Mỹ đã có những chuyển hướng chính sách quan trọng ở Biển Đông. (Nguồn: AP) |
Những yêu sách phi lý của Bắc Kinh
Trung tuần tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Bắc Kinh “không có các cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình tại khu vực”, cụ thể là Biển Đông. Theo nhận định của tác giả Mozammil Ahmad trong bài viết trên trang mạng của tạp chí Modern Diplomacy, đây là động thái thể hiện phần nào lập trường chính sách của Mỹ ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, viện dẫn các yêu sách từ nhiều thế kỷ trước. Bắc Kinh không ngừng mở rộng sự hiện diện quân sự và tăng cường tuần tra khu vực. Dù tuyên bố các ý định là vì mục tiêu hòa bình song các quốc gia trong khu vực cho rằng các động thái của Trung Quốc là những bước đi nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Biển Đông là vùng biển có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do, đặc biệt là tuyến đường thương mại có giá trị nhất. Theo báo cáo năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 5,3 nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này hằng năm, chiếm tới 30% thương mại trên biển toàn cầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính có tới 11 tỷ thùng dầu và 190 ngàn tỷ feet khối khí tự nhiên trong các mỏ chưa khai thác ở dưới biển.
Tất cả những điều này khiến Biển Đông là một khu vực có ý nghĩa chiến lược và bất cứ ai kiểm soát được khu vực này cũng sẽ thu được nhiều lợi ích nhất. Hơn thế nữa, tất cả các quốc gia đều muốn giữ tuyến đường thương mại này mở cửa và tự do cho tất cả các bên để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa.
Năm 2013, Philippines đã đệ trình một vụ kiện theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát đối với Đá Subi. Năm 2016, PCA không chỉ ra phán quyết chống lại Trung Quốc, mà còn bác bỏ lập luận của Bắc Kinh rằng, nước này có các quyền lịch sử đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Bước tiến về chính sách
Ngày 14/8, một tàu sân bay của Hải quân Mỹ cùng các chiến hạm hộ tống đã tiến hành tập trận ở Biển Đông.
“Việc phối hợp với các đối tác của chúng ta là điều cần thiết để đảm bảo khả năng đáp ứng và sát thương của lực lượng chung, cũng như duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Tư lệnh Hải quân Mỹ Joshua Fagan, chỉ huy các hoạt động không quân của Lực lượng đặc nhiệm 70 trên tàu USS Ronald Reagan nhấn mạnh.
Mỹ cũng vừa điều động nhiều oanh tạc cơ chiến lược đến các căn cứ ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản và đảo Guam, tạo nên thế trận hỏa lực bao trùm cả Biển Đông, bao gồm các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này. Cuối tuần qua, Không quân Mỹ thông báo 3 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri (Mỹ) đến căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.
Mang biệt danh “bóng ma”, B-2 là dòng oanh tạc cơ chiến lược tầm xa tối tân với khả năng tàng hình, có tầm bay lên đến khoảng 11.000 km ngay cả khi mang đầy đủ vũ khí. Với tầm bay này, từ căn cứ Diego Garcia, B-2 có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm ở Biển Đông. Đây cũng là dòng oanh tạc cơ chiến lược có thể mang theo số vũ khí hỏa lực cực mạnh bao gồm nhiều loại bom khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là liệu có phải Mỹ đang tận dụng xung đột trên Biển Đông như một phương tiện để gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực? Trong bài viết, tác giả Mozammil Ahmad cho rằng thông báo của Ngoại trưởng Pompeo là một sự chuyển hướng chiến lược trong chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.
Lần gần đây nhất Mỹ thể hiện lập trường về Biển Đông là một chủ đề thảo luận quan trọng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ ở California năm 2016, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã được đưa ra thảo luận, nhưng không được đưa vào tuyên bố chung. Thay vào đó, “Tuyên bố Sunnylands” kêu gọi tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và luật pháp quốc tế.
Cuối bài viết, tác giả Mozammil Ahmad cho rằng thông báo của Ngoại trưởng Pompeo là một sự chuyển hướng quan trọng trong chính sách của Mỹ về Biển Đông. Trên thực tế, Mỹ đã có những chuyển hướng nhất định trong cách nhìn nhận về Trung Quốc.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ liên tục chỉ trích Bắc Kinh về một loạt các vấn đề, do đó, ông Ahmad kết luận: Tuyên bố chính sách gần đây của Mỹ về Biển Đông “là kết quả của sự căng thẳng giữa hai bên”.