Tỷ phú Raj Rajaratnam (giữa), bị còng tay và đưa tới Trụ sở của FBI ở thành phố New York, Mỹ. |
Phiên tòa xét xử nhà tỷ phú Raj Rajaratnam với tội danh giao dịch nội gián dự kiến tiếp tục diễn ra vào ngày 8/3/2011. Các công tố viên Mỹ cho rằng, Raj Rajaratnam đã thu được 45 triệu USD từ khai thác bất hợp pháp những thông tin tài chính nội bộ của nhiều tập đoàn lớn trên thị trường chứng khoán để đầu cơ trục lợi, chưa kể các giao dịch chứng khoán bất chính khác. Cảnh sát đã bắt giữ 26 kẻ đồng lõa, 19 người đã nhận tội và một vài người sẵn sàng đối chất chống lại Rajaratnam tại tòa. Hiện Rajaratnam vẫn phủ nhận mọi việc làm sai trái, còn luật sư của ông ta, John Dowd, cho rằng, "thân chủ của mình là nạn nhân của những lời buội tội và sẽ đấu tranh trước tòa".
Raj Rajaratnam là ai?
Sinh trưởng ở Sri Lanka năm 1957, Rajaratnam tốt nghiệp cử nhân khoa học ở Đại học Sussex (Anh) rồi MBA ở Trường kinh tế Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Đầu năm 1980, Rajaratnam gia nhập Ngân hàng Needham & Co ở New York và trở thành Giám đốc vào năm 1991.
Năm 1997, nhận thấy cơ hội từ các công ty công nghệ cao, Rajaratnam bỏ Needham, mang theo quỹ đầu tư nội bộ và lập ra Quỹ đầu tư Galleon Group. Rajaratnam đã kiếm được hàng triệu USD khi đón bắt được các chuyển động của thị trường. Nhờ vậy mà trước khủng hoảng kinh tế - tài chính, Quỹ Galleon đã sở hữu số cổ phiếu trị giá 7 tỷ USD. Số tiền thưởng lớn của Galleon đã đưa Rajaratnam lên vị trị hàng đầu các tỷ phú chứng khoán. Tháng 9/2009, Rajaratnam được xếp thứ 236 trong 400 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn với số tài sản lên tới 1,8 tỷ USD.
Mạng lưới mật báo dày đặc
Galleon nổi danh trên TTCK công nghệ của Phố Wall vào thập niên 1990 với chiến lược đầu tư là thu thập thông tin độc quyền (thậm chí không được công khai) thông qua các mối quan hệ, cả mua chuộc lẫn gây sức ép.
Những người điều phối thị trường tài chính Mỹ để ý đến hoạt động của Rajaratnam từ cuối năm 2007 và nhận được sự hơp tác từ một nhà đầu tư giấu tên. Không được Galleon tuyển dụng, nhưng nhà đầu tư này tích cực cộng tác với Quỹ bằng cách trao đổi thông tin về các hợp đồng chuẩn bị ký kết của Polycom, Google và mạng lưới khách sạn Hilton toàn cầu để đổi lại thông tin nội bộ của Intel cùng nhiều hãng khác. Nhờ đó, Galleon đã kiếm được 4 triệu USD.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử điều tra các giao dịch nội gián ở Mỹ, việc tòa án cho phép FBI được nghe lén điện thoại bàn của Galleon đã cho thấy Rajaratnam chỉ giao tiếp với các đối tượng cung cấp thông tin bằng điện thoại bàn, mà không dùng di động vì sợ bị nghe lén. Bên cạnh đó, tỷ phú này chỉ chấp nhận đổi thông tin lấy thông tin, chứ không trả tiền mặt.
Theo FBI, Rajaratnam đã xây dựng một mạng lưới các mật báo viên. Đó chính là các lãnh đạo cao cấp của nhiều hãng lớn của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. FBI nghi ngờ có sự dính líu của Phó Chủ tịch IBM Robert Moffet, Danielle Chiesi và Mark Kurland thuộc Quỹ New Castle, hay Giám đốc đầu tư Intel - Rajiv Goel, Giám đốc bán hàng hãng McKinsey & Co là Anil Kumar. Những người này đã sử dụng thông tin nội bộ, dựa vào các hợp đồng để mua bán cổ phiếu từ năm 2006 - 2009 kiếm lời gần 20 triệu USD.
Còn Ủy ban Tiền tệ & chứng khoán Mỹ (SEC) đánh giá, những kẻ lừa đảo thu lợi bất chính khoảng 25 triệu USD. Số tiền này họ kiếm được thông qua các hợp đồng chứng khoán, trái phiếu của các hãng lớn như Google, IBM, Sun Microsystems, Hilton Worldwide, AMD, Polycom, Akamai… Tổng cộng, Rajaratnam bị cáo buộc 14 tội danh mưu đồ và gian lận chứng khoán, trong đó có vài tội danh mức tuyên phạt sẽ là 20 năm tù giam. Tổng cộng, nhà tỷ phú này sẽ nhận mức án trên 200 năm tù.
Một lần... cũng đủ?
Trong gần 10 năm quản lý Quỹ Galleon, duy nhất một lần Rajaratnam thất bại với thông tin nội gián. Tháng 6/2008, Danielle Chiesi biết được thông tin ADM sẽ được tách ra thành 2 hãng: một hãng chuyên thiết kế các loại chip, còn hãng kia chuyên sản xuất các bộ vi xử lý. Lập tức Chiesi và Rajaratnam đã mạnh tay gom 8 triệu cổ phiếu của AMD. Đúng vào ngày 7/10 (ngày việc chia tách có hiệu lực), họ đã bán 1,3 triệu cổ phiếu và thu được lợi. Nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng, nên họ giữ lại. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2008, do thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu chao đảo, giá cổ phiếu AMD đã giảm từ 5 USD/cp xuống còn 3,5 USD. Kết quả là Rajaratnam bị thua lỗ và định bỏ chạy sang London khi có tin mình nằm trong tầm ngắm của FBI. Tuy nhiên, nhà tỷ phú tài ba này đã không thể lên máy bay trót lọt.
Phương Linh (tổng hợp)