Ukraine gia nhập EU: 7 ‘cửa ải’ chưa vượt qua, ông Zelensky nóng lòng giục châu Âu 'đốt cháy giai đoạn'. Trong ảnh: Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ sự thân thiện với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sau cuộc họp báo, ngày 9/5. (Nguồn: AFP) |
Đánh dấu Ngày châu Âu (9/5), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tới Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để chứng minh rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang "kề vai sát cánh" với quốc gia đang chìm trong cuộc xung đột với Nga.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung, bà Ursula von der Leyen bày tỏ khen ngợi: "Thật dũng cảm, Ukraine đang chiến đấu vì những lý tưởng của châu Âu mà chúng ta tôn vinh ngày hôm nay".
Tất nhiên, không bỏ qua cơ hội quan trọng này, ông Zelensky đã tận dụng ngay để nhấn mạnh vào một trong những ưu tiên hàng đầu của Kiev là “xin gia nhập EU”.
Nhà lãnh đạo Ukraine giục EU đẩy nhanh việc Ukraine xin gia nhập khối, hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu và còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc hoàn thành 7 cải cách, chẳng hạn như cuộc chiến chống tham nhũng và bảo vệ các dân tộc thiểu số.
Ông Zelensky nóng lòng muốn tiến hành các cuộc đàm phán gia nhập chính thức bắt đầu ngay trong năm nay (2023). Đây là một mốc thời gian đầy tham vọng, gây lo ngại cho các nhà ngoại giao và quan chức ở Brussels, những người lo ngại đất nước này vẫn chưa thể sẵn sàng.
“Đã đến lúc loại bỏ sự mập mờ chính trị trong quan hệ giữa Ukraine và EU. Đã đến lúc đưa ra một quyết định tích cực để mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine trong EU", ông Zelenksyy thúc giục.
Về yêu cầu này, bà von der Leyen đã thận trọng thông báo rằng, về sơ bộ tiến trình gia nhập EU của Ukraine sẽ được đưa tới các quốc gia thành viên vào tháng 6 này, tiếp theo là một báo cáo chi tiết vào mùa Thu.
… Và, các kết luận trong báo cáo này mới là cơ sở chính để các nhà lãnh đạo EU quyết định - bằng sự nhất trí - có nên tiếp tục tiến trình gia nhập của Ukraine hay không.
Vẫn không quên dành những lời có cánh cho Kiev, rằng "thật ấn tượng khi thấy rằng, bất chấp một cuộc xung đột toàn diện, Ukraine đang làm việc chăm chỉ, không mệt mỏi và rất mạnh mẽ. Rất nhiều tiến bộ đã đạt được”, nhưng bà Chủ tịch EC một lần nữa khẳng định “nhiệm vụ hoàn thành 7 yêu cầu vẫn phải tiếp tục".
"Điều rất quan trọng là chúng ta đã có những tiến bộ. Tôi rất tự tin vì chúng ta đã có những cuộc thảo luận rất tốt về các chủ đề khác nhau để tiến tới mục tiêu đạt được 7 yêu cầu trên".
Vào tháng 6/2022, Ukraine trở thành quốc gia ứng cử viên của EU, đưa Kiev tiến một bước gần hơn đến việc mở các cuộc đàm phán gia nhập. Tuy nhiên, điều gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào cách Ukraine đáp ứng các tiêu chí gia nhập như thế nào.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định, 7 “cửa ải” mà Ukraine phải vượt qua để có tấm vé gia nhập EU sẽ vô cùng khó khăn.
Một trong 7 thách thức khó khăn (gồm Cải cách Tòa án Hiến pháp; Cải cách tư pháp; Cải cách chống tham nhũng, Cải cách lĩnh vực thực thi pháp luật và chống rửa tiền; Luật chống nhóm lợi ích, Hài hòa hóa luật pháp về nghe nhìn, Luật pháp về dân tộc thiểu số), thường được nhắc tới nhất là Ukraine phải cho EU thấy một quốc gia sạch tham nhũng.
Trên thực tế, thời gian gần đây Kiev đã khá mạnh tay trong các cuộc điều tra nhắm vào các chính trị gia, công chức và giới tài phiệt có liên quan tham nhũng, từ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, nhà tài phiệt Ihor Kolomoiskiy, cựu bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov…
Đây là một trong những cuộc chiến chống tham nhũng lớn nhất của Ukraine. Không phải ngẫu nhiên các cuộc điều tra trên diễn ra ngay trước Hội nghị thượng đỉnh EU tại Kiev vào đầu tháng 2/2023. Ông Volodymyr Fesenko, chuyên gia về khoa học chính trị đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị ứng dụng Penta, cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng công khai hiện nay đang giúp Tổng thống Zelensky “bắn một mũi tên trúng hai đích”.
Ngoài mục tiêu thể hiện trước EU, chiến dịch chống tham nhũng này cũng giúp Tổng thống Zelensky "ghi điểm" với công chúng, những người muốn các quan chức tham nhũng bị trừng phạt.
Trong khi đó, là người khá thẳng thắn, chuyên gia Mykola Khavroniuk của Trung tâm Nghiên cứu cải cách chính trị và pháp lý ở Ukraine, cho rằng "để chống tham nhũng hiệu quả, nhà chức trách phải thu thập bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp trong một thời gian dài. Không nên chỉ chống tham nhũng theo phong trào, chẳng hạn như để lấy điểm trước một hội nghị thượng đỉnh".