📞

Tỷ lệ thấp, số lượng nhiều và... chưa đủ

20:12 | 26/02/2016
Phương tiện truyền thông có thể đóng vai trò to lớn trong việc làm nổi bật hình ảnh của những lãnh đạo nữ.

Tại những cuộc họp báo hay đưa tin về sự kiện “nóng”, không khó để nhận ra những gương mặt nhà báo nữ, thậm chí họ còn nổi trội hơn về mặt số lượng. Tuy nhiên, một nghiên cứu giám sát truyền thông toàn cầu được tiến hành vào năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, chỉ có 22% tin tức trên các trang báo, truyền hình và đài phát thanh nói về phụ nữ và các vấn đề của phụ nữ. Tỷ lệ này còn thấp hơn trên các mạng thông tin điện tử, chỉ chiếm 18%.

Bà Pratibha Mehta phát biểu tại Tọa đàm.

Nghiên cứu trên được bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam đưa ra tại Tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” ngày 25/2 tại Hà Nội. Nghịch lý là phái đẹp chiếm hơn một nửa dân số của Việt Nam, nhà báo nữ đông đảo không kém nhà báo nam song mối quan tâm đến việc tăng cường tính đại diện của phụ nữ qua truyền thông không được đặt lên hàng đầu.

Có một thực tế là, mỗi ngày mở báo mạng, chúng ta sẽ bắt gặp vô số tin, bài về vụ đánh nhau, cướp giật, thất thoát… Còn tin tức liên quan đến phái đẹp sẽ xuất hiện phổ biến dưới dạng “Phát hiện thi thể cô gái trẻ trôi dạt trên kênh” (An ninh thủ đô ngày 26/2), “Giáo viên mầm non dùng tay, muỗng inox đánh trẻ trong giờ ăn” (Người đưa tin ngày 26/2), “Vợ đại gia Chu Đăng Khoa bất ngờ khóa facebook” (Ngôi sao Việt Nam ngày 26/2), “Nữ doanh nhân cho 7 ngân hàng ăn trái đắng” (Công lý ngày 26/2)… Rõ ràng là vị thế của phụ nữ khó được thừa nhận nếu ngày nào người đọc cũng tiếp nhận những “món ăn tinh thần” kiểu như thế!

Chuyên mục "Gương phụ nữ" thường giới thiệu điển hình làm kinh tế giỏi.

Cũng không dễ tìm được bài viết hay về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng. Chuyên mục “Gương phụ nữ” trên trang web của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, chủ yếu giới thiệu các chân dung cán bộ phong trào hay điển hình làm kinh tế giỏi với cách viết không hấp dẫn.

Nói về hạn chế của phụ nữ tham chính, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai đánh giá "không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác”. Còn bà Pratibha Mehta chỉ rõ, một trong những vấn đề là một số ứng cử viên nữ tiềm năng lại không được công chúng biết đến.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai phát biểu tại Tọa đàm.

Nghĩa là, truyền thông chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức giới. Truyền thông cũng chưa toàn diện để đưa tin về các ứng cử viên nữ tiềm năng.

Không thể phủ nhận vai trò của truyền thông trong việc tăng sự tham gia của phụ nữ trong chính trị. Câu chuyện là tăng theo hướng nào, trong bối cảnh chỉ có 22% người ra quyết định ở cấp giám đốc trong ngành truyền thông là phụ nữ?

Theo bà Pratibha Mehta, phương tiện truyền thông có thể làm nổi bật hình ảnh của những lãnh đạo nữ với sự đa dạng về hình thức thể hiện. Truyền hình, báo chí cần phải giúp làm nêu rõ sự đóng góp của phụ nữ trong những vấn đề chung trước công chúng và đảm bảo độ bao phủ như nhau trên truyền thông và các cơ hội xuất hiện bình đẳng trước công chúng của cả hai giới...

Điều quan trọng là ngành công nghiệp truyền thông xây dựng sự hiểu biết và năng lực của chính mình để đưa ra các báo cáo nhạy cảm về giới và áp dụng các chính sách có ý thức để loại bỏ việc khắc họa những chân dung mang tính rập khuôn về phụ nữ, như phụ nữ chỉ đóng vai trò của cấp dưới.

"Từ đó, truyền thông sẽ có thể mô tả về phụ nữ như những đối tác bình đẳng trong việc định hình các xã hội và có thể trở thành lãnh đạo ở cấp xã, huyện, tỉnh và cấp quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau", bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.

“Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ tập trung làm tốt vai trò đồng hành, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới đây bằng những trọng tâm tuyên truyền cụ thể, thiết thực. Đó là: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tích cực tuyên truyền nhằm giảm thiểu các định kiến giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ". (Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai).