Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) |
Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội.
Đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương gồm: Học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải Nhất, Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; 5 em học sinh đạt giải Nhất, Nhì trong kỳ thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia: 19 năm.
Học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022, đã trúng tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường Đại học, Học viện đạt số điểm từ 27 điểm trở lên theo tổ hợp ba môn xét tuyển đại học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022, có học lực xếp loại khá, giỏi; hạnh kiểm xếp loại tốt trong 3 năm học THPT: 62 em.
Học sinh, sinh viên thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg trúng tuyển vào đại học: 13 em. Thanh niên là người dân tộc thiểu số đạt các thành tích xuất sắc, tiêu biểu: 17 em.
Học sinh, sinh viên, thanh niên có thành tích tiêu biểu bổ sung thành phần dân tộc, địa phương do các đại phương, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển giới thiệu, đề xuất tuyên dương: 24 em.
Tổng số học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu đề xuất tuyên dương năm 2022: 140 em.
Theo ông Lê Công Bình, Tổng biên tập Báo Dân tộc và Phát triển, Trưởng ban tổ chức cho biết, năm nay, lễ tuyên dương có sự điều chỉnh, đổi mới. Đó là những câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó, học giỏi của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Trên từng bản làng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều học sinh dân tộc thiểu số không chỉ vượt lên hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi con chữ, mà còn đạt thành tích đáng khâm phục trong học tập với ước mơ có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và quê hương.
"Lễ tuyên dương năm 2022 đã được nâng lên một bước với mục tiêu đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên, thanh niên thực sự xuất sắc. Từ đó, từng bước xây dựng sự kiện có chất lượng để tuyên dương được các nhân tố tiêu biểu, xuất sắc nhất", ông Bình khẳng định.
Thông qua các kỳ tuyên dương trước, nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc đã nỗ lực, phấn đấu và bước đầu đạt được những thành công trong cuộc sống như em Triệu Hoàng Anh, dân tộc Dao (tỉnh Cao Bằng), em Tráng Seo Ché, dân tộc Mông, làm một trong những học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương năm 2018 nay là cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Nano Phạm Gia.
Báo cáo cho thấy, hiện nay, toàn quốc có 1.149 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, còn có 2.176 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 29 tỉnh/thành phố với quy mô 213.199 học sinh bán trú. Bình quân hàng năm, có hơn 460.000 học sinh trường phổ thông các cấp được hưởng chính sách học sinh bán trú theo Nghị định 116. Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã và đang làm thay đổi chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tính đến năm 2021, toàn quốc có 321 trường phổ thông dân tộc nội trú với chất lượng giáo dục dần được nâng lên qua từng năm học.