📞

Ukraine thúc viện trợ, Mỹ và đồng minh châu Âu 'lục đục' vì… tiền

Minh Anh 13:29 | 20/10/2022
Mỹ và đồng minh phương Tây đang gia tăng “lục đục” vì tình hình xấu đi của kinh tế Ukraine. Thậm chí, các quan chức Mỹ không che giấu thái độ thất vọng vì sự trì hoãn của châu Âu trong việc triển khai viện trợ cho Kiev.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khảo sát tình hình thiệt hại do xung đột tại Ukraine. (Nguồn: AP)

Tuần qua, dường như không bỏ lỡ cơ hội nào, tại các cuộc họp của giới lãnh đạo tài chính toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen đều lên tiếng kêu gọi các đối tác đẩy nhanh cả tốc độ và lượng tiền đổ vào Ukraine.

Bà Yellen cũng không ngần ngại nêu vấn đề này trong cuộc họp riêng với các đồng minh châu Âu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mà cụ thể là với Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis và Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni...

Họ đang rất... thất vọng

Giới quan sát cho rằng, tần suất đề cập đến “tiền cho Kiev” của bà Yellen là do sự thúc giục công khai của cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng nước này Denys Shmyhal trong một cuộc họp của Ngân hàng Thế giới (WB) với các quan chức tài chính hàng đầu mới đây.

Tuần trước, các dự báo mới từ WB cho thấy, nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 35% trong năm nay và các quan chức tài chính của nước này cho biết, lạm phát có thể đạt 40% vào đầu năm tới - gần với định nghĩa của các nhà kinh tế về “siêu lạm phát”.

Ngay cả khi tình hình xung đột được cho là đang có lợi cho Ukraine, xuất khẩu của quốc gia này đã giảm rất mạnh, doanh thu từ thuế sụt giảm, hàng triệu người phải bỏ chạy khỏi đất nước và các cuộc giao tranh đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả lưới điện.

Hiện tại hỗ trợ quốc tế không thể đủ để bù đắp các khoảng trống. Tổng thống Zelensky mới đây cho biết, Ukraine cần tới 38 tỷ USD trợ giúp kinh tế khẩn cấp từ phương Tây cho riêng ngân sách của năm tới.

Tất nhiên, con số đó không bao gồm 350 tỷ USD bổ sung mà WB ước tính sẽ cần thiết cho công cuộc tái thiết lâu dài của Ukraine sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc.

Mỹ đã giải ngân 8,5 tỷ USD viện trợ kinh tế và sẽ giải ngân thêm 4,5 tỷ USD nữa vào cuối năm nay, trong khi các quan chức Mỹ cho biết, Liên minh châu Âu đã cam kết 11 tỷ Euro nhưng đến nay mới chỉ giải ngân khoảng 3 tỷ dưới hình thức cho vay.

“Chúng tôi đang kêu gọi các đối tác và đồng minh tham gia với chúng tôi bằng cách nhanh chóng giải ngân các cam kết hiện có của họ với Ukraine và đẩy mạnh hơn nữa - vừa để giúp Kiev tiếp tục các dịch vụ thiết yếu của chính phủ, vừa giúp họ bắt đầu xây dựng và phục hồi”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi.

Vừa mới đây, bà Yellen một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải giải ngân nhanh chóng các khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt - thay vì các khoản vay phải trả - để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine. Tuy nhiên, lời nói của bà Yellen vô tình đề cập "vấn đề thực chất" của EU, khi hầu hết các khoản viện trợ cho Ukraine đều là các khoản cho vay.

Giới quan sát bình luận, các quan chức của cả Ukraine và Mỹ dường như đều rất cẩn trọng để không làm mất lòng các đồng minh châu Âu của họ bằng những lời chỉ trích gay gắt của công chúng, nhưng dường như họ đã rất sốt ruột khi thấy những bước triển khai quá chậm của EU.

“Tôi biết họ rất thất vọng”, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Các quan chức Mỹ muốn thấy châu Âu đẩy nhanh hơn nhiều tiến trình cung cấp tiền cho Kiev.

Tình cảnh khó nói của EU

Tuy nhiên, về phía EU, trong một tuyên bố, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Nuyts Veerle đã bác bỏ mạnh mẽ ý kiến cho rằng, EU đã chậm hoặc không đầy đủ trong việc giải ngân viện trợ. Bà Veerle cho biết, cam kết tổng thể của “Nhóm châu Âu” - không chỉ bao gồm EU mà còn cả các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính như Ngân hàng Đầu tư châu Âu - lên tới khoảng 19 tỷ Euro.

Ủy ban châu Âu cũng cam kết sẽ giải ngân 10,2 tỷ Euro hỗ trợ kinh tế khẩn cấp cho Ukraine vào cuối năm nay, không bao gồm viện trợ quân sự, bà Veerle cho biết. Theo bà Nuyts Veerle, mặc dù phần lớn các khoản hỗ trợ là dưới hình thức cho vay hơn là viện trợ không hoàn lại, nhưng các khoản vay đó được thực hiện với các điều kiện rất có lợi cho người đi vay.

Một phần lý do tiến độ chuyển tiền không được như Mỹ và Kiev mong muốn, cũng là thách thức của chính EU, khi mọi quyết định như vậy họ đều phải đạt được sự nhất trí của các thành viên, trong khi Mỹ có thể phê duyệt viện trợ mà không cần phải hỏi ý kiến các quốc gia khác.

"EU đã chào đón hàng triệu người tị nạn từ Ukraine và đã chăm sóc họ trong lãnh thổ của mình. Tất cả những điều này cần phải được tính đến khi thảo luận về mức độ chung của nỗ lực hỗ trợ và giúp đỡ Ukraine”, một quan chức châu Âu giấu tên đã phản ánh thẳng thắn quan điểm.

“Thêm vào đó, EU thực hiện các cam kết lâu dài cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự. Đối với chúng tôi, đây không phải là một cuộc đua hay một cuộc thi sắc đẹp. Hỗ trợ cho Ukraine là việc quan trọng của chúng tôi và chúng tôi quyết tâm làm hết sức có thể để giúp Kiev xây dựng lại đất nước họ”.

EU đang phải đối mặt với những thách thức của riêng mình trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu khá tối tăm. Châu Âu phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng và khả năng cuộc suy thoái có thể đến ngay vào mùa Đông này, do quan hệ về nguồn cung năng lượng với Nga, trong nỗ lực trừng phạt và trả đũa lẫn nhau. Lạm phát ở châu Âu đang tiếp tục không suy giảm và giá năng lượng đã tăng cao hơn rất nhiều so với Mỹ.

Nhưng tình hình kinh tế Ukraine còn tồi tệ hơn nhiều và những lời cảnh báo gia tăng mạnh trong những tuần gần đây, bất chấp tin tức về lợi thế họ đạt được trong cuộc xung đột với Nga.

Hầu hết nguồn thu từ thuế của Ukraine hiện được dành cho các hoạt động quân sự, buộc chính phủ nước này phải in thêm tiền - làm tăng lạm phát và buộc giá trị đồng tiền của nước này mất giá mạnh.

Theo Maryan Zablotsky, một thành viên của quốc hội Ukraine, thành viên Ủy ban Tài chính của nước này, lạm phát đã ở mức trên 30% và đồng tiền của quốc gia này, đồng Hryvnia, đã giảm giá trị khoảng 70%. Và như trong bài phát biểu từ xa của ông Zelensky, trong một cuộc họp của WB, thu nhập được điều chỉnh theo lạm phát của người Ukraine hiện đã giảm hơn một phần ba.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Zablotsky nói “Chúng tôi hiểu các nước phương Tây đều có những vấn đề riêng của họ, nhưng viện trợ hiện tại hầu như không đủ để nuôi sống người dân”.

Nhà kinh tế Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF lo ngại, hậu quả từ “Chiến dịch toàn cầu” của Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhằm tấn công nguồn tài chính Nga, mà lạm phát của Ukraine có thể tiếp tục tăng vọt trong vòng 6 tháng đến một năm, nếu sự trợ giúp bổ sung không thành hiện thực.

Với thâm hụt ngân sách lớn, Ukraine buộc phải in tiền để trang trải các nghĩa vụ chi tiêu - hạ giá trị đồng tiền và đẩy chi phí nhập khẩu và các hàng hóa khác lên cao.

“Họ đang ở trong một tình huống tuyệt vọng, tuyệt vọng mà bạn thậm chí không thể tưởng tượng được… Theo một nghĩa nào đó, có thể họ đang chiếm ưu thế trong cuộc xung đột, nhưng họ bất lực trước những mất mát của nền kinh tế”, chuyên gia Rogoff chia sẻ.

Theo ý kiến của vị chuyên gia này, Mỹ không quan tâm EU có đang suy thoái hay không, mà chỉ biết rằng, người châu Âu nên chuyển nhiều tiền hơn cho Kiev vì họ đang bảo vệ biên giới của châu Âu”.

Theo Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Mỹ và tại Viện Peterson, các bình luận của Bộ trưởng Yellen trong tuần này phản ánh sự thất vọng của các quan chức Mỹ đối với tiến trình viện trợ kinh tế của châu Âu cho Kiev.

Theo báo cáo, Mỹ đã cam kết cung cấp 1,5 tỷ USD/tháng để chi trả cho chính phủ Ukraine vào năm tới. Ủy ban châu Âu trong những tuần gần đây đã đưa ra cam kết tương tự, nhưng đã vấp phải sự hoài nghi từ các chuyên gia quốc tế về khả năng thực hiện tốt cam kết đó, do cho đến nay chưa nhìn thấy khả năng họ có thể đạt được các mục tiêu của mình.

“Dường như họ không sẵn sàng tiến tới tiến độ mà Mỹ mong muốn. Khi bạn được nghe phát biểu của Bộ trưởng Yellen, bạn mới có thể cảm nhận được điều đó rõ ràng”, ông Kirkegaard nói.

(theo Washingtonpost)