📞

UAE - địa bàn của những cơ hội

18:34 | 24/08/2016
Trong câu chuyện của Đại sứ Phạm Bình Đàm, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) không hề khó gần như trong tưởng tượng của nhiều người. Trái lại, mảnh đất cởi mở ấy đang mang lại nhiều trái ngọt cho những nỗ lực và quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại đây.

Chuyến về nước công tác lần này, Đại sứ Phạm Bình Đàm mang theo một niềm vui rất lớn. Đó là ngày 3/8 vừa qua, Hãng hàng không Emirates đã khai trương đường bay từ Dubai (UAE) đến Yangon, Myanmar và Hà Nội, nhằm tăng cường hoạt động của hãng tại khu vực Đông Nam Á.

Các chuyến bay của Emirates đến Việt Nam và chiều ngược lại còn đáp ứng nhu cầu riêng của thị trường Việt Nam, có phi hành đoàn nói tiếng Việt và cung cấp nhiều sự lựa chọn về ẩm thực Việt. Cũng theo Đại sứ Phạm Bình Đàm, trong tất cả câu chuyện về tiếp cận và mở rộng thị trường, thúc đẩy du lịch, kết nối hàng không là vô cùng quan trọng...

Khai thông con đường nông sản

Được phân công làm Đại sứ nhiệm kỳ 2014-2017, Đại sứ Phạm Bình Đàm lên đường với trăn trở và quyết tâm tìm kiếm, mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Với số dân khoảng hơn 300 triệu người và Dubai là trung tâm trung chuyển, kết nối cả Bắc Phi, Trung Á, Ấn Độ..., Trung Đông và UAE là một thị trường rất hứa hẹn.

Theo Đại sứ, tuy là quốc gia Hồi giáo nhưng UAE có chính sách về thương mại rất cởi mở với vị thế trung tâm trong khu vực Trung Đông. Đặc điểm của UAE là không có nhiều đất và nước để làm nông nghiệp, hàng lương thực thực phẩm chủ yếu phải nhập. Trong khi đó, nông sản lại là thế mạnh của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Bình Đàm (thứ hai, từ trái qua) và các quan chức Hãng hàng không Emirates nhân dịp khai trương đường bay thẳng Dubai - Hà Nội.

“Trước mắt chúng ta là một thị trường không quá khó tính với vị trí tương đối gần. UAE có khoảng 9 triệu dân, trong khi đó cũng có gần 8 triệu lao động nước ngoài. Vấn đề là cần phải kết nối doanh nghiệp và đưa sản phẩm của mình lên kệ tại đây. Đấy là hướng đi, là tâm huyết của Đại sứ quán Việt Nam tại UAE”, ông Đàm chia sẻ.

Đại sứ Phạm Bình Đàm cho biết, để có thể “khai thông” con đường cho nông sản Việt, nhất là rau quả tươi tới UAE, vấn đề đầu tiên mà ông quan tâm là giảm cước phí vận tải hàng không. Sau nhiều lần thuyết phục, phía bạn đã đồng ý giảm phí từ 3,5 USD/kg xuống còn 2,4 USD/kg vào tháng 12/2015. Đến tháng 4/2016, Đại sứ quán đã thương thảo với phía bạn giảm xuống còn 1,6 USD/kg, bằng với giá đến từ Bangkok (Thái Lan).

Khi giá hàng không đã ở mức cạnh tranh, việc quan trọng tiếp theo là kết nối, quảng bá để phía bạn có thể chấp nhận hàng Việt Nam. Đại sứ Phạm Bình Đàm chia sẻ, ở Dubai có Hội chợ Gulfood lớn thứ hai thế giới về nông nghiệp. Tại đây, mỗi năm, Đại sứ quán đều tổ chức một gian hàng Việt Nam với sự tham gia của khoảng 30 doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng tổ chức các hoạt động bên lề như hội thảo về cơ hội hội nhập của nông sản Việt Nam vào tháng 4 vừa qua... Đại sứ quán cũng tổ chức, hỗ trợ nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát thị trường và kết nối họ với các chuỗi siêu thị, nhà phân phối và đưa một số doanh nghiệp UAE vào Việt Nam.

Có thể nói, những nỗ lực liên tục của Đại sứ quán đã giúp hàng nông sản Việt Nam có bước tiến nhanh tại UAE. Đại sứ Đàm vui mừng cho biết: “Thanh long Việt Nam hiện độc chiếm ở UAE, chuối Việt Nam bây giờ cung không đáp ứng đủ cầu, xoài và chôm chôm được các bạn bè UAE đánh giá cao, gạo premium (cao cấp) của Việt Nam đã có thể chính danh đi khắp nơi và không còn phải mượn danh gạo Thái nữa... Cà phê, trà cũng đang được Đại sứ quán quan tâm xúc tiến bởi ở Dubai có sàn giao dịch trà, 60% sản lượng trà tiêu thụ trên thế giới đều qua sàn giao dịch này”.

Đại sứ tin tưởng, hàng nông nghiệp Việt còn có khả năng đi sâu vào UAE và từ đây có thể lan tỏa sang khắp Trung Đông, Bắc Phi... Ông kể rằng, trong chuyến công tác về Việt Nam tháng 2 vừa qua, ông đã đưa tập đoàn siêu thị Al Maya của UEA về Việt Nam. Chưa đầy hai tháng sau cuộc tiếp xúc giữa Vinamilk và Al Maya do Đại sứ làm "mai mối" trực tiếp, hai bên đã ký hợp đồng tại Hội chợ Gulfood. Không chỉ được Đại sứ thuyết phục về chất lượng sản phẩm của Việt, phía Al Maya rất vui mừng vì giờ đây họ có được kênh tin cậy là Đại sứ quán Việt Nam.

Mũi nhọn tiếp theo là du lịch

Theo Đại sứ Phạm Bình Đàm, du khách Trung Đông có tiềm năng lớn song ngành du lịch Việt Nam khai thác khá khiêm tốn và rụt rè. Đó cũng là lý do vừa qua, Đại sứ đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO tại Hà Nội, HanoiTourist, Red Tour... về kế hoạch khai thác thị trường du lịch tại đây.

“UAE và các nước Trung Đông có nguồn khách dồi dào, khả năng chi trả cao. Việt Nam vẫn chưa đầu tư quảng bá và chưa có các sản phẩm, hạ tầng phù hợp với khách Hồi giáo Trung Đông. Riêng UAE, người dân chi cho du lịch trong năm 2015  20 tỷ USD. Việc Emirates vừa khai trương đường bay thẳng Dubai – Hà Nội (tổng cộng 21 chuyến/tuần) là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy du lịch giữa hai nước”, Đại sứ chia sẻ.

Từ buổi làm việc này, một số ý tưởng đã được đề xuất, bao gồm ký kết văn bản hợp tác về du lịch giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hãng Hàng không Emirates và Cơ quan Du lịch Dubai (Dubai Tourism), lên  kế hoạch để Việt Nam có gian hàng quốc gia tại triển lãm du lịch lớn nhất Trung Đông  - Arabian Travel Market (ATM) tại Dubai  vào tháng 4/2017.

Đại sứ Phạm Bình Đàm cho rằng, các doanh nghiệp cần liên kết để tạo các gói sản phẩm phù hợp với khách Trung Đông, mở nhà hàng, tuyển chọn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch tiếng Ả-rập, phối hợp với các hãng hàng không và khách sạn lập các gói du lịch phù hợp... Ông cho biết, sắp tới, một số doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động quảng bá du lịch trong khuôn khổ Tuần Việt Nam tại UAE, do Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, Công ty Vault Investments và Vietgate phối hợp tổ chức vào cuối tháng 9 tới.

Đón bắt thời cơ

Không chỉ dừng lại ở đó, mới đây, Đại sứ Phạm Bình Đàm đã làm việc với hãng hàng không Etihad Airways để sớm có đường bay Abu Dhabi - Hà Nội. Nếu thành công, đây sẽ là cánh cửa mới thúc đẩy ngành du lịch và hàng nông sản miền Bắc. Đại sứ tiết lộ,Etihad Airways đang phối hợp với Việt Nam Airlines mở đường bay trong thời gian sớm nhất.

Đại sứ Phạm Bình Đàm cho rằng, ở địa bàn có nhiều cơ hội như UAE, rất cần những cán bộ, doanh nghiệp có năng lực, năng động, tâm huyết để khai thác tốt tiềm năng ở đây. Cũng theo ông, Việt Nam hoàn toàn có thể có một cộng đồng lớn mạnh hơn hiện tại. Tuy nhiên, ở UAE, cần tuyên truyền để người lao động, sinh viên Việt Nam biết đến những cơ hội việc làm ở UAE cũng như hiểu được sự thân thiện của một quốc gia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam.

Đại sứ nhìn nhận đơn giản rằng, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE phải là “Đại sứ quán vì doanh nghiệp”, tức là người đồng hành, là phương tiện để các doanh nghiệp đưa nông sản Việt chinh phục Trung Đông và xa hơn. Ông rất vui với câu nói của một doanh nhân: “Giữa sa mạc nóng bỏng, chúng tôi thấy Đại sứ quán như một cây cao bóng mát cho chúng tôi nương vào”.