Nhỏ Bình thường Lớn

UNESCO tổ chức tọa đàm 'Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em'

Ngày 25/11, UNESCO và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến 'Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em'.

Tọa đàm được tổ chức nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí, truyền thông cũng như vấn đề bình đẳng giới trong báo chí và truyền thông.

Sự kiện đồng thời ra mắt phiên bản tiếng Việt của tài liệu Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - Cẩm nang dành cho nhà báo tới các phóng viên, sinh viên báo chí, các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý báo chí, truyền thông.

UNESCO tổ chức tọa đàm 'Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em'
Đại biểu tham dự tọa đàm tại SJC. (Nguồn: Văn phòng UNESCO tại Việt Nam)

Bên cạnh việc giới thiệu những nội dung cốt lõi của cuốn cẩm nang, tọa đàm tập trung nhận diện vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em, đưa ra phương thức tiếp cận và thảo luận về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên báo chí và trong tác nghiệp của nhà báo thông qua các trường hợp cụ thể.

Từ đó, tọa đàm gợi mở cho các nhà báo tham dự suy ngẫm nhằm thúc đẩy các thực hành đạo đức khi đưa tin, bài về bạo lực giới.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart nhấn mạnh: “Tọa đàm trực tuyến là cơ hội tuyệt vời để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong truyền thông và báo chí, đồng thời là một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Mọi hình thức truyền thông và báo chí đều có vai trò quan trọng vì đều có sức mạnh thay đổi hành vi và định hướng tư duy của mọi người. Cuốn cẩm nang này sẽ giúp các nhà báo giải quyết khó khăn khi đưa tin về những vấn đề giới”.

Phó GS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng SJC cho biết: “Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em. SJC luôn đồng hành cùng các nhà báo và sinh viên ngành báo chí trong việc nhận diện và giải quyết vấn đề này thông qua các khóa học và hội thảo với các chuyên gia, các nhà báo hàng đầu Việt Nam.

Người tham dự tọa đàm được cập nhật về hiện trạng vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, vai trò của các nhà báo, phương thức tác nghiệp và sự cân nhắc về đạo đức khi tác nghiệp về chủ đề này tại Việt Nam qua trình bày của các diễn giả và dựa trên các khuyến nghị của UNESCO trong cuốn cẩm nang được giới thiệu tại tọa đàm".

Đưa tin về Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - Cẩm nang dành cho nhà báo do UNESCO xuất bản năm 2019 là nguồn tài liệu hữu ích dành cho các nhà báo, sinh viên báo chí, giảng viên, chuyên gia báo chí và truyền thông trên toàn thế giới.

Tài liệu này là một công cụ giàu thông tin, có thể hỗ trợ thiết thực cho các nhà báo khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới. Ngoài hình thức dễ sử dụng, cuốn cẩm nang có cấu trúc phù hợp cho các phóng viên làm việc tại các phòng tin có cường độ làm việc cao và sức ép thời gian lớn. Cuốn cẩm nang gồm hai chương, cung cấp thông tin chi tiết về 10 chủ đề cụ thể liên quan tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về đạo đức nghề báo trong việc đưa tin về bạo lực giới.

Phụ nữ và nỗi đau từ đại dịch: Mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình...

Phụ nữ và nỗi đau từ đại dịch: Mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình...

Theo một báo cáo mang tên "Đo lường góc khuất đại dịch: Bạo lực đối với phụ nữ trong giai đoạn Covid-19", có tới 25% ...

Báo cáo mới: Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19

Báo cáo mới: Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19

Ngày 22/11, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo, phụ nữ và người di cư là những ...