổ”cơ mà. Tôi lần giở những câu thơ của cuốn lịch 12 năm trước… Tháng 2: “Tuyết in sắc ngựa câu giòn, Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, tháng 3: “Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ, thiếp dạo hài lầu cũ rêu in”, tháng 4: “Lạ thay ngựa sắt tự nhiên, giậm lên động đất thét lên dậy trời”, tháng 5: “Trông vời trời bể mênh mang, thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong”, tháng 6: “Được lời như mở tấc son, vó câu thẳng ruổi nước non quê người”, tháng 7: “Người lên ngựa kẻ chia bào, rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, tháng 8: “Áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”, tháng 9: “Ngày bằng trường dạ mịt mù, tung hoành ngựa sắt thế như trường xà”, tháng 10; “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”, tháng 11: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm, người thương có nghĩa trăm năm cũng về”, tháng 12: “Ngựa Ô anh thắng kiểng vàng, anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh”…
“Khi xem những bức vẽ ngựa của Lê Trí Dũng, ta có cảm tưởng thần thái ngựa trong tranh của anh gần gũi với những áng thơ tả ngựa của các thi nhân xưa. Tình yêu cũng như cảm hứng của anh về vẻ đẹp, sức mạnh của ngựa dường như được khởi nguồn từ ký ức sâu thẳm về truyền thống văn hóa dân tộc. Chỉ với “mực Tàu, bút lông”, Lê Trí Dũng đã thể hiện một phong cách vẽ ngựa riêng với niềm đam mê đến tột cùng”. Tạ Ngọc Liễn |
Xuân về, xuân về thật rồi! Ngựa trạm về đến ngõ rồi kìa! Nghe móng gõ lộp cộp, lòng ai không xúc động khi khí xuân rét tê tái ùa vào lòng, mấy trăm năm, mấy ngàn năm trước người bộ tộc mình cũng chỉ vẫn khí xuân này thôi mà! Ngựa về rồi mà vẫn thấy cô đơn, đào đầy những nụ mà vẫn thấy cô đơn, hay tại ngựa về trong đêm? Không đâu, đêm mới là lúc tĩnh lặng để sự ồn ào náo nức giả trang không hãnh tiến khoe mẽ, đêm chính là lúc tình nhân thổ lộ, chỉ đến đêm, ngựa trạm may ra được nghỉ đôi chút trong cuộc đời chỉ biết hy sinh của mình.
Lê Trí Dũng