📞

Ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19

Duy Quang 10:30 | 18/06/2021
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, việc ứng dụng các công nghệ mới đã hỗ trợ đắc lực vào công cuộc chống dịch của Việt Nam.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hức tạp, không ai có thể biết chính xác thời điểm dịch kết thúc hay có thể tiên liệu dịch bệnh nào khác sau Covid-19. Trong bối cảnh đó, một giải pháp được cho là hiệu quả nhất đối với xã hội chính là ứng dụng công nghệ số.

Theo cách tiếp cận mới về chống dịch Covid-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 vào ngày 5/5, chống dịch chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, trong đó đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh.Phương châm hành động từ 5K + Vaccine thành 5K + Vaccine + Công nghệ.

Việt Nam nhanh chóng áp dụng thực tiễn các công nghệ mới, để hỗ trợ cho cuộc chiến chống “kẻ thù vô hình”. Những ứng dụng khai báo y tế, truy vết, sử dụng robot, xét nghiệm... đang phát huy sức mạnh của khoa học công nghệ trong việc phòng, chống dịch hiệu quả.

Bluezone được coi là “ứng dụng quốc dân” khi xuất hiện trên hàng triệu chiếc smartphone ở Việt Nam. (Ảnh: Duy Quang)

Từ ứng dụng điện thoại…

Đầu tiên, phải kể đến ứng dụng toàn dân, mà hầu hết công dân Việt Nam sử dụng smartphone đều phải có, đó là ứng dụng hỗ trợ truy vết các ca nhiễm Covid-19 mang tên Bluezone. Là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp, Bluezone giúp người dùng ghi nhận các tiếp xúc gần với các smartphone khác cùng cài đặt và sử dụng ứng dụng này.

Khi có một ca nhiễm Covid-19 mới, cơ quan y tế nhập dữ liệu F0 này vào hệ thống. Hệ thống sau đó gửi dữ liệu F0 đến các smartphone khác trong cộng đồng Bluezone. Lịch sử tiếp xúc F0 trong 14 ngày trước đó sẽ được phân tích, đối chiếu và nếu trùng khớp, Bluezone sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế để nhận trợ giúp.

Khai báo y tế tự nguyện là một trong các biện pháp hữu hiệu, quan trọng hàng đầu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, để Bluezone có thể hoạt động hiệu quả, Việt Nam còn có hai ứng dụng khai báo y tế phổ biến khác là Ncovi và Vietnam Health Declaration (VHD).

Đây là hai ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện dành cho người Việt Nam và khách nhập cảnh. Các thông tin này giúp cho cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ có thể xảy đến với người dân khai báo y tế và kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Mới đây, Việt Nam đã trình làng ứng dụng Bản đồ cung cấp thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps), Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19. Những ứng dụng này cung cấp thông tin thời gian thực, giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, xem những điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh.

Có thể nói công nghệ là tiên phong, mũi nhọn giúp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Những ứng dụng công nghệ đã mang đến giải pháp quyết định phục vụ công tác phòng chống dịch, nhanh, hiệu quả và tiết kiệm được nguồn lực xã hội.

…tới những phát minh đời thực

Những ngày vừa qua, Bắc Giang và Bắc Ninh là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Dịch bùng phát vào đúng mùa hè nắng nóng, khiến công việc của những người trên tuyến đầu chống dịch gặp không ít khó khăn.

Phát triển ý tưởng từ nhu cầu thực tế phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhiều ngày qua tại miền Bắc, kiến trúc sư Khiếu Hữu Nghĩa và nhóm cộng sự đã nghiên cứu thành công giải pháp buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo cho y bác sĩ tại vùng dịch và được sử dụng thí điểm ở Trung tâm y tế huyện Tân Yên.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế, cũng như tránh tình trạng lây nhiễm chéo, các khu cách ly đã áp dụng các giải pháp giám sát bằng camera tích hợp công nghệ như trí tuệ nhân tạo hay điện toán đám mây.

Các tính năng chính của hệ thống camera là giám sát trực tiếp (live view), xem lại (playback), phân quyền người dùng (nhóm người dùng), bảo vệ dữ liệu người dùng, ghi log truy cập, lưu trữ theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.

Với mục tiêu vừa đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về công tác khử khuẩn các phòng cách ly điều trị vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, ngành y tế đã nhanh chóng đưa các robot vào các khu cách ly. Hồi đầu tháng Sáu, Bắc Giang đã đưa robot khử khuẩn Phenikaa-X vào hoạt động. Robot này kết hợp hai phương pháp khử khuẩn UVC và hóa chất giúp triệt tiêu vi khuẩn, giảm bớt việc lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, hệ thống robot y tế, vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao đã được đưa vào hoạt động thay thế nhân viên y tế vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, thu gom rác thải… phục vụ người bệnh và đặc biệt có thể hỗ trợ công tác thăm, khám bệnh nhân, hạn chế tối đa sự tiếp xúc thông qua đường truyền thông tin giao tiếp.

Ngày 11/6, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã giới thiệu sản phẩm vòng tay thông minh hỗ trợ cho công tác giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly.

Những người cách ly tại nhà có nguy cơ thấp cũng có thể sử dụng vòng tay. Cách làm này sẽ giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng xã hội, đặc biệt là đội ngũ phòng, chống dịch.

Hiện có hai loại vòng tay hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Một là vòng tay thông minh sử dụng mã nguồn tương tự ứng dụng Bluezone, do một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Hai là vòng tay định vị GPS giúp quản lý khu cách ly; vòng tay này sẽ xác định vị trí người đeo, có cảnh báo phá hủy hoặc tháo vòng.

Có thể nói công nghệ là tiên phong, mũi nhọn giúp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Những ứng dụng công nghệ đã mang đến giải pháp quyết định phục vụ công tác phòng chống dịch, nhanh, hiệu quả và tiết kiệm được nguồn lực xã hội, hướng đến chủ động phòng chống dịch, cũng như dập dịch trong thời gian tới.

(tổng hợp)