Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy. (Ảnh: Nhật Minh) |
Theo ông, quyết định điều chỉnh tỷ giá và tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động như thế nào tới thị trường ngoại tệ thời gian tới?
Quyết định điều chỉnh để tỷ giá trần trong ngân hàng lên 18.500 đồng là đúng và cần thiết, góp phần tạo ra một mức tỷ giá phù hợp hơn và giúp thị trường dần bình ổn. Có thể trong ngày đầu tiên thị trường chưa đúng như mong đợi và sẽ mất một vài ngày, nhưng dần dần sẽ ổn định. Tỷ giá được điều chỉnh cùng với các giải pháp đồng bộ và sự bổ sung nguồn cung cho thị trường thì giá trên thị trường tự do sẽ giảm xuống và tiến gần tới thị trường chính thức. Theo tính toán của tôi, tỷ giá chỉ dao động trong mức 18.400-18.500 là hợp lý.
Thị trường diễn biến như vừa qua là do căng thẳng kéo dài mà chưa xử lý kịp thời, cộng với biến động của giá vàng, đẩy tỷ giá kỳ vọng lên quá cao.
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ yêu cầu các tập đoàn nhà nước bán đôla cho ngân hàng. Liệu nguồn cung này có đủ để cân đối nhu cầu thị trường?
Thực tế lực lượng dự trữ của ta không đáng lo ngại. Nguồn cung có thể được bổ sung từ phần Bộ Tài chính đang nắm giữ như lợi tức xuất khẩu dầu thô, hay các khoản vay, tài trợ nước ngoài. Vừa qua nguồn vay từ ADB và Nhật Bản cũng trên dưới 1 tỷ USD. Nguồn cung từ các tập đoàn cũng là đáng kể. Số tiền đó vào khoảng 2 tỷ USD.
Có ý kiến cho rằng để giải quyết dứt điểm tình trạng găm giữ đôla hiện nay, nên kết hối đối với tất cả các doanh nghiệp thay vì chỉ áp dụng cục bộ với một số tập đoàn nhà nước?
Không nên coi việc yêu cầu tập đoàn nhà nước bán đôla cho ngân hàng là biện pháp kết hối cục bộ. Đơn giản là Nhà nước, với tư cách chủ sở hữu, có quyền yêu cầu tập đoàn thực hiện trách nhiệm của mình. Thời gian qua tỷ giá chênh lệch bất hợp lý mới dẫn tới tình trạng găm giữ. Nay xử lý tốt, giá sẽ giảm xuống và không cần yêu cầu thì doanh nghiệp cũng sẽ bán ra.
Theo tôi, kết hối là điều không nên, chỉ bất đắc dĩ áp dụng trong tình hình khủng hoảng. Kết hối sẽ vi phạm các cam kết quốc tế và ảnh hưởng tới quyền tự chủ của doanh nghiệp, có thể tạo tâm lý không tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế. Tình hình hiện nay chưa đến mức khủng hoảng.
|
Tại sao ông cho rằng tình hình chưa đến mức khủng hoảng, khi mà tỷ giá tăng từng ngày, doanh nghiệp quyết găm giữ đôla, và Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay điều chỉnh tỷ giá?
Điều chỉnh hiện nay không phải là phá giá, mà sự giảm giá đồng tiền một cách chủ động. Biến động hơn 5% trong nhiều tháng qua không thấm vào đâu so với diễn biến tỷ giá tại các nước, có nơi tới vài phần trăm chỉ trong một ngày.
Với kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi không cho tình hình hiện nay là khủng hoảng, chỉ là tình huống chưa ổn trong thị trường tiền tệ. Năm 1997-1998, khủng hoảng tài chính khu vực, Việt Nam không rơi vào khủng hoảng mà chỉ chịu ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước lúc đó phải điều chỉnh tỷ giá 6 lần, mỗi lần 5%. Kể cả khi làm như vậy cũng không ai coi Việt Nam khủng hoảng tiền tệ. Sau hàng loạt các biện pháp mạnh tay, thị trường ngoại tệ của ta bình ổn, và dự trữ còn tăng cao so với trước.
Đã có thành viên Chính phủ đề nghị không hỗ trợ lãi suất ngắn hạn cho doanh nghiệp trong năm 2010. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi vẫn cho rằng cần có sự hỗ trợ như một bước đệm để doanh nghiệp phục hồi bền vững hơn. Chính phủ sẽ là người quyết định cuối cùng với vấn đề này. Nhưng theo tôi có nhiều cách hỗ trợ, không nhất thiết phải thông qua bù lãi suất. Điều quan trọng là tạo mặt bằng lãi suất phù hợp hơn.
Nhưng việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% liệu có gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí xóa đi những gì chúng ta đã hỗ trợ thời gian qua?
Nếu muốn xử lý vấn đề tỷ giá mà không làm đồng bộ với lãi suất, sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, tăng lãi suất có thể chưa ảnh hưởng ngay tới doanh nghiệp. Lãi suất cơ bản mới chỉ có hiệu lực từ 1/12, từ tháng 11 trở về trước doanh nghiệp đã được hưởng lãi suất vay thấp, sau khi được hỗ trợ 4% họ chỉ phải vay với mức tối đa 6,5%. Từ tháng 12, tùy từng hợp đồng tín dụng mà lãi suất có thay đổi hay không, nhưng doanh nghiệp vẫn được hưởng hỗ trợ 4% lãi suất nên sự thay đổi này có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là từ năm sau, doanh nghiệp có thể khó khăn hơn khi lãi suất cho vay sẽ lên mốc mới 12% một năm. Trong trường hợp chúng ta tiếp tục bù lãi suất với mức 2%, tính ra doanh nghiệp vẫn phải vay ở mức 10%, như vậy chi phí vốn cao hơn trước gần 60%. Nếu không có biện pháp cấp bù lãi suất, chi phí vốn của họ sẽ tăng gần gấp đôi. Đây sẽ là tác động không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nếu không muốn nói rằng sẽ có doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động. Vì vậy, tôi thực sự lo ngại sẽ chúng ta không tính tới biện pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp.
Theo VNE