Khoản ngân sách ‘bị thủng’ thường xuyên của Ukraine liên tục được kêu gọi lấp đầy, bởi các nhà tài trợ hàng đầu như Mỹ, EU, IMF... (Nguồn: DPA) |
Ukraine - quốc gia Đông Âu đang chìm trong cuộc xung đột quân sự với Nga hiện vẫn tự tin sẽ cân bằng được ngân sách trong năm nay và đang tính toán cho năm tiếp theo.
Theo vị quan chức trên, gần 16 tháng sau cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã cân bằng ngân sách trong năm nay chủ yếu thông qua hỗ trợ từ các nhà tài trợ hàng đầu là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các đối tác khác.
"Vào năm 2023, chúng tôi có kết quả tài chính tốt hơn nhiều so với một năm trước. Nhờ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và các biện pháp toàn diện do chính phủ thực hiện, chúng tôi đảm bảo cân bằng ngân sách và tài trợ cho các chi tiêu quan trọng, chủ yếu trang trải trong các nhu cầu cơ bản của xã hội", ông Marchenko cho biết.
“Các chính sách tiền tệ và tài khóa năm nay đều đang trong tầm kiểm soát”, Bộ trưởng Tài chính Ukraine tự tin thông báo và cho biết, Kiev đã nhận được gần 22 tỷ USD viện trợ tài chính nước ngoài, tính đến nay. Ông Marchenko cũng cho biết, các đối tác quốc tế của Ukraine cũng đã nhắc lại cam kết cung cấp 42,5 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trong năm nay.
Tuy nhiên, khi dự báo kế hoạch ngân sách cho năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Ukraine đã ra cảnh báo về một khoảng trống 'khủng'. Ông Marchenko kêu gọi, Mỹ và các nước khác nên tiếp tục can thiệp để giúp Kiev bù đắp khoảng cách thiếu hụt quá lớn này.
"Ukraine cần sự giúp đỡ của nước ngoài để cân bằng ngân sách vào năm 2024", Bộ trưởng Marchenko cho biết, đồng thời nói với giới truyền thông rằng, "hy vọng các đối tác, bao gồm cả Mỹ và các quốc gia khác sẽ can thiệp và trang trải các chi phí, cũng như giúp chúng tôi bù đắp thâm hụt ngân sách trong năm tới".
Trước đó, hồi tháng Ba, IMF đã đạt được thỏa thuận với Kiev về một chương trình tài trợ trị giá 15,6 tỷ USD nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đề xuất gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro cho Ukraine đến năm 2027. EU khẳng định, gói viện trợ này sẽ đáp ứng 45% nhu cầu tái thiết khẩn cấp và ngân sách của Ukraine, ước tính khoảng 110 tỷ USD.
Mặc dù đây là những “tín hiệu rất rất tốt”, nhưng nó sẽ vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng trống ngân sách quá lớn, ông Marchenko nói. “Đó là lý do tại sao chúng ta nên thu hút sự chú ý của các đối tác quan trọng khác, chẳng hạn như từ Mỹ. Họ cũng nên can thiệp và ít nhất là quan tâm tới việc cam kết tài trợ cho chúng tôi”, Bộ trưởng Tài chính Ukraine nói thêm.
Theo ông Marchenko, ngay cả khi cuộc phản công hiện đang diễn ra cho phép Ukraine chiếm được vị thế tốt hơn, hoặc thậm chí giành được chiến thắng, thì "hòa bình sẽ không hề rẻ".
“Đó sẽ là một khoản thâm hụt ngân sách lớn, bởi vì ngay cả khi chúng ta dự kiến giảm số tiền phải chi tiêu cho chiến dịch quân sự, thì ngày hôm sau… nhu cầu xã hội và nhân đạo sẽ vẫn rất lớn”...
Trong dịp này, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cũng bác bỏ ý tưởng do các quan chức EU đưa ra rằng, hỗ trợ ngân sách nên nhanh chóng bị loại bỏ trong 2 hoặc 3 năm tới và thay thế bằng các khoản vay và bảo lãnh cho đầu tư tư nhân.
“Có thể chúng tôi sẽ có một số khoản đầu tư bùng nổ ở Ukraine, doanh thu thuế sẽ tăng gấp đôi và chúng tôi sẽ có thể tự đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình. Nhưng thành thật mà nói, nó giống như một phép màu. Và tôi không phải là một pháp sư”, ông Marchenko nói.
Hồi tháng 4, phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân 2023 của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington (Mỹ), Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh quy mô khoản tiền để vực dậy nền kinh tế Ukraine sẽ rất lớn, lên đến 411 tỷ USD. Con số này cao gấp 2,6 lần so với GDP của Ukraine năm 2022 và tăng so với mức ước tính 349 tỷ USD đưa ra hồi tháng 9/2022.