Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành tâm điểm không những của hai nước mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Tổ chức đón tiếp trang trọng, chương trình, hoạt động phong phú, hội đàm, hội kiến toàn diện, sâu sắc, 36 văn kiện được ký kết và đặc biệt là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đã chứng tỏ thành công tốt đẹp của sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chiến lược, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân hai nước và sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/12. (Nguồn: TTXVN) |
Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc cần có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, nhận thức đầy đủ hơn các cam kết chính trị, định hướng kế thừa, phát triển và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả thiết thực, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn mới, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình của nhân loại. Bước đầu, xin đề cập một số dấu ấn nổi bật, đặc sắc của văn kiện.
Một là, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, sự đồng thuận và cách tiếp cận của Việt Nam. Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc lần đầu tiên được chính thức đưa vào Tuyên bố chung, là một thành tố trong tên văn kiện; với nội hàm rõ ràng, sát với điều kiện cụ thể và nhu cầu của hai nước. Đó là vấn đề cơ bản mà các bên rất quan tâm.
Tại họp báo thường kỳ chiều 14/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Hai bên nhất trí rằng phát triển quan hệ cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế. Việt Nam và Trung Quốc kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, “đây cũng là tương lai chung hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung QuốcTập Cận Bình sáng 13/12. (Nguồn: TTXVN) |
Hai là, thúc đẩy hợp tác toàn diện, tập trung vào 6 phương hướng lớn với tiêu chí phát triển “sáu hơn”: cao hơn, thực chất, sâu sắc hơn, chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng.
Cụ thể là, “Tin cậy chính trị cao hơn”; “Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn”; “Hợp tác thực chất, sâu sắc hơn hơn” (về cơ sở hạ tầng, đầu tư, thương mại, tài chính, tiền tệ, an ninh lương thực và phát triển xanh); “Nền tảng xã hội vững chắc hơn”; Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn”; “Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn”.
Nội dung 6 phương hướng được đề cập vừa bao quát, vừa cụ thể, xác định rõ vai trò của từng lĩnh vực, có sự kế thừa và phát triển so với các tuyên bố chung trước, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, có cả định hướng, định tính, định lượng; với mục tiêu, cơ chế, tổ chức, biện pháp rõ ràng, cụ thể, phù hợp với từng lĩnh vực. Đó là cơ sở để hai Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện và đánh giá kết quả.
Ba là, phương châm “Kiên trì” xuất hiện xuyên suốt với tần suất 9 lần trong Tuyên bố chung.
Đó là, “kiên trì tôn trọng lẫn nhau…”; “kiên trì xử lý thỏa đáng và tích cực giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình…”; “kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam…”; “kiên trì lựa chọn chiến lược, tự chủ lựa chọn con đường phát triển…”; “kiên trì định hướng chính trị của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước…”; “kiên trì đối xử bình đẳng…”; “kiên trì hợp tác cùng thắng…”; “kiên trì phát huy chủ nghĩa đa phương…”; “kiên trì thông qua hiệp thương, hữu nghị…”.
Kiên trì vừa là một nội dung của phương châm chỉ đạo vừa là một yêu cầu quan trọng, được nhấn mạnh. Bởi sự phức tạp, tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực; những vấn đề tồn tại, nảy sinh trong quan hệ song phương, đa phương và đòi hòi rất cao đối với sự hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn mới. Có kiên trì mới phát huy cao mặt đồng thuận, khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân tại sân bay quốc tế Nội Bài ngày 13/12. (Nguồn: TTXVN) |
Bốn là, khẳng định rõ thuận lợi, thời cơ, nhưng không né tránh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ song phương và đa phương.
Tuyên bố chung chỉ rõ thuận lợi cơ bản là sự tương đồng thể chế chính trị, con đường phát triển gần gũi, truyền thống hữu nghị lâu đời và hai bên đều cần nhau, coi trọng nhau… Hợp tác hữu nghị Việt-Trung đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, thế giới.
Bảo vệ lợi ích quốc gia là vấn đề tối thượng, có những vấn đề nảy sinh cần giải quyết theo phương châm cùng có lợi. Bên cạnh phát huy những điểm tương đồng, cần kiểm soát và giải quyết tốt hơn, thỏa đáng các bất đồng, nhất là tranh chấp trên biển, thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao. Theo tinh thần đó, hai bên nhất trí tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài, cùng chấp nhận được; trước hết là tiếp tục thúc đẩy phân định vùng biến ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp.
Hai bên cũng đề cập thẳng thắn các vấn đề quan tâm khác như: chênh lệch cán cân thương mại, bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng giữa hai nước và trong khu vực; hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt; trao đổi thông tin, đối thoại về sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới và hợp tác quản lí tài nguyên nước…
Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện tinh thần Tuyên bố chung một cách thực chất, hiệu quả.
Tuyên bố chung khẳng định chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, có ý nghĩa chiến lược đối với hai nước và quốc tế. Đó là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước, nâng tầm quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ mới; thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Vấn đề lớn nhất bây giờ là tổ chức triển khai thực hiện, thông qua thực tiễn để khẳng định ý nghĩa, giá trị và sức sống của văn kiện. Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước có tính dẫn dắt, trên cơ sở đó chỉ đạo các bộ, ban, ngành hữu quan và địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế tương ứng, cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm và phương án triển khai chi tiết; trao đổi, kết nối, rà soát và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh thông qua hiệp thương hữu nghị.
Một giải pháp quan trọng là củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn đối với nâng tầm quan hệ song phương. Thông qua thông tin, tuyên truyền, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân…, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần củng cố lòng tin chiến lược, tạo nền tảng tinh thần cho các quyết sách của của Đảng, hai nhà nước.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội viết chữ trên nón lá truyền thống Việt Nam để gửi tặng bà Phan Thị Thanh Tâm, Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và bà Bành Lệ Viên, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đến thăm trường ngày 13/12. (Nguồn: TTXVN) |
***
Với những kết quả đó, Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc kế thừa, phát triển, định vị vững chắc, làm sâu sắc, nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, góp phần tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Đây là sự lựa chọn chiến lược của hai bên.
Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng; Việt Nam khẳng định quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam luôn chân thành, thống nhất cao giữa tuyên bố và hành động, hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích cơ bản, lâu dài, hài hòa quan hệ với các nước lớn; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển Việt-Trung, đóng góp tích cực cho khu vực và thế giới là lợi ích chung của hai nước. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng Tuyên bố chung sẽ đi vào thực tiễn, phát huy ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn mới.