Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025. (Nguồn: TTXVN) |
UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn nhất của Liên hợp quốc (LHQ), có nhiệm vụ thắt chặt hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. nhằm đảm bảo hòa bình, tôn trọng công lý, luật pháp, quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, theo tinh thần Công ước của tổ chức này.
Phát triển cùng những thử thách
Sau 75 năm chính thức đi vào hoạt động, UNESCO đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhân loại thông qua gần 2.300 di sản thế giới; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu với 169 công viên địa chất toàn cầu, 727 khu dự trữ sinh quyển thế giới.
UNESCO cũng in dấu đậm nét trong việc xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; chia sẻ, phổ biến tri thức, tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”. UNESCO đã khẳng định vai trò và vị thế của một tổ chức hợp tác trí tuệ của thế giới, “phòng thí nghiệm của các ý tưởng”, đồng thời được coi là tổ chức đại diện cho lương tri và trí tuệ của nhân loại.
Đánh giá về vai trò của UNESCO, ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh, trong 75 năm qua, UNESCO đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hòa bình và phát triển bền vững theo cách riêng của mình, là bảo tồn những giá trị tốt đẹp của quá khứ, đồng hành với sự phát triển của hiện tại và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.
Ông Mai Phan Dũng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam, tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại thủ đô Paris, Pháp. |
Theo ông Mai Phan Dũng, thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ mới nổi. Các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, sự bất bình đẳng về phát triển, biến đổi văn hóa-xã hội tiêu cực… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến chuyên môn của UNESCO và đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức.
Để bảo vệ và phát huy những thành tựu trong thời gian qua, cũng như khẳng định vai trò và vị thế trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững thế giới, UNESCO đang đứng trước nhiều cơ hội, song cũng gặp không ít khó khăn.
Về cơ hội, nổi bật nhất là các thành viên đều ủng hộ vai trò trung tâm của UNESCO trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, UNESCO đã tạo dựng thành công hình ảnh và dấu ấn trên khắp thế giới với vai trò đi đầu trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, trong việc xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp trên toàn cầu và hiện diện trong hành trình phát triển của mỗi trẻ em trên Trái Đất.
Bản thân tổ chức này đã có nhiều nỗ lực cải tổ nội bộ, hướng tới là một nhân tố chủ chốt trong các lĩnh vực chuyên môn, là diễn đàn đối thoại tri thức, đại diện cho mọi nền văn hóa, mọi tư tưởng của nhân loại, với cách tiếp cận nhân văn, liên ngành.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan chuyên môn duy nhất của LHQ phụ trách về khoa học-vấn đề được nhiều thành viên, nhất là các quốc gia đang phát triển quan tâm, UNESCO có khả năng phát huy vai trò “phòng thí nghiệm các ý tưởng”, tổ chức hợp tác trí tuệ để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương về nội dung này, nhất là khoa học mở.
Tuy nhiên, UNESCO cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, như khó khăn về nguồn lực, bao gồm nhân lực và tài chính để triển khai các chương trình, dự án; không tránh khỏi xu hướng chính trị hóa một số vấn đề giữa các quốc gia thành viên, phần nào làm ảnh hưởng đến hợp tác chuyên môn; mâu thuẫn giữa việc bảo tồn di sản với việc đảm bảo sinh kế cho cộng đồng dân cư bản địa, giữa việc bảo tồn giá trị lịch sử với việc phát triển và sức ép từ cuộc sống hiện đại.
Toàn diện, thực chất và hiệu quả
Có thể thấy, tròn 45 năm gia nhập UNESSCO, Việt Nam chia sẻ mục tiêu, sứ mệnh, coi trọng vai trò và các hoạt động của UNESCO nhằm góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác trí tuệ vì phát triển bền vững; ủng hộ các nỗ lực cải tổ để trở thành một tổ chức dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41. |
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, ông Mai Phan Dũng đã nêu rõ quan hệ Việt Nam-UNESCO có thể được tóm tắt bằng ba từ “toàn diện, thực chất và hiệu quả”.
Sau 45 năm gia nhập tổ chức này, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, có nhiều đóng góp cho việc xây dựng tổ chức và giải quyết các vấn đề chung; được thụ hưởng nguồn vốn, tri thức, tư vấn chính sách của UNESCO.
Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, như thành viên Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản thế giới, Hội đồng Điều phối quốc tế thuộc Chương trình Con người và Sinh quyển (ICC-MAB), Ủy ban liên chính phủ hải dương học khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC WESTPAC). Việt Nam đã cử đại diện, chuyên gia giữ một số vị trí quan trọng tại các cơ quan chuyên môn của UNESCO và đóng góp thiết thực cho việc xây dựng tổ chức, giải quyết các vấn đề lớn mà UNESCO và các thành viên quan tâm.
Đặc biệt, hợp tác Việt Nam-UNESCO đã được nâng cấp nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới trụ sở UNESCO ngày 5/11 vừa qua, với việc hai bên ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025.
Trong cuộc hội kiến bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao UNESCO luôn đồng hành với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác hơn nữa để đưa quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO lên một tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn, nhất là tập trung chia sẻ tri thức, ý tưởng, thúc đẩy các mô hình và danh hiệu, hỗ trợ nâng cao năng lực vì sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam.
Với mong muốn đóng góp thực chất và hiệu quả hơn nữa về các vấn đề mà UNESCO đang xử lý, nhất là trong triển khai các chiến lược, chương trình, dự án hỗ trợ các quốc gia phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, Việt Nam đã ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ Công ước di sản phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026, Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Đồng thời, với kinh nghiệm của ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, làm cầu nối trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa UNESCO với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức khu vực khác trong thời gian tới.
Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với UNESCO trên các lĩnh vực chuyên môn, thực hiện mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững, đưa ra nhiều đề xuất giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, gìn giữ các di sản tư liệu, các công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Tác phẩm từ cuộc thi vẽ minh họa 'Hà Nội là...': do UNESCO phát động. (Nguồn: BTC) |
Đặc biệt, kể từ khi thành lập Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, năm 1999, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều hoạt động hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tổ chức, đem lại những hiệu quả thực chất.
Các hoạt động hợp tác của UNESCO tại Việt Nam đã đóng góp cho việc xây dựng nhiều chính sách của Việt Nam và cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai thành công nhiều chương trình tại Việt Nam. Đây là hai cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam và UNESCO, cũng như với các quốc gia thành viên của tổ chức.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quóc (UNESCO) được thành lập vào tháng 11/1945 và chính thức đi vào hoạt động năm 1946. Hiện UNESCO có 193 thành viên và 11 thành viên liên kết. Ngoài trụ sở chính tại Paris, Pháp, UNESCO còn có hơn 50 văn phòng, viện và trung tâm trực thuộc tại nhiều nơi trên thế giới. |