Hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS M142 được khai hỏa tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine, ngày 24/6. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức ngày 27/6, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói, Mỹ đang trong quá trình hoàn thiện gói hỗ trợ bao gồm "năng lực phòng không tiên tiến", song không cung cấp chi tiết.
Theo thông tin, chính quyền ông Biden chuẩn bị gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, một hệ thống phòng không tầm trung đến tầm xa có tầm bắn hơn 100 km. Hiện chưa rõ chính xác khi nào Washington sẽ hoàn tất đợt hỗ trợ quân sự này cho Kiev.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 27/6, ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh ở Đức.
Ông Sullivan nói, trong cuộc họp kín, Tổng thống Zelensky đề cập các cuộc tấn công tên lửa gần đây của Moscow vào Kiev và yêu cầu tăng cường khả năng phòng không "có thể bắn tên lửa Nga trên bầu trời".
Theo quan chức Mỹ, ông Zelensky đã yêu cầu lãnh đạo G7 hỗ trợ vũ khí và kinh tế, đồng thời tập trung vào việc đảm bảo một "vị thế thuận lợi" trong cuộc xung đột với Nga trong vài tháng chứ không phải nhiều năm.
Trong tuần trước, Mỹ công bố một gói hỗ trợ an ninh trị giá 450 triệu USD bao gồm các hệ thống tên lửa, đạn dược và vũ khí tiên tiến hơn. Ukraine đang đề nghị viện trợ thêm vũ khí hạng nặng để đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga vốn đang tập trung vào miền Đông quốc gia này.
Trước đó, Mỹ đã cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa phóng loạt HIMARS, có tầm bắn khoảng 80km, cho Ukraine và đã được Kiev đưa vào sử dụng. Đây là vũ khí tầm xa nhất đến nay mà quốc gia Đông Âu sở hữu.
Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và thuế quan mới đối với Nga, đồng thời đưa ra cam kết hỗ trợ mới cho Ukraine tại Thượng đỉnh lần này nhằm thể hiện sự ủng hộ tiếp tục đối với Kiev.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Jim Risch (bang Idaho), thành viên hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã gặp Tổng thống Zelensky tại Kiev, trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine.
Ông Risch cũng ra khu vực bên ngoài Kiev như ngoại ô Irpin và thành phố nhỏ Hostomel, những khu vực giao tranh giữa Ukraine và Nga.
Trong một tuyên bố, ông Risch nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo chính quyền Mỹ sử dụng các thẩm quyền mà Quốc hội nước này đã trao để cung cấp cho Tổng thống Zelensky và lực lượng quốc phòng Ukraine chính xác những gì họ cần để chấm dứt cuộc xung đột.
Tổng thống Zelensky đăng một video trên Instagram về cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Jim Risch, đồng thời cho biết, hai bên đã thảo luận về tình hình ở tuyến đầu của xung đột, làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng song phương và tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
| Tin thế giới 27/6: Nga nói Ukraine vượt lằn ranh đỏ; Kiev chặt đứt thỏa thuận về hạt nhân với Moscow; G7 chi khủng cạnh tranh Trung Quốc Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), căng thẳng Nga-Nhật Bản, tình hình ... |
| Thủ tướng Nhật Bản cảnh báo 'bài học sai lầm' từ xung đột Nga-Ukraine, Mỹ-Đức vững quan điểm Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở miền Nam nước Đức, Thủ ... |