Theo đó, số người trưởng thành nhiễm HIV đã tăng cao trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết thêm, nếu trong những năm 90 của thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng 3 triệu người trưởng thành nhiễm HIV, thì những nỗ lực phòng ngừa căn bệnh thế kỷ này đã góp phần làm giảm đáng kể số người nhiễm mới trong những năm đầu của thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, số người bị phát hiện dương tính với HIV lại không giảm khi có khoảng 1,9 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
Tỷ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành năm 2014. (Nguồn: KFF) |
Thậm chí, một số khu vực còn ghi nhận số trường hợp nhiễm mới tăng cao. Tại Trung Á và Đông Âu, trong giai đoạn 2010-2015, mỗi năm số ca nhiễm mới tăng 57%. Khu vực Carribe, sau 9 năm liền ghi nhận số người nhiễm HIV giảm, thì 5 năm qua con số này lại tăng 9%/năm. Trong khi đó, số người nhiễm virus nguy hiểm này tại Trung Đông và khu vực Mỹ Latin tăng lần lượt là 4% và 2% mỗi năm.
Tại các khu vực khác, đặc biệt là ở châu Phi - châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh thế kỷ, số ca nhiễm mới về cơ bản có giảm, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.
Báo cáo của UNAIDS nhận định, một trong các lý do chính dẫn tới thực trạng trên là việc những người có nguy cơ cao nhiễm HIV vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa. Người đồng tính, chuyển giới, tù nhân, các đối tượng hành nghề mại dâm và tiêm chích ma túy chiếm tới 35% số trường hợp bị phát hiện dương tính với HIV trong năm 2014, song đó lại là những người thường bị kỳ thị và chính phủ của nhiều quốc gia còn chưa khẩn trương triển khai các chương trình hành động đặc biệt dành cho họ.
Trong báo cáo trên, Giám đốc UNAIDS Michel Sidibe ghi nhận cộng đồng quốc tế đã tiến hành nhiều biện pháp khẩn cấp và trực tiếp để ngăn chặn virus HIV lây lan, hướng tới chấm dứt bệnh dịch này trong 15 năm tới theo mục tiêu của Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, ông Sidibe cũng cho rằng, nếu thế giới không hành động tích cực hơn nữa trong việc phòng ngừa dịch bệnh trên toàn cầu thì khó có thể đạt mục tiêu này. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nguồn lực tài chính dành cho cuộc chiến chống HIV/AIDS trong bối cảnh ngân sách dành cho chương trình này trong năm nay xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Theo các số liệu thống kê, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã gây những tác động nghiêm trọng trên toàn cầu trong 35 năm qua khi cướp đi sinh mạng của 35 triệu người và khiến khoảng 78 triệu người lây nhiễm virus chết người này.