📞

Tỷ lệ chọi cao ngất, cuộc chiến 'bát cơm sắt' tại Trung Quốc vẫn chưa từng hạ nhiệt

Hồng Châu 13:51 | 19/03/2023
Bất chấp những thông báo gần đây của chính quyền Trung Quốc về việc sẽ cắt giảm mạnh mẽ nhiều vị trí việc làm trong khu vực công, một công việc tại các cơ quan công quyền vẫn luôn là lựa chọn đáng mơ ước với những người trẻ yêu thích sự ổn định.
Cuộc chiến "bát cơm sắt" tại Trung Quốc vốn cạnh tranh nay lại càng "khốc liệt" hơn. (Nguồn: China Daily)

Dù vẫn còn hơn một năm nữa mới hoàn thành chương trình cao học tại trường nhưng cô Nora Shen đã bận rộn chuẩn bị với quyết tâm cao sẽ giành được một công việc tốt trong cuộc chiến "bát cơm sắt" - một phép ẩn dụ phổ biến của người Trung Quốc khi nói đến kỳ thi công chức hằng năm của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sức hút của "bát cơm sắt"

Trong nhiều thập niên, việc có được một công việc ổn định trong khu vực công của chính phủ hay các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vẫn luôn là hình mẫu hướng đến của nhiều thanh niên nước này và là biểu hiện cho sự thành công.

Sau đó, sự phát triển như vũ bão của công nghệ và sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn tư nhân đã thu hút một lượng lớn lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc sang khu vực tư. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những động thái mạnh tay của chính quyền với các công ty công nghệ nhằm định hướng nền tảng, cải thiện quyền riêng tư và vấn đề an ninh quốc gia đã khiến việc làm ở khu vực tư dần kém hấp dẫn.

Cộng thêm với những biến động từ nền kinh tế thế giới và trong nước, những vị trí việc làm trong khu vực công với mức lương đều đặn dù thấp hơn đáng kể so với khu vực tư nhưng vẫn luôn có sức hút đặc biệt với giới trẻ, đặc biệt những người như cô Shen.

Theo Tân Hoa xã, tổng cộng đã có 1,52 triệu ứng viên tham gia kỳ thi công chức quốc gia vào tháng 1 năm nay để ứng tuyển cho 37.100 vị trí - nghĩa là cứ 41 thí sinh thì có khoảng một người được tuyển dụng.

Chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ Xã hội học tại Đại học Thượng Hải, Shen thừa nhận sẽ có rất ít lựa chọn việc làm trong lĩnh vực của cô.

Cô nói: “Tất nhiên, tôi cũng có những băn khoăn, lo lắng ngay cả khi đã vượt qua các kỳ thi. Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Chính phủ đang chịu rất nhiều áp lực tài chính. Ngay cả công chức cũng phải đối mặt với tình trạng sa thải và cắt giảm lương".

Theo kế hoạch cải tổ chính phủ được Quốc hội Trung Quốc thông qua mới đây, Bắc Kinh dự tính cắt giảm 5% số lượng vị trí việc làm tại các cơ quan chính phủ cấp trung ương. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm tinh giản bộ máy của chính quyền quốc gia Đông Bắc Á.

Cũng theo kế hoạch này, các vị trí sẽ được phân phối lại trong “các lĩnh vực chính và công việc quan trọng”, và việc tinh giản sẽ được tiến hành theo lộ trình dần dần trong 5 năm tới mà không đưa ra thêm chi tiết.

Anh Lucas Lin (39 tuổi), Thư ký tại Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết không lo lắng về việc cắt giảm vì rất nhiều đồng nghiệp của anh cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Lin lý giải: “5% trong 5 năm nghĩa là 1% mỗi năm. Tỷ lệ này sẽ không gây tác động lớn, vì sẽ có người nghỉ hưu và chính phủ sẽ tuyển dụng số lượng ít hơn. Thông thường, khu vực công rất ít khi sa thải người lao động mà thường để họ tìm kiếm một công việc khác. Cấp trên có thể sẽ điều động bạn đến một khu vực khác, về địa phương hoặc các công ty thành viên".

Phân bổ lại nguồn lực

Việc thu hẹp quy mô việc làm là một phần trong quá trình tái tổ chức của chính phủ Trung Quốc nhằm “phân bổ nguồn lực tốt hơn” trước những trở ngại khác nhau.

Kế hoạch mới nhất sẽ bao gồm tái cấu trúc Bộ Khoa học và Công nghệ, củng cố cơ quan quản lý tài chính và thành lập một cơ quan mới để quản lý dữ liệu trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng và rủi ro tài chính trong nước. Trong khi nhiều vị trí dự kiến sẽ được bổ sung vào các bộ mới được thành lập hoặc mở rộng, chính quyền Trung ương thừa nhận có sự dư thừa nhân viên trong các lần cải tổ bộ máy từ những thập niên trước.

Chính phủ Trung Quốc đã trải qua 8 lần cải tổ kể từ đầu những năm 1980, với thay đổi lớn nhất diễn ra vào năm 1998, khi 42 bộ giảm xuống còn 29 bộ và gần một nửa số vị trí việc làm bị cắt giảm. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường từng tuyên bố khi nhậm chức vào năm 2013 rằng sẽ có ít nhân viên chính phủ hơn trong nhiệm kỳ của mình.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học nổi tiếng Liu Shengjun, bộ máy hành chính công của Trung Quốc vẫn còn dư thừa nhân sự, dẫn đến những lời chỉ trích về hiệu quả thấp và chi phí tăng cao.

Ông nói: “Việc tinh giản hơn nữa là do những lo ngại về chi phí. Có quá nhiều chuyên viên đồng nghĩa với gánh nặng tài chính sẽ cao hơn. Mặt khác, chính phủ muốn cắt giảm các vị trí việc làm để giảm bớt các vấn đề về điều hành, một cách nhằm đơn giản hóa việc quản lý và ủy thác quyền lực".

Peng Peng, Chủ tịch điều hành của nhóm chuyên gia tư vấn Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, đồng ý rằng mặc dù đã có những bước tiến về cải cách nhưng vẫn có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, gây kém hiệu quả.

Tổng cộng đã có 1,52 triệu ứng viên tham gia kỳ thi công chức quốc gia vào tháng 1 năm nay để ứng tuyển cho 37.100 vị trí – nghĩa là cứ 41 thí sinh thì có khoảng một người được tuyển dụng. (Nguồn: China Daily)

Ông Peng phàn nàn: “Thực sự không phù hợp khi có nhiều công chức như hiện nay, vì đại dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể nguồn thu của chính phủ. Ở trong nước hay nước ngoài, các công ty hàng đầu đều đang tinh giản".

Điều này đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh sẽ còn lớn hơn đối với các vị trí trong khu vực công, vốn được săn đón trong những năm gần đây khi sinh viên mới tốt nghiệp đối mặt với ít cơ hội hơn, chi phí sinh hoạt cao và sự bất ổn ngày càng gia tăng.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang chịu áp lực lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động khi ước tính sẽ có 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm nay - một con con số cao kỷ lục so với trung bình hằng năm. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh hằng năm giảm nhanh chóng.

Năm nay, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị ở mức 5,6% trong tháng 1 và tháng 2, tăng nhẹ so với mức 5,5% trong tháng 12/2022. Và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 vẫn ở mức 18,1% trong tháng 1 và tháng 2, tăng từ 17,1% trong tháng 12 năm ngoái.

Hu Tao, một sinh viên năm thứ ba đang theo học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Tứ Xuyên, cho biết, hầu hết các bạn cùng lớp đang muốn trì hoãn gia nhập thị trường lao động vì lo ngại sự cạnh tranh gay gắt.

Anh Tao nói: “Chúng tôi sợ rằng sẽ không đủ sức cạnh tranh nếu không có bằng cấp cao hơn, đặc biệt nếu muốn có được một công việc trả lương cao tại thành phố lớn. Vì vậy, nhiều người trong chúng tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh quốc gia để học sau đại học, hoặc đăng ký các chương trình ở nước ngoài".

(theo SCMP)