Nhỏ Bình thường Lớn

Hơn 200 người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải

Sau hai ngày cứu hộ, nhà chức trách châu Âu cho biết, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm tàu trên biển Địa Trung Hải, hôm 5/8, đã lên đến con số hơn 200.
Có 370 người được cứu sống và khoảng 200 nạn nhân đã thiệt mạng (Nguồn: Reuters).

Hãng tin Reuters mô tả “hy vọng cứu thêm được người còn sống là rất mỏng manh” khi đến ngày 6/8, các đội tàu cứu hộ của Hải quân Italy, Ireland và tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) mới chỉ trục vớt được 25 thi thể và chưa tìm thấy thêm người còn sống. Trong số các nạn nhân có nhiều trẻ em và phụ nữ.

Thị trưởng thành phố Palermo (Italy) Leoluca Orlando xác nhận, tàu hải quân Ireland LE Niamh đã đưa 370 người sống sót và các thi thể cập cảng ở đảo Sycily (Italy). Ông Leoluca chỉ trích: "Chúng ta đang chứng kiến ​​một cuộc diệt chủng gây ra bởi sự ích kỷ của châu Âu”, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu lục này hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn thảm họa tương tự và cho phép người tị nạn tái định cư.

Nhà chức trách Italy và Ireland nỗ lực cứu hộ các nạn nhân. (Nguồn: Reuters).


Bộ trưởng Quốc phòng Ireland Simon Coveney cho biết, theo điều tra ban đầu, chiếc thuyền đánh cá này đã quá tải khi chở tới 600 người, chủ yếu là người Syria, chạy trốn khỏi cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra ác liệt trong nước. Khi cách bờ biển Lybia khoảng 50km, nó đã bị nghiêng một bên, lật úp và chìm. Thảm kịch xảy ra chỉ vẻn vẹn trong khoảng 2 phút.

Biển Địa Trung Hải là khu vực biên giới nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư. Theo Tổ chức Di cư Quốc tết, năm nay, đã có hơn 2.000 người di cư thiệt mạng khi cố xâm nhập vào châu Âu. Nếu tính cả năm 2014 thì số người đã bỏ mạng ở Địa Trung Hải là 3.279 người.

Tháng Tư vừa qua, một con tàu cao khoảng 20m (66 feet) đã lật úp khiến hơn 900 người thiệt mạng trên vùng biển này. Đó là vụ chìm tàu khiến nhiều người chết nhất tại Địa Trung Hải trong nhiều thập kỷ. Thảm kịch vừa xảy ra càng làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng di cư, mà đến nay châu Âu vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết thống nhất. Những người di cư chủ yếu từ châu Phi và Trung Đông đến châu Âu với hy vọng thoát khỏi bạo lực và nghèo đói.

Phú Hà (theo Reuters)